| Hotline: 0983.970.780

Quế Sơn tạo bước đệm vững chắc để xây dựng nông thôn mới hiệu quả

Chủ Nhật 14/05/2023 , 11:42 (GMT+7)

Quế Sơn là huyện vùng trung du của tỉnh Quảng Nam, điểm xuất phát thấp, đời sống nhân dân trước đây gặp nhiều khó khăn. Nhưng hôm nay Quế Sơn đã 'thay da đổi thịt'.

Nhiều mô hình kinh tế ở huyện Quế Sơn bước đầu đã phát huy được hiệu quả, giúp nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Lê Khánh.

Nhiều mô hình kinh tế ở huyện Quế Sơn bước đầu đã phát huy được hiệu quả, giúp nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Lê Khánh.

Sau 12 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đến nay huyện Quế Sơn (Quảng Nam) đã có 6/11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM gồm Quế Xuân 1, Quế Xuân 2, Quế Phú, Quế Mỹ, Quế Châu, Quế Long. Riêng xã Quế Phú được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020.

Đây là kết quả đáng ghi nhận khi địa phương này là huyện vùng trung du của tỉnh, điểm xuất phát thấp, đời sống nhân dân trước đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân, Quế Sơn đã từng bước “thay da đổi thịt”.

Đi dọc các tuyến đường liên thôn, liên xã của huyện, có thể thấy được nhiều công trình hạ tầng được đầu tư bài bản, hệ thống đường sá được bê tông hóa đến từng ngõ, từng nhà. Trên địa bàn cũng đã có những khu công nghiệp, cụm công nghiệp hay các mô hình kinh tế phát triển hiệu quả, góp phần lớn trong việc tạo công ăn việc làm mang lại thu nhập ổn định cho người dân, đưa kinh tế huyện đi lên.

Theo ông Nguyễn Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn, huyện có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế rừng, kinh tế vườn và kinh tế gia trại – trang trại. Do đó, ngành chức năng địa phương đã rất quan tâm trong việc định hướng cũng như có chính sách hỗ trợ người dân thực hiện. Mô hình kinh tế rừng, kinh tế vườn ở các xã của Quế Sơn đã bước đầu phát triển khá về số lượng, quy mô, gia tăng về giá trị sản xuất.

“Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả rõ rệt, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã được chú trọng. Nhìn chung, các mô hình này đã có những đóng góp quan trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Có thể kể đến một số mô hình tiêu biểu như: trồng rừng gỗ lớn, chăn nuôi bò 3B, chăn nuôi gà thả vườn, liên kết sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm chất lượng cao…”, ông Châu chia sẻ.

Huyện Quế Sơn hướng đến huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2025. Ảnh: Lê Khánh.

Huyện Quế Sơn hướng đến huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2025. Ảnh: Lê Khánh.

Điều dễ thấy, lĩnh vực kinh tế nông thôn của huyện phát triển khá, ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng bình quân với 3,5%/năm. Thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện đáng kể. Năm ngoái, thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng, tăng 31 triệu đồng so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo còn 3,5% (theo chuẩn mới).

Thành quả này chính là bước đệm rất vững chắc để Quế Sơn tự tin đề ra mục tiêu trong giai đoạn tới. Theo đó, giai đoạn 2022 - 2025, huyện phấn đấu sẽ có toàn bộ số xã đạt chuẩn NTM, ít nhất 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, có 1 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Ngoài ra, đến năm 2025 đạt chuẩn huyện NTM với mức thu nhập bình quân đầu người 54 triệu đồng/năm.

Với kế hoạch này, giải pháp mà huyện Quế Sơn đề ra là tập trung huy động nguồn lực, quyết toán, thanh toán nợ xây dựng cơ bản trong Chương trình NTM; huy động có hiệu quả các nguồn lực, nguồn vốn hợp pháp ngoài ngân sách cho chương trình để thực hiện các nhiệm vụ. Ưu tiên hỗ trợ thực hiện các tiêu chí có thể tạo nên sự phát triển đột phá, có tính chất lan toả đối với sự phát triển.

Đồng thời, tập trung phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững và là giải pháp căn cơ để tạo nguồn lực bền vững cho NTM. Chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào vùng nông thôn nhằm gia tăng giá trị sản xuất sản phẩm nông nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động khu vực nông thôn.

“Để hoàn thành mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện tranh thủ sự đầu tư của Trung ương, tỉnh và nguồn vốn đối ứng của huyện, xã và huy động khác, tổng vốn cho 5 xã chưa về đích là 129,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 85 tỷ, vốn ngân sách huyện là 26 tỷ đồng, vốn ngân sách xã và huy động khác là 19 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ cho các xã trên bằng các nguồn vốn lồng ghép khác như: giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương”, ông Nguyễn Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn thông tin.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

OCOP Nghệ An cần những mảng màu như Tứ Phương

Muốn phát triển thương hiệu OCOP vững bền đòi hỏi lượng và chất phải song đôi, xuyên suốt hành trình đã qua, Tứ Phương luôn xem đây là yêu cầu bắt buộc.