Nông dân ngóng người mua
UBND Thành phố Long Khánh vừa kêu gọi các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng… tham gia hỗ trợ tiêu thụ chôm chôm trên địa bàn. Địa phương này cũng có văn bản đề nghị các Sở ngành hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm chôm chôm, vì trên địa bàn có khoảng 2.000 tấn chôm chôm Thái, chôm chôm Java và chôm chôm nhãn cần được hỗ trợ tiêu thụ. Nguyên nhân, do một số địa phương áp dụng Chỉ thị 16, các nhà phân phối ở những thị trường tiêu thụ chôm chôm lớn như TP.HCM, Hà Nội… không nhận hàng, ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ của nông dân.
Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) cho biết, hiện chôm chôm Java bán tại vườn có giá khoảng 3 ngàn đồng/kg; chôm chôm Thái loại 1 có giá khoảng 8-9 ngàn đồng/kg, loại 2 còn 6-7 ngàn đồng/kg. Giá thấp nên nhiều nhà vườn còn ít chôm chôm cuối vụ hầu như không thu hoạch vì tiền bán trái không đủ bù cho công hái. Những nhà vườn vào vụ trễ, HTX đã cố gắng kết nối được một số đơn vị hỗ trợ thu mua chôm chôm cho các xã viên HTX”.
Ông Nguyễn Văn Lợi, nông dân trồng bưởi tại xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) cho biết, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sức tiêu thụ trên thị trường giảm mạnh, nguồn bưởi còn tồn nhiều nên giá bán thấp. Hiện giá bưởi da xanh bán tại vườn chỉ còn từ 7-8 ngàn đồng/kg, kể cả đặc sản bưởi đường lá cam giá bán cũng chỉ từ 100-300 ngàn đồng/chục, giảm mạnh so với mọi năm.
Tương tự, những ngày gần đây, người trồng củ sắn ở xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ cũng đã vào vụ thu hoạch. Nông dân ở địa phương này cần được hỗ trợ tiêu thụ vì hiện còn tồn cả ngàn tấn củ sắn. Ông Phạm Văn Hùng, Tổ trưởng Tổ sản xuất củ sắn xã Xuân Bảo cho biết, tuy củ sắn đã vào vụ thu hoạch vài tuần qua, nhưng nông dân vẫn đang ngóng chờ người mua, giá bán cũng đã giảm mạnh.
Ngay cả mặt hàng rau xanh vốn tiêu thụ khá tốt trước đó, thì thời gian gần đây cũng rơi vào cảnh rớt giá, tồn hàng. Theo HTX Rau Trường An (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc), trung bình mỗi ngày HTX cung cấp ra thị trường hàng chục tấn rau, cao điểm có thể cung cấp được 70-80 tấn rau/ngày. Nguồn rau chủ yếu cung cấp vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở TP.HCM. Tuy nhiên, khi thị trường lớn này thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, khiến nhu cầu tiêu thụ các loại rau ăn lá gặp rất nhiều khó khăn; nhiều mặt hàng nông sản tươi sống bị ảnh hưởng lớn.
Ông Vũ Văn Chuyên, giám đốc HTX Rau Trường An cho biết, các loại rau củ quả gần đây rớt giá mạnh so với cuối tháng trước. Các loại rau ăn lá chỉ còn 3-4 ngàn đồng/kg, các loại rau củ quả như khổ qua, bầu, bí, dưa leo cũng chỉ còn từ 5-8 ngàn đồng/kg, trong khi vài tuần trước, giá bán đều trên 10 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, nông dân trồng rau bị lỗ.
Phát huy kết nối tiêu thụ nông sản
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, tổng sản lượng trái cây của tỉnh năm 2021 ước đạt 700 ngàn tấn. Trong đó, các loại trái cây như chôm chôm thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 9; thanh long, mít, bưởi, cam, quýt thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 12; chuối thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 12, tập trung chủ yếu tháng 11, 12… Riêng từ tháng 9 đến tháng 12, sản lượng trái cây cung cấp ra thị trường khoảng 165 ngàn tấn.
Do đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, khiến các kênh tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đều gặp khó khăn. Đây cũng là tình trạng khó khăn chung không chỉ riêng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai mà các tỉnh khác đều phải đối mặt.
Tuy nhiên, thời gian qua với sự vào cuộc quyết liệt của Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT phối hợp cùng Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai đã giúp cho nông sản với những mặt hàng trái cây của địa phương được tiêu thụ khá tốt.
Tính đến hết ngày 16/9, đã có tổng 141 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký về Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai để hỗ trợ kết nối tiêu thụ, trung bình mỗi ngày 30 cơ sở cung ứng rau củ các loại được 200 tấn/ngày, trái cây có 33 cơ sở cung ứng được 210 tấn/ngày, thịt gà có 11 cơ sở cung cấp với sản lượng 65 tấn/ngày, thịt heo 8 cơ sở giết mổ có khả năng cung ứng 120 tấn/ngày, thủy sản có 19 cơ sở đăng ký kết nối hỗ trợ tiêu thụ với khả năng cung ứng 70 tấn/ngày, trứng cút có 11 cơ sở với khả năng cung ứng 360.000 quả/ngày, trứng gà có 4 cơ sở cung cấp với 45.000 quả/ngày.
Kết quả, sau gần 2 tháng triển khai thực hiện kết nối cung cầu cho các doanh nghiệp, cơ sở, HTX, trang trại, đến nay đã có 22 đơn vị đã tiêu thụ hết sản lượng hàng hóa. Mặt hàng rau củ quả đã tiêu thụ được 3.000 tấn rau củ các loại, trong đó sản lượng lớn được tiêu thụ là củ đậu, dưa leo và rau ăn lá của các huyện Cẩm Mỹ, Định Quán, Thống Nhất, Xuân Lộc…
Trái cây đã tiêu thụ được 3.000 tấn các loại, trong đó sản lượng lớn được tiêu thụ là chôm chôm của HTX Bình Lộc, chôm chôm của HTX Xuân Lập, chuối xã Thanh Sơn huyện Định Quán, bưởi huyện Vĩnh Cửu, thanh long của huyện Xuân Lộc. Các cơ sở cung cấp trứng gà cơ bản cũng đã kết nối tiêu thụ hết sản lượng ra hàng ngày, có 2 trại được kết nối tiêu thụ ổn định với sản lượng 30.000 trứng/ngày.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, do thị trường tiêu thụ lớn là TP.HCM tiếp tục giãn cách thêm nửa tháng (hết 30/9), nhiều tỉnh thành khác nới giãn cách chưa nhiều, nên nông sản đến kỳ thu hoạch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tiếp tục cần hỗ trợ đầu ra. Cụ thể: sản phẩm bưởi, cam còn khoảng 300 tấn tại huyện Vĩnh Cửu; 1.400 tấn tôm cá tại các huyện Trảng Bom, Xuân Lộc, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và huyện Tân Phú. Đồng thời, các mặt hàng khác vẫn cần kết nối tiêu thụ khoảng 180.000 con gà, 76.000 con vịt và 5.750 con dê...
Trao đổi với NNVN, ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết: “Thời gian qua, Sở NN-PTNT đã tích cực tổ chức các hoạt động kết nối nhằm tiêu thụ nông sản cho nông dân. Sở đã tổ chức đường dây nóng kết nối tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Bộ NN-PTNT cũng đề nghị các Sở NN-PTNT lập tổ công tác của từng tỉnh để kết nối tháo gỡ các vấn đề về sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn; phối hợp các địa phương thúc đẩy việc lưu thông, tiêu thụ nông sản giữa các tỉnh, thành trong khu vực, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản trong thời gian phòng, chống dịch”.
Để tiếp tục tháo gỡ bớt khó khăn trong tiêu thụ nông sản hiện tại, Sở NN-PTNT Đồng Nai tiếp tục thực hiện kết nối cung - cầu; đồng thời kiến nghị về việc vận chuyển, lưu thông nông sản giữa các địa phương, nhất là các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 không nên áp dụng biện pháp phòng dịch quá mức cần thiết. Cần tạo điều kiện cho xe vận chuyển nông sản lưu thông nếu đáp ứng đầy đủ giấy xác nhận an toàn dịch bệnh đối với lái xe và hàng hóa.
Theo ông Sinh, để có thể đưa một số sản phẩm vào ướp đông, kéo dài thời gian dự trữ chờ tiêu thụ khi thị trường khởi sắc hơn, cần có ngay giải pháp ưu tiên khâu bảo quản, chế biến, lưu kho. Dự báo đến đầu tháng 10, khi các tỉnh dần mở cửa nới giãn cách, tình hình tiêu thụ nông sản của tỉnh Đồng Nai cũng như các tỉnh thành khác sẽ thuận lợi hơn.