| Hotline: 0983.970.780

Tiếp tục duy trì tổ phát triển thị trường, tổ kết nối nông sản

Thứ Bảy 11/09/2021 , 07:40 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam phát biểu kết luận tại Diễn đàn Kết nối nông sản 970 phiên thứ II, chủ đề 'Kết nối cung cầu thực phẩm tươi sống cho TP.HCM'.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị.

Sáng 11/9, Tổ điều hành Diễn đàn Thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản (Diễn đàn Kết nối nông sản 970), Bộ NN-PTNT tổ chức 'Diễn đàn trực tuyến thúc đẩy kết nối cung cầu thực phẩm tươi sống cho Thành phố Hồ Chí Minh trong tình hình thực hiện giãn cách phòng chống Covid-19' theo hình thức trực tuyến.

Tham gia hội nghị này còn có Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 và một số đơn vị như Báo Nông nghiệp Việt Nam, Trường Cán bộ Quản lý NN-PTNT II, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Trung tâm Phát triển nông thôn Saemaul Undong - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh... Ngoài ra còn có các hợp tác xã, doanh nghiệp, các nhà phân phối, bán lẻ…

Trước đó, hôm 31/8, phiên thứ I của Diễn đàn Kết nối nông sản 970 cũng được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Mục đích của Diễn đàn là để hình thành, kết nối các khâu sản xuất, chế biến, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản... Qua đó, tạo mối "liên kết - hợp tác" chặt chẽ, nhiều chiều giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và bà con nông dân.

Tất cảTổng thuật

11h10

Tiếp tục duy trì tổ phát triển thị trường, tổ kết nối nông sản

z2752740560232_507d47c53ab78d1753c317418f294ca4

Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu kết luận Diễn đàn Kết nối nông sản 970 phiên thứ II.

Kết luận tại diễn đàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các Sở tiếp tục duy trì tổ phát triển thị trường hay tổ kết nối nông sản, để gắn kết thông tin với Bộ, với doanh nghiệp.

"Tư duy bán hàng phải cụ thể, rành mạch, hàng hóa ở đâu, cung cấp thế nào là phải nắm được", Thứ trưởng nói.

"Sau 15/9, TP.HCM có nhiều kế hoạch, từng bước mở rộng thị trường, đảm bảo an toàn y tế. Nên có diễn đàn trực tuyến để kết nối chợ Bình Điền với các địa phương", Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề xuất.

11h00

Doanh nghiệp cảm ơn Tổ công tác 970

Tại diễn đàn, Doanh nghiệp Xuất khẩu trái cây Trân bày tỏ lòng cảm ơn tới Tổ công tác 970.

"Doanh nghiệp chúng tôi có thể cung ứng cho siêu thị và xuất khẩu trái thanh nhãn sang Nhật ngay lúc dịch như vầy là nhờ Tổ công tác 970, Trái cây Trân (SĐT: 0948272020) thật sự biết ơn", phía đầu cầu cho biết.

10h20

Thêm sản phẩm sữa bò vào 100.000 gói combo nông sản

Ông Hoàng Anh Tuấn, đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp Evergrowth tỉnh Sóc Trăng, cho biết thời gian vừa qua, việc tiêu thụ sản phẩm sữa bò của đơn vị đã gặp phải khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Có thời điểm người nông dân đã phải đổ sữa bỏ đi.

“Thông qua Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT, chúng tôi đã được hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sữa trong 100.000 gói combo nông sản, qua đó đáp ứng được nhu cầu về dinh dưỡng cho người dân”, ông Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.

10h15

Sóc Trăng: Cần cụ thể, chi tiết về nhu cầu nông sản

Là tỉnh có nguồn cung dồi dào về các loại thủy sản, Sóc Trăng bày tỏ nguyện vọng được kết nối chặt chẽ với các tỉnh, thành phố để sản xuất các đơn hàng.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng Trần Trọng Khiêm đề nghị, các đơn vị tiêu thụ cần đưa yêu cầu cụ thể về mặt hàng tươi sống, chẳng hạn sơ chế hay chế biến sâu như thế nào, để các nhà máy Sóc Trăng đẩy nhanh tốc độ sản xuất.

“Được biết TP. HCM muốn có lượng cung dồi dào, ổn định về thực phẩm tươi sống, nên Sóc Trăng đã làm việc với các tổ hợp tác, HTX. Bên sản xuất đồng ý ký hợp đồng thương mại để sản xuất theo yêu cầu. Tỉnh cam kết sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, và kiểm dịch”, ông Khiêm nói.

10h03

Cá lăng sống và sơ chế

Trang trại CÁ LĂNG ĐUÔI ĐỎ ở Củ Chi, TP.HCM sẵn nguồn hàng cá lăng sống và sơ chế (làm sạch, cắt khoanh…) rất mong được hợp tác với các đơn vị cung ứng nguồn cá sạch, tươi sống. Vui lòng liên hệ Ms Quyen 0975204556.

10h02

Đầu mối các HTX tại Tỉnh Hậu Giang, xin được kết nối nông sản

1./ HTX Trái cây sinh học, GĐ Sơn ĐT: 0942 344 420;

2./ HTX Kỳ Như (thủy sản) Thùy GĐ 0935 986 388;

3./ HTX Thịnh Phát trái cây, ĐT 0939. 223.035;

4./ HTX Hậu Giang Xanh (Tiên GĐ) Thủy sản 0902 789 978;

5./ HTX Tân Long (gạo, trứng, mắm...) 0939 664 477.

10h01

2.000 tấn cam Vinh đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP cần tiêu thụ

Tại diễn đàn, một đầu cầu cho biết hiện Nghệ An đang tồn đọng 2.000 tấn cam Vinh đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP cần tiêu thụ. Những ai có nhu cầu xin kết nối với số điện thoại 0981310937 (Hoàn).

10h00

Đề nghị ngân hàng hỗ trợ nông dân về vốn

Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh An Giang khẳng định sẽ cố gắng đáp ứng yêu cầu của Tổ 970. Tuy nhiên, tỉnh này nêu khó khăn về việc cá tra còn tồn nhiều, chuẩn bị quá lứa do các nhà máy không sản xuất được 100% năng suất như trước dịch.

Về tình hình sản xuất, Sở NN&PTNT tỉnh An Giang nêu đề xuất ngân hàng hỗ trợ cho nông dân tái đầu tư sản xuất do hiện tại “nông dân đã khá đuối về vốn”.

9h55

Cung cấp 50.000 gói combo nông sản cho tỉnh Bình Dương

combo nong san

Đóng gói túi combo nông sản phục vụ nhu cầu người dân (Ảnh minh họa).

Theo ông Nguyễn Trí Hải, Giám đốc Công Ty TNHH Sản Xuất Thương Mại Dịch Vụ Trí Hải, bắt đầu từ ngày 14/7, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch Covid-19.

Thời điểm đó, giá sản phẩm rau củ quả trên thị trường đã tăng đột biến. Công ty ngay lập tức triển khai nhiều giải pháp để tiêu thụ các sản phẩm rau củ quả, dầu ăn, nước tương, đường, muối…

Bên cạnh đó, đơn vị đã có phản ứng nhanh chóng, kịp thời để đáp ứng được những đơn hàng số lượng lớn của Tổ công tác 970.

“Đến ngày 5/9, Công ty đã cũng cấp 75.000 gói combo nông sản cho người dân tỉnh Bình Dương. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cung cấp 50.000 gói combo nông sản mới cho người dân địa phương này”, ông Nguyễn Trí Hải thông tin.

9h45

Sản lượng tiêu thụ rau của Gia Lai giảm 1/3

Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai Đoàn Ngọc Có, hiện nay tỉnh đang vào mùa thu hoạch rộ rau củ quả, trái cây.

Cụ thể, toàn tỉnh có khoảng 19.000 ha rau đã thu hoạch nhưng cả giá bán và sản lượng tiêu thụ đều giảm do dịch Covid-19. Đại diện Sở NN-PTNT Gia Lai cho biết, thị trường chủ yếu của nông sản tỉnh là Đà Nẵng, các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, TP.HCM và Đông Nam bộ, tất cả đều đang có chính sách giãn cách xã hội để phòng dịch dẫn đến tiêu thụ gặp khó, sản lượng giảm đến 1/3 trong khi giá giảm từ 20-30%.

Hiện nay, Gia Lai còn khoảng 1.500 ha rau với sản lượng khoảng 25.000 tấn tiếp tục thu hoạch, trong đó khó khăn nhất là mặt hàng rau ngót với số lượng vào khoảng 700 tấn mặc dù đã có nhiều chương trình kết nối cung cầu.

Ngoài ra, còn có hơn 7.500 ha trái cây chủ yếu là bơ, sầu riêng, nhãn đang vào giai đoạn thu hoạch rộ nhưng tiêu thụ gặp khó khăn. Một sản phẩm đặc trưng của tỉnh nữa đang gặp khó khăn trong tiêu thụ là khoai lang, với diện tích hơn 1.000 ha, sản lượng hàng ngàn tấn.

Về sản phẩm chăn nuôi, ông Đoàn Ngọc Có nói tỉnh còn một số trang trại nuôi gà trắng đã thời điểm xuất bán nhưng chưa lưu thông được do hệ thống nhà hàng ở các thị trường chính đều phải đóng cửa phòng chống dịch, tổng số vào khoảng 30.000 con.

Với những khó khăn trên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai mong muốn Tổ công tác 970 và Bộ sẽ tiếp tục vào cuộc, đẩy mạnh kết nối cho tỉnh với các thị trường truyền thống thông qua các HTX thu mua rau củ, trái cây quy mô lớn của địa phương với hệ thống chợ đầu mối tại các nơi đang thực hiện giãn cách xã hội.

9h35

Vina T&T đề nghị có cơ chế để kết nối, vận chuyển hàng hóa, nông sản

3 tai cho

Một doanh nghiệp áp dụng mô hình "3 tại chỗ" (Ảnh minh họa).

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T, nhờ sự hỗ trợ của Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT, doanh nghiệp đảm bảo được chuỗi cung ứng và hoạt động tương đối tốt trong điều kiện giãn cách.

“Công ty thu hoạch ở các tỉnh khá dễ, nhờ hệ thống văn bản rõ ràng từ trên xuống dưới, cũng như sự liên thông giữa các tỉnh, thành phố. Chúng tôi không còn tình trạng phải gọi điện lúc 23h cho Tổ công tác 970 để nhờ kết nối tiêu thụ nữa”, ông Tùng cho biết.

Thời gian qua, Vina T&T đã thu hoạch được 500 tấn nhãn tại nông trường Sông Hậu (Cần Thơ); khoảng 300 tấn thanh long ở Tiền Giang, cùng một số trái cây khác như sầu riêng. Tuy nhiên, lượng hàng này mới chỉ đáp ứng khoảng 50-60% nhu cầu xuất khẩu của công ty. Nhiều lý do dẫn đến tình trạng này.

Ông Tùng cho rằng, vấn đề nằm ở việc công ty phải đáp ứng mô hình “3 tại chỗ”, chỉ được hoạt động từ 6 - 18h hàng ngày, và tâm lý người lao động muốn về gia đình, sau thời gian dài ăn, ở, sinh hoạt tập trung cùng công ty.

Từ thực tế hoạt động của Vina T&T, ông Tùng cho rằng, đang có sự đứt gãy liên kết giữa siêu thị và các HTX, nông dân. Với thế mạnh về công nghệ sản xuất, lực lượng nhân công sẵn có, công ty đề nghị các tỉnh, thành phố cho cơ chế để kết nối, vận chuyển các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nông sản từ đơn vị có nguồn cung tới TP. HCM.

9h25

Acecook khẳng định không tồn dư Ethylene Oxide trong gia vị

hao hao

Công ty Acecook sẽ tổ chức họp báo để công bố thông tin không có tồn dư EO trong các mẫu rau gia vị nguyên liệu (Ảnh minh họa).

Liên quan việc thu hồi sản phẩm mỳ Hảo Hảo, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực  - Thực phẩm TP.HCM, thông tin: Hiện nay, Công ty Acecook đã có kết quả phân tích mẫu rau gia vị nguyên liệu cho sản xuất mì gói và khẳng định, trong các rau, củ, quả này không có tồn dư chất Ethylene Oxide. Do đó, Công ty Acecook sẽ tổ chức họp báo để công bố thông tin vào ngày mai (12/9).

Bổ sung thông tin của bà Lý Kim Chị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ khẳng định các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm thì Công ty AceCook đã chấp hành đúng pháp luật Việt Nam.

"Vừa qua có dư luận làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng rau gia vị của mì gói, như chị Chi đặt vấn đề. Bộ Công Thương đã có văn bản khẳng định rồi. chúng tôi cũng kiểm tra lại các đơn vị, xem xét vấn đề an toàn thực phẩm xuất sang Châu Âu", Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu.

"Hiện nay, về các điều kiện vào Châu Âu, chúng ta vẫn đảm bảo, kể cả mì gói, tuy nhiên có thể ở trong lô hàng ở thị trường châu Âu, ở cửa hàng nọ, cửa hàng kia có sản phẩm nào đó thì hai bên sẽ tiếp tục làm rõ", Thứ trưởng bổ sung.

Người lao động các doanh nghiệp lương thực, thực phẩm của TP.HCM đã cơ bản được tiêm 2 mũi vacxin

Cũng tại diễn đàn, bà Lý Kim Chi cho biết thêm, Hiện nay, các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội đang chuẩn bị mở cửa sau ngày 15/9. Chiều qua, Hiệp hội có họp với TP.HCM để chuẩn bị sản xuất trong điều kiện mới. Phải nói rằng ngành chế biến lương thực, thực phẩm là ngành được ưu tiên tạo mọi điều kiện sản xuất để có đủ mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ bà con.

"Chúng tôi đã chuẩn bị gần như cơ bản việc tiêm 2 mũi vacxin để tham gia sản xuất trong thời gian tới", bà Chi khẳng định.

Theo bà Lý Kim Chi, trong thời gian tới, nhịp độ hoạt động của các doanh nghiệp thành viên khoảng 50% và sẽ tăng liên tục trong tương lai. "Chúng tôi cần Tổ 970 và các địa phương hỗ trợ kết nối hàng hoá để đáp ứng nhu cầu gia tăng sản xuất", Chủ tịch Hiệp hội Lương thực  - Thực phẩm hội thực phẩm TP.HCM đề đạt.

Đối với một số điểm đang bị ùn ứ trứng gà và gà ở Bình Dương như phản ánh của Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh này, bà Lý Kim Chi cho biết, ngay trong cuộc họp vào ngày 12/9, Hiệp hội sẽ thông tin về vấn đề này để đề nghị các doanh nghiệp giải quyết ngay cho bà con nông dân.

9h10

Hỗ trợ giấy đi đường cho thương lái, người mua ở chợ đầu mối Bình Điền

Lấy mẫu Test nhanh Covid-19 (Ảnh minh họa).

Lấy mẫu Test nhanh Covid-19 (Ảnh minh họa).

Ông Phan Thành Tân, Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, cho biết đơn vị này đã xây dựng phương án bán hàng đảm bảo an toàn trong mùa Covid-19.

Cụ thể, phương án có 3 giai đoạn, ban đầu là tập kết, trung chuyển hàng hóa với 20 thương nhân. Giai đoạn 2 là 30% thương nhân trong chợ trong tổng số 1.800, nghĩa là có 600 thương nhân tham gia. Giai đoạn 3 là mở lại bình thường sau khi dịch được kiểm soát.

Sau 4 ngày hoạt động, từ ban đầu là 7 ô vựa tham gia với rau quả, thịt,... đến 10/9 có 16 ô vựa tham gia với hơn 67 tấn hàng.

Điểm tập kết giữa thương lái và khách hàng, có thỏa thuận, giao hẹn trước khi đến chợ. Biển số xe, hiệu xe, tên mặt hàng, thời gian giao hàng cũng được đăng ký trước.

Ông Tân cho biết mô hình này đảm bảo không ùn tắc giao thông, tuân chủ chặt chẽ 5K. Người vào chợ phải có kết quả xét nghiệm âm tính, 3 ngày xét nghiệm một lần. Sở Công thương hỗ trợ giấy đi đường cho thương nhân, người lao động do đặc thù chợ là hoạt động từ 18h đến 8h sáng hôm sau.

Chợ phát hành thẻ cho người lao động vào chợ. Trước cổng chợ, đặt tổ kiểm tra y tế, xét nghiệm tại chỗ. Được CDC TP.HCM, Trung tâm Y tế quận 8 hỗ trợ. Kể cả phóng viên tới đưa tin cũng phải xét nghiệm.

Đánh giá cao những gì chợ Bình Điền đã làm được, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ 970 phía Nam, cho biết: “Tôi đi khảo sát hai điểm chợ Hóc Môn và Bình Điền và đã có ý kiến chính thức với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc hệ thống siêu thị chỉ đáp ứng một phần. Lãnh đạo Chính phủ đã đồng ý mở hai điểm tập kết, trung chuyển. Vai trò của hai chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn là rất quan trọng”.

Thứ trưởng Nam nêu vấn đề đầu mối cung ứng tại các tỉnh có dấu hiệu “đứt gãy”, do đó, cần đẩy nhanh tốc độ giao nhận hàng. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề nghị chợ Bình Điền ngay tuần tới phải có buổi kết nối theo hình thức họp trực tuyến giữa hợp tác xã ở các tỉnh với chợ.

“Tổ 970 sẽ tham gia hỗ trợ, đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý. Bộ đang có dự án về nâng cao chất lượng nông sản với sự hỗ trợ của Canada. Nếu chợ xây dựng được chuỗi liên kết tốt, chúng tôi sẽ thí điểm mô hình này tại Bình Điền. Đề nghị BQL chợ nghiên cứu thực hiện”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam kết luận.

Tổ trưởng Tổ 970 cũng nêu vấn đề về nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đang rất muốn kết nối với chợ đầu mối.

9h00

Central Retail tập trung cung cấp mặt hàng tươi sống

Thông tin tại diễn đàn, ông Paul Lê, đại diện Tập đoàn Central Retail, cho biết mỗi ngày hệ thống các siêu thị của Tập đoàn trên địa bàn TP. HCM cung cấp số lượng lớn đơn hàng thiết yếu cũng như mặt hàng nông sản, lương thực thực phẩm của người dân; đón tiếp khoảng 200.000 lượt khách đến mua hàng.

“Chính vì vậy, Tập đoàn đã chủ động triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh cho các nhân viên bán hàng tại các siêu thị”, ông Paul Lê cho hay.

Cũng theo lãnh đạo Tập đoàn Central Retail, thời gian gia, thông qua hệ thống các siêu thị, Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT đã hỗ trợ kết nối số lượng lớn các sản phẩm rau củ quả tươi cũng như sản phẩm khô tại Bình Dương và Đồng Nai tới người tiêu dùng của TP. HCM. Thời gian tới, Tập đoàn sẽ tập trung cung cấp những mặt hàng tươi sống cho người dân.

8h50

Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành mở cửa lại các chợ đầu mối

cho dau moi BD

Chợ đầu mối Bình Điền đã được mở cửa trở lại.

Ông Đinh Minh Hiệp – Giám đốc Sở NN-PTNT Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 23/8, sau 3 tuần tăng cường kiểm soát dịch bệnh Covid-19, số ca nhập viện và ca tử vong có xu hướng giảm. Dự báo sau ngày 15/9, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chuyển sang mức độ 3 về tình hình dịch bệnh Covid-19.

Chiều 10/9, UBND thành phố họp để thảo luận về kế hoạc phòng chống Covid-19 trong tình hình mới và tiến tới mở cửa kinh tế sau 15/9 theo hướng “chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”, và “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”, an toàn tới đâu mở cửa tới đó.

Do đó sắp tới, Thành phố triển khai việc cấp thẻ xanh và thẻ vàng Covid cho người dân trên địa bàn.

Những người được cấp thẻ xanh sẽ có giá trị 6 tháng từ thời điểm tiêm mũi 2 hoặc chứng minh đã có kháng thể với Covid-19. Người cấp thẻ xanh sẽ được tham gia gần như tất cả các hoạt động kinh tế, xuất và sinh hoạt (trừ một số điểm masage, karaoke, vui chơi giải trí, nhà hàng ăn uống phục vụ tại chỗ...)

Còn thẻ vàng áp dụng cho người tiêm 1 mũi vacxin Covid-19 hoặc có kết quả xét nghiệm định kỳ 3 ngày/lần âm tính và cập nhật cơ sở dữ liệu điện tử để gia hạn thẻ vàng. Người tiêm thẻ vàng sẽ được khuyến khích làm việc “3 tại chỗ”, làm việc từ xa hoặc một cung đường 2 điểm đến.

Thành phố Hồ Chí Minh chia ra 3 giai đoạn. Giai đoạn từ 15/9 đến 31/10, giai đoạn hai là 1/11 đến 15/1 và về sau thì giai đoạn 3.

Dự kiến từ 15/9 đến 30/10, Thành phố nỗ lực 80% người tiêm mũi 1. Và từ 15/9 đến 30/9 sẽ mở cửa từ từ ở các nơi cụ thể, nhất là các hoạt động được mở rộng nhiều nhất ở Quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ. Đây là các địa phương Thành phố xác định là vùng xanh để xác định mô hình mở cửa từ từ, để hướng tới triển khai các địa phương khác.

Liên quan đến việc thực hiện cung cấp nông sản hàng hoá, Thành phố sẽ tiến tới mở cửa chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức. Chợ Bình Điền đã được mở trở lại, Thứ trưởng Bộ Y  tế đã kiểm tra. Còn chợ Hóc Môn chưa mở được vì đang trong thời gian thẩm định lại phương án đảm bảo an toàn, nếu đủ điều kiện thì mới triển khai.

Thương mại điện tử, các hoạt động theo chuỗi cung ứng nông sản, giao thông vận tải, nhất là cung ứng lương thực, thực phẩm cho các đơn vị sản xuất cũng được ưu tiên.

Nếu trường hợp về dịch có điểm xấu thì chỉ có những người có thẻ xanh mới tham gia các hoạt động, còn những các nhân có thẻ xanh lao động trực tiếp, còn thẻ vàng thì làm việc trực tuyến, làm việc 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến.

Cũng theo ông Hiệp, dự kiến đến 30/12/2021, trên 80% người dân thành phố được tiêm mũi 2, nên sau 15/1/2022 sẽ mở cửa các trung tâm thương mại, khu thể vụ thể thao, vui chơi... sau đó mở tất cả các dịch vụ khác nếu kiểm soát được dịch vụ khác.

8h40

Bình Dương: Mỗi ngày tồn hơn 2 triệu quả trứng gà

ttxvntrungga

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Dương Phạm Văn Bông, hiện mỗi ngày tỉnh bị tồn hơn 2 triệu quả trứng gà (Ảnh minh họa).

Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Dương Phạm Văn Bông cho biết, thông qua sáng kiến tiêu thụ combo nông sản của của Tổ công tác 970, tình hình tiêu thụ ở Bình Dương đã được cải thiện nhưng số lượng tiêu thụ chưa lớn.

Bên cạnh đó, do sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản, nhiều mặt hàng ở Bình Dương đã rơi vào tình trạng dư thừa.

Với sản phẩm trồng trọt, hiện nay Bình Dương dư thừa khoảng 80 tấn dưa lưới, 70 tấn chuối và 30 tấn chanh không hạt. Đặc biệt, các sản phẩm rau ăn lá đang dư thừa nhiều và gặp khó khăn trong tiêu thụ.

Theo ông Bông, trong chăn nuôi, hiện nay khó khăn nhất vẫn là tiêu thụ sản phẩm gà lông trắng, ngoài ra các sản phẩm trứng nhu cầu giảm nên khả năng tiêu thụ cũng chững lại. Cụ thể, mỗi ngày Bình Dương đang tồn hơn 2 triệu quả trứng gà và 200.000 quả trứng cút.

Với tình hình trên, đại diện Sở NN-PTNT Bình Dương bày tỏ mong muốn Tổ công tác 970 tăng cường kết nối và TP.HCM hỗ trợ tiêu thụ hỗ trợ các sản phẩm nông sản đang tồn đọng ở tỉnh dựa trên danh sách trong báo cáo tỉnh gửi hàng tuần cho Tổ công tác 970.

8h30

Đồng Nai: 3 nhóm nông sản nguy cơ khó tiêu thụ

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai, Trần Lâm Sinh cho biết, hiện tỉnh có 3 nhóm nông sản nguy cơ khó tiêu thụ.

Một, là cây trồng, gồm hai loại: (1) Trái cây - dư khoảng 50 tấn bưởi, 200 tấn cam, quýt, 800 tấn củ đậu. (2) Rau củ quả dư khoảng 1.000 tấn.

Hai, là các sản phẩm chăn nuôi, gồm: gà lông trắng dư thừa 200.000 con, vịt dư 80.000 con, dê dư 6.000 con, chim cút dư 300.000 con. Riêng thủy sản dư khoảng 1.000 tấn, trong đó có 800 tấn cá nước ngọt, 200 tấn tôm.

Ông Sinh đề nghị các tỉnh và TP. HCM tạo điều kiện để Đồng Nai sớm đưa những sản phẩm dư thừa trên vào chuỗi tiêu thụ.

Mời quý độc giả click vào link dưới đây để xem thống kê danh sách đề nghị hỗ trợ tiêu thụ nông sản của một số cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Đồng Nai.pdf

463.27k

8h00

Hàng hóa bước đầu thông suốt, rau gia vị bị ùn ứ bất thường

coop

Giao diện trang web htx.cooplink.com.vn - nơi người mua và người bán đều có thông tin, trực tiếp liên hệ với nhau (Ảnh chụp màn hình).

“Từ lúc Tổ Công tác 970 (Tổ 970) đi vào hoạt động, đến nay đã có hơn 1.430 đầu mối kết nối nông sản. Đó là các hợp tác xã, trang trại, DN sơ chế, chế biến, cơ sở sản xuất tư nhân nhỏ có năng lực thu gom, vận chuyển. Đây là một trong những việc mà chúng tôi cho là thành công, góp phần đưa hàng hóa thông suốt”, ông Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm kinh tế Hợp tác–(CCD), Trường Cán bộ quản lý NN PTNT II (CMARD II), nói trong phần mở đầu.

Ông Hải cho biết một số tỉnh nói về việc “nông sản ùn ứ, dư thừa”, tuy nhiên khi Tổ 970 đưa đơn hàng về thì lại không có khả năng cung cấp. “Một số nơi cứ lấy diện tích nhân với năng suất ra sản lượng, nhưng thực tế lại khác. Ngay cả khâu đóng gói, sơ chế, các anh cũng làm không được”.

Nhận xét chung về hàng hóa từ địa phương vào TP.HCM, ông Hải cho biết lượng hàng “không tăng do đã bước đầu thông suốt, ổn định”.

Trong số hơn 1.400 đầu mối tham gia kết nối với Tổ 970, một số đơn vị đã rút khỏi chuỗi cung ứng do hết mùa vụ, hàng hóa đã tiêu thụ hết.

Ông Hải cho rằng thành công này đến một phần từ việc ứng dụng công nghệ thông tin, đưa sản lượng, giá cả, thời điểm thu hoạch, khả năng vận chuyển. Dựa vào đây, người mua và người bán đều có thông tin, trực tiếp liên hệ với nhau. Cụ thể là trang htx.cooplink.com.vn.

Một số địa phương được biểu dương như Bình Định, Phú Yên, đã năng động kết nối với Tổ 970. Ở phạm vi nội tỉnh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, đảm bảo thông suốt hàng hóa về tới các khu công nghiệp, vốn được cho là vùng phức tạp về Covid-19.

“Tôi cho rằng lần này cũng là cơ hội cho chúng ta nhìn lại vấn đề phân phối. Ở đây, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cũng là cơ hội để hình thành lại hệ thống phân phối của từng địa phương. An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Tiền Giang rất năng động, ví dụ như lượng trứng vịt chạy đồng tiêu thụ rất tốt. Nếu muốn cung cấp hàng hóa về TP.HCM thì lãnh đạo các Sở, ngành cũng nên tham khảo mô hình này”.

Trong điều kiện phòng chống Covid tại TP.HCM như hiện nay, sự đa dạng của các nhóm ngành hàng đã giúp ổn định nguồn hàng cho thành phố. Đó là: rau củ 257 đầu mối, trái cây 224 đầu mối, thủy hải sản - chăn nuôi 345 đầu mối, lương thực 44 đầu mối, các mặt hàng khác 41 đầu mối.

Rau gia vị ùn ứ

Trong thời gian qua, từ 1/9 đến nay có sự ùn ứ bất thường của rau gia vị. Có khả năng là liên quan đến thông tin về chất EO trong mỳ ăn liền. Rau ngò gai, gừng, riềng cũng dư nhiều. Chưa có thông tin chính thức nào cho thấy sự liên quan giữa chất EO và rau gia vị.

Ở góc độ tích cực, ông Hải cho biết sản phẩm nào đăng ký VietGAP, GlobalGAP thì 100% tiêu thụ được hoàn toàn.

“Một số địa phương áp dụng nhật ký sản xuất điện tử, đưa mã QR Code cho nhà thu mua, dù chưa có VietGAP nhưng người mua vẫn biết được lần phun thuốc gần nhất là ngày nào. Đây là dấu hiệu đáng mừng”, ông Hải nói.

Dù vậy, bắt đầu xuất hiện hiện tượng vật tư sản xuất nông nghiệp đang thiếu, như thùng xốp, thùng giấy. Các nhà máy gặp khó trong việc tìm mua.

Dư luận đánh giá cao sáng kiến gói combo

“Sáng kiến về gói combo của Tổ 970 được xã hội chấp nhận, đánh giá cao. Đây là mô hình mới ở Việt Nam, được người dân, hệ thống phân phối chấp nhận. Gói combo gồm 5 loại, tổng trọng lượng 10kg. Người dân mua một lần, sử dụng được 3-5 ngày, hạn chế phải tiếp xúc với người”, ông Hải cho biết.

Một ngày, doanh thu đặt hàng từ gói combo là 1 tỷ đến 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới giao được 20-30% gói combo cho các đơn vị do khó khăn về đi lại.

Sang giai đoạn 2, Tổ 970 sẽ mở rộng, đưa số liệu trực tiếp từ nhà cung cấp đến các điểm đặt hàng để hai bên tự thương lượng điểm giao hàng. Nếu từ 100 đến 200 combo trở lên, thì chỉ 1-2 ngày sau hàng sẽ đến TP.HCM.

Các tỉnh cũng đang hình thành nhiều gói combo, từ 150.000đ đến 500.000đ, có cả thịt, trứng sữa và thậm chí cả thủy sản.

Sáng kiến nữa của Tổ 970, đó là xe bán hàng lưu động từ tỉnh lên TP.HCM. Chúng tôi đã thử nghiệm, chọn ra 3-4 địa điểm, hẹn khung thời gian. Tỉnh chào hàng combo từ 2-3 ngày trước, công bố cho phường, quận trên TP. Việc này là bán hàng trực tiếp từ trang trại lên, không qua trung gian, chi phí vận hành thấp, giá bán cũng “nhẹ” hơn. Mô hình này đang được nhân rộng. Các tỉnh nếu có khả năng, Tổ 970 cũng sẽ liên hệ giúp, ít nhất 1 tuần 2 lần, hình thành kênh phân phối mới”, ông Hải thông tin.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Khánh thành nhà máy chiếu xạ hiện đại tại tỉnh Hậu Giang

Ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên Logistics (đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành) chính thức khánh thành nhà máy chiếu xạ công suất 1.000 tấn/ngày đêm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Mưa lớn, nhiều nơi ở Quảng Ngãi bị ngập sâu, chia cắt

Mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về khiến nước các con sông ở tỉnh Quảng Ngãi dâng cao, gây ngập lụt một số khu dân cư và chia cắt giao thông.