| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Vị Thanh kêu cứu bên dự án dân cư thương mại kéo dài

Thứ Năm 19/11/2020 , 09:43 (GMT+7)

Nhiều hộ nông dân ở thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang gửi đơn kêu cứu vì bị thu hồi đất với giá quá rẻ, nay lại có quyết định cưỡng chế.

Nhiều hộ nông dân ở phường 4 (TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) gửi đơn kêu cứu vì bị thu hồi đất cho Dự án Khu dân cư Thương mại Vị Thanh kéo dài chục năm qua với giá quá rẻ, nay lại có quyết định cưỡng chế.

Bà Phan Thị Bảy trên khu đất sinh sống lâu đời nhưng chục năm nay rơi vào cảnh bế tắc, nghèo khó. Ảnh: Sáu Nghệ.

Bà Phan Thị Bảy trên khu đất sinh sống lâu đời nhưng chục năm nay rơi vào cảnh bế tắc, nghèo khó. Ảnh: Sáu Nghệ.

Yêu cầu nâng giá bồi thường

Bà Phan Thị Bảy sinh năm 1947 (chồng đã qua đời) cùng 6 người con có gia đình riêng chia nhau làm lúa, trồng cây và chăn nuôi trên khu đất rộng hơn 5 ha. Năm 2010, bà được thông báo đất và nhà cửa lọt hết vào quy hoạch Dự án Khu dân cư Thương mại Vị Thanh, đất được bồi thường 45.000 đồng/m2 và muốn nhận nền tái định cư phải nộp tiền giá cao gấp 3 lần. “Nếu chấp nhận thì gia đình đông con cháu của tôi với tiền đền bù không đủ tạo dựng chỗ ở mới, chưa kể mất hết đất đai là nguồn sinh sống nên chúng tôi khiếu nại”, bà Bảy cho biết.

Qua nhiều năm điều chỉnh cho đến ngày 21/2/2020, UBND TP Vị Thanh có quyết định phê duyệt phương án bồi thường mới cho bà Bảy và các con. Theo đó, giai đoạn 1 thu hồi của bà Bảy 11.736,3 m2, vẫn bồi thường giá 45.000 đồng/m2 nhưng nhân hệ số nên tiền bồi thường đất là 1.493.044.800 đồng. Bên cạnh là tiền bồi thường cây trồng 58.680.000 đồng, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm 1.173.630.000 đồng. Tổng cộng 2.725.354.800 đồng. Bà Bảy vẫn không chấp nhận vì lúc này giá đất thị trường rất cao, số tiền bồi thường vẫn không đủ cho bà và các con tạo dựng chỗ ở mới sinh sống.

Trong diện tích bị thu hồi giai đoạn 1, chủ yếu đất và nhà của con gái bà Bảy là chị Phạm Kim Tư cùng chồng con. Vợ chồng chị Tư không chấp nhận nên ngày 20/10/2020, nhận được thông báo “cưỡng chế thu hồi đất” theo quyết định của UBND TP Vị Thanh. Vợ chồng chị Tư cùng mẹ làm đơn kêu cứu.

Láng giềng với bà Bảy là ông Nguyễn Quốc Hùng có 10.561,4 m2 đất bị quy hoạch cũng không đồng ý với giá bồi thường quá rẻ nên bị UBND TP Vị Thanh ra quyết định cưỡng chế. Đơn kêu cứu của ông viết: “Mục đích thu hồi đất để thực hiện Dự án Khu dân cư Thương mại Vị Thanh do chủ đầu tư là doanh nghiệp tư nhân thực hiện chỉ bồi thường giá 45.000 đồng/m2 để bán lại với giá gấp 1.000 lần, và gia đình tôi muốn hưởng suất tái định cư phải nộp lại số tiền gấp 3 lần bồi thường là không thỏa đáng”.

Gia đình bà Bảy và ông Hùng yêu cầu nâng giá bồi thường đất đai, nhà cửa, cây trồng gần với giá thị trường. Cụ thể về đất, yêu cầu bồi thường đất vườn xây nhà ở 1.200.000 đồng/m2, đất lúa 600.000 đồng/m2, nhận đất tái định cư không phải nộp tiền.

Ông Hùng và chị Tư (bìa trái và phải) cùng các nông dân bên đơn kêu cứu. Ảnh: Sáu Nghệ.

Ông Hùng và chị Tư (bìa trái và phải) cùng các nông dân bên đơn kêu cứu. Ảnh: Sáu Nghệ.

Mong được chính quyền quan tâm

Ký quyết định cưỡng chế là Phó Chủ tịch UBND TP Vị Thanh Nguyễn Việt Dũng. Ông Dũng thừa nhận, giá đất bồi thường đang áp dụng với các hộ dân là thấp so với thị trường, nhưng do dự án phê duyệt trước đây nên phải căn cứ nhiều văn bản quy định cùng thời điểm. Ông cho biết thêm, Dự án giai đoạn 1 rộng 64,9 ha, thu hồi đất của 163 hộ dân; đến nay đã thu hồi được 58,52 ha của 158 hộ, còn 6,38 ha của 5 hộ chưa thu hồi.

Hồ sơ cho thấy, chính quyền địa phương đã tốn rất nhiều công sức cho nhà đầu tư. Dự án Khu dân cư Thương mại Vị Thanh nằm ở vị trí đắc địa, bên đại lộ Võ Nguyên Giáp đối diện qua đường là trụ sở Tỉnh ủy Hậu Giang, gần kênh xáng Xà No thơ mộng. Trụ sở Tỉnh ủy Hậu Giang mới được xây dựng nên chục năm trước, nơi đây dân cư còn thưa, mở dự án bồi thường đất không quá khó khăn.

Thống kê sơ bộ từ lúc ban đầu đến tháng 1/2020, liên quan dự án có 24 quyết định của UBND TP Vị Thanh và UBND tỉnh Hậu Giang. Bên cạnh rất nhiều công văn. Chủ đầu tư là Công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng, sau đổi thành Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (Bộ Xây dựng). Tên dự án cũng thay đổi.

Thay đổi nhiều nhất là diện tích đất. Khởi đầu vào cuối năm 2014, UBND tỉnh Hậu Giang quy hoạch 204,6 ha đất giao cho Công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng lập dự án. Đến ngày 16/3/2006, chỉ giao cho Công ty 181,06 ha; đầu năm 2008 lại quy hoạch 197 ha, năm 2008 điều chỉnh lên 202,8 ha; năm 2013 điều chỉnh xuống 196,67 ha rồi lại điều chỉnh lên 201,16 ha và ngày 5/7/2017 là 78,16 ha, chia 3 giai đoạn thực hiện đến nay.

Mỗi lần có quyết định điều chỉnh diện tích là hàng loạt quyết định phê duyệt và bổ sung phương án bồi thường. Mỗi lần như vậy lại niêm yết công khai tại khu dân cư, họp dân động viên thực hiện. Có thể thấy, cả bộ máy chính quyền và đoàn thể địa phương đã không quản khó khăn phục vụ nhà đầu tư.

Dự án Khu dân cư Thương mại Vị Thanh sau hơn 10 năm giao đất. Ảnh: Sáu Nghệ.

Dự án Khu dân cư Thương mại Vị Thanh sau hơn 10 năm giao đất. Ảnh: Sáu Nghệ.

Phó Chủ tịch Nguyễn Việt Dũng cho biết, nhiều năm đầu dự án thực hiện ì ạch, đến giữa năm 2017, địa phương đôn đốc thì chủ đầu tư mới triển khai nhanh hơn. Có thể thấy, tiến độ dự án chuyển động theo giá đất thị trường, khi giá đất thị trường trầm lắng thì dự án trầm lắng và ngược lại. Nhưng giá đất bồi thường cho nông dân không chuyển theo.

Hơn thế, ngày 17/2/2020, Tổng cục Quản lý đất đai của Bộ TN&MT có công văn trả lời Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang là phương án bồi thường đất đã phê duyệt mà nông dân không chấp hành thì gửi tiền bồi thường vào tài khoản tạm giữ của Kho bạc Nhà nước, cưỡng chế thu hồi đất. Chỉ 13 ngày sau, ngày 20/2/2020, Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng có công văn “đôn đốc” chính quyền, lập tức nhiều cơ quan vào cuộc, cả Thanh tra và VKSND TP Vị Thanh, để ra đời các quyết định cưỡng chế.

Trong lúc, căn cứ quy định của Luật Đầu tư năm 2005 và 2014, Dự án Khu dân cư Thương mại Vị Thanh kéo dài như thế đáng lẽ phải thu hồi. Chính quyền ưu ái nhà đầu tư thì khi giá đất thị trường tăng cao, tại sao không yêu cầu nhà đầu tư chia sẻ với nông dân mất đất? Phó chủ tịch Dũng cho biết, nhà đầu tư đã đồng ý hỗ trợ một hộ 30 triệu đồng.

“Quá ít”, những nông dân chưa chấp nhận giá bồi thường bày tỏ. Các hộ nông dân nói rằng, họ mất quá nhiều đất, mất hầu hết cơ sở sinh sống. “Nên mong chính quyền quan tâm đến nông dân như với nhà đầu tư”, các hộ nông dân tha thiết.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm