| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp Bình Định phấn đấu tăng 3,2 - 3,6% trong năm 2025

Thứ Năm 09/01/2025 , 19:01 (GMT+7)

Năm 2024, ngành nông nghiệp Bình Định đạt thắng lợi toàn diện, đây là nền móng để nông nghiệp Bình Định phấn đấu tăng trưởng từ 3,2-3,6% trong năm 2025.

Trồng trọt, chăn nuôi đều thắng

Năm 2024, ngành nông nghiệp Bình Định đã đạt được thành tựu toàn diện với nhiều kết quả ấn tượng. Ðặc biệt, giá trị sản xuất nhiều loại nông sản tăng mạnh, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và củng cố vị thế quan trọng của ngành trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, trong năm 2024, tốc độ tăng tổng sản phẩm địa phương (GRDP) ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh ước tăng 3,04%. Trong lĩnh vực trồng trọt, các cây trồng chủ lực đều đạt năng suất vượt trội so với năm trước. Cụ thể, lúa đạt năng suất bình quân 70,1 tạ/ha (tăng 1,3 tạ/ha), đậu phộng (lạc) đạt 40,8 tạ/ha (tăng 1 tạ/ha), cây mì (sắn) đạt gần 283 tạ/ha (tăng 1,3 tạ/ha). Các cây lâu năm như dừa và bưởi phát triển mạnh về diện tích, đạt năng suất cao, đóng góp lớn vào giá trị sản xuất nông sản của Bình Định.

Theo ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, diện tích dừa của Bình Định hiện đạt hơn 9.265ha, năng suất đạt hơn 139 tạ/ha trong năm 2024, tăng 0,65 tạ/ha so với năm trước. Cây bưởi đạt năng suất 64,6 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha. Đặc biệt, không chỉ năng suất tăng, giá thu mua nông sản, sản phẩm cây ăn quả cũng tăng cao hơn, giúp nông dân nâng cao thu nhập.

Năm 2024, nhờ giá bưởi tăng hơn năm ngoái nên ông Đặng Văn Cấp thu lãi được 100 triệu đồng. Ảnh: V.Đ.T.

Năm 2024, nhờ giá bưởi tăng hơn năm ngoái nên ông Đặng Văn Cấp thu lãi được 100 triệu đồng. Ảnh: V.Đ.T.

“Với 1.000 cây bưởi, trong năm 2024 gia đình tôi thu hoạch gần 5 tấn quả, với giá bán bình quân 22.000đ/kg, tăng 2.000đ/kg so với năm trước, lãi gần 100 triệu đồng”, ông Ðặng Văn Cấp, nông dân ở thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Ðông (huyện Hoài Ân, Bình Định) chia sẻ.

“Trong năm 2024, tổng đàn gia súc và gia cầm ở Bình Định duy trì ổn định với hơn 721.000 con heo, hơn 307.000 con bò và hơn 9,8 triệu con gia cầm, trong đó có hơn 8,2 triệu con gà. Giá heo thịt trong năm duy trì từ 56.000 - 68.000đ/kg, tăng 5.000 - 7.000đ/kg so với năm trước, giúp người chăn nuôi ở có thu nhập khá. Thị trường tiêu thụ gia cầm, đặc biệt là gà giống và gà thịt cũng ổn định hơn những năm gần đây”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định cho hay.

Đề ra 8 mục tiêu trong năm mới

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trong năm 2025, ngành nông nghiệp Bình Định đề ra 8 mục tiêu phấn đấu, trong đó phấn đấu mục tiêu tăng trưởng GRDP nông, lâm, thủy sản từ 3,2 - 3,6%. Tổng sản lượng cây lương thực có hạt đạt 707.000 tấn, trong đó lúa 648.000 tấn, bắp 59.000 tấn...

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định đánh giá cao những thành tựu của ngành nông nghiệp tỉnh những năm qua, tuy nhiên, ông Thanh cũng cho rằng ngành nông nghiệp tỉnh vẫn còn manh mún, thiếu sự liên kết, chưa tạo được các vùng nguyên liệu lớn và chuỗi giá trị hoàn chỉnh.

“Chăn nuôi còn lỗ hổng lớn là thiếu nhà máy chế biến, việc khai thác thủy sản chủ yếu chỉ bán cho thương lái mà không phát triển được chuỗi cung ứng. Các vấn đề này cần giải quyết để nâng cao giá trị nông sản”, ông Thanh lưu ý.

Để đạt được các mục tiêu trong năm 2025, ông Thanh yêu cầu ngành nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh cải cách bộ máy, tinh giảm biên chế và xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực. Đồng thời phải có chiến lược rõ ràng để phát triển các lĩnh vực cụ thể.

Năm 2025, Bình Định chú trọng hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ để tạo thị trường bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: V.Đ.T.

Năm 2025, Bình Định chú trọng hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ để tạo thị trường bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: V.Đ.T.

“Trọng tâm của ngành nông nghiệp Bình Định trong năm 2025 là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ưu tiên các cây trồng chủ lực như đậu phộng, dừa xiêm, cây ăn quả, đồng thời xây dựng chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Đối với chăn nuôi, cần tập trung phát triển các trang trại lớn, giảm chăn nuôi nông hộ và xây dựng các vùng nuôi an toàn, ứng dụng công nghệ cao để phục vụ chế biến”, ông Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh.

Ông Thanh cũng chỉ ra tầm quan trọng của việc phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt và nuôi biển, đồng thời thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp để rút “thẻ vàng".

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, ông Thanh chỉ đạo ngành nông nghiệp tỉnh rà soát quy hoạch các loại rừng, trong đó ưu tiên giữ lại rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; phát triển rừng sản xuất gỗ lớn và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) để phục vụ xuất khẩu. Công tác phòng chống cháy rừng và quản lý chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản cũng phải được chú trọng.

“Ngành nông nghiệp tỉnh cần xây dựng các mô hình HTX kiểu mới, phát triển sản phẩm OCOP với mẫu mã đẹp để tăng giá trị. Đồng thời, các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản cần được hình thành để tạo ra thị trường bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp…”, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo.

Xem thêm
Hà Nội kiểm soát tốt dịch bệnh và an toàn thực phẩm

Sáng 9/1, Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội (Sở NN-PTNT Hà Nội) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 2025.

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Mãn nhãn những vườn táo trĩu quả bên dòng sông La

HÀ TĨNH Vùng đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả bên bờ sông La Giang được nhiều hộ dân chuyển đổi trồng táo cho quả trĩu cành, đem lại thu nhập cao mỗi dịp Tết đến.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.