| Hotline: 0983.970.780

Uyển chuyển để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

Thứ Tư 27/03/2024 , 06:30 (GMT+7)

Tỉnh Bình Định không chỉ tích cực xúc tiến đầu tư, mà còn uyển chuyển để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2024 - 2025.

Cải thiện môi trường đầu tư

Ngành chăn nuôi Bình Định không khỏi vui mừng khi tỉnh này đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Trung tâm Giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm San Hà Bình Định do Công ty TNHH San Hà làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 220 tỷ đồng.

Dự án Trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm San Hà Bình Định có tổng diện tích 165.000m2, được triển khai tại thôn Tùng Chánh, xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát). Khi đi vào hoạt động, dự án đạt công suất giết mổ 40.000 con gia cầm/ngày, 500 con gia súc/ngày và tạo ra 10 tấn sản phẩm chế biến/ngày. Đồng thời, Trung tâm Giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm San Hà Bình Định còn được đầu tư theo chuỗi giá trị khép kín từ khâu thu mua, giết mổ gắn với chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ gia súc, gia cầm của người dân địa phương.

“Bình Định hiện có tổng đàn gia súc trên 1 triệu con; trong đó, đàn bò hơn 308.000 con, đàn heo gần 700.000 con (không tính heo con theo mẹ) và gần 10 triệu con gia cầm. Hiện sản lượng thịt hơi xuất chuồng hàng năm tại Bình Định đạt khoảng 197.000 tấn, phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh sẽ đạt 260.000 tấn thịt hơi xuất chuồng/năm. Việc có nhà máy chế biến này sẽ tiêu thụ sản phẩm cho người dân, tránh trường hợp sản xuất ra nhưng không có nơi tiêu thụ”, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định chia sẻ.

Khu phức hợp nuôi và sản xuất tôm thương phẩm công nghệ cao Việt Úc - Phù Mỹ (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Khu phức hợp nuôi và sản xuất tôm thương phẩm công nghệ cao Việt Úc - Phù Mỹ (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Cũng trong lĩnh vực chăn nuôi, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định cho biết thêm: Tại huyện Phù Mỹ hiện cũng đã có nhà đầu tư ở thành phố Hồ Chí Minh về thăm dò địa điểm để xây dựng trung tâm giết mổ động vật và chế biến thực phẩm với quy mô công suất 6.000 con heo sữa/ngày đêm. “Doanh nghiệp này vừa chăn nuôi vừa xây dựng nhà máy giết mổ, đồng thời liên kết với hộ chăn nuôi trên địa bàn thu mua heo sữa để giết mổ xuất khẩu”, ông Huỳnh Ngọc Diệp cho hay.

Bên cạnh đó, Bình Định cũng đang phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp khảo sát xúc tiến đầu tư, tiêu thụ nông sản như: Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO về chuỗi liên kết sản xuất đậu phộng (lạc); Công ty Mega A khảo sát vùng trồng ớt; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Đồng Giao, Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood) khảo sát vùng trồng rau, cây ăn quả... Riêng Vinanutrifood đã tiến hành khảo sát vùng trồng rau, cây ăn quả để triển khai dự án Nhà máy chế biến sâu Nông Thủy sản. Đến nay, Vinanutrifood đã thống nhất lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy chế biến tại Cụm công nghiệp Cầu Nước Xanh tại xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn).

Theo ông Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở KH-ĐT Bình Định, 1 số dự án lớn thuộc lĩnh vực nông nghiệp đã được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư trong thời gian qua như: Nhà máy sản xuất và chế biến gỗ Tekcom Central với tổng vốn đầu tư 980 tỷ đồng; dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) có tổng vốn đăng ký hơn 1.177 tỷ đồng...

Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) được UBND tỉnh Bình Định điều chỉnh giảm tổng vốn đầu tư và một số mục tiêu dự án để thu hút nhà đầu tư. Ảnh: V.Đ.T.

Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) được UBND tỉnh Bình Định điều chỉnh giảm tổng vốn đầu tư và một số mục tiêu dự án để thu hút nhà đầu tư. Ảnh: V.Đ.T.

Để có được kết quả trên, xuyên suốt trong năm 2023, Bình Định đã thực hiện nhiều chương trình cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn…Theo đó, thời gian giải quyết các thủ tục từ khi chấp thuận chủ trương đầu tư đến khi có giấy phép xây dựng đối với các dự án ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp được rút ngắn còn 118 ngày, trong khi thời gian quy định là 242 ngày, giảm từ 12 lần nộp hồ sơ xuống còn 6 lần. Thời gian giải quyết các thủ tục từ khi chấp thuận chủ trương đầu tư đến khi có giấy phép xây dựng đối với các dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp được rút ngắn còn 60 ngày, trong khi thời gian quy định là 145 ngày.

“Việc ban hành quy chế này nhằm giúp nhà đầu tư dễ dàng nắm bắt được các trình tự thực hiện các thủ tục; thực hiện đồng thời các thủ tục giúp giảm số lần đi lại của nhà đầu tư và rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục”, ông Lê Hoàng Nghi cho biết.

Chính quyền địa phương đồng hành

Những tháng cuối năm 2023, Bình Định tích cực mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Riêng dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Mỹ Thành, tỉnh Bình Định đã điều chỉnh giảm tổng vốn đầu tư và một số mục tiêu dự án để thu hút nhà đầu tư, đồng thời phân chia giai đoạn đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện.

Theo đó, tổng mức đầu tư từ hơn 1.452 tỷ đồng giảm xuống còn hơn 1.177 tỷ đồng, giảm hơn 274 tỷ đồng chi phí thực hiện dự án; khu nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao với tổng sản lượng từ 14.500 tấn giảm còn 7.000 tấn/ năm và chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 và 2 đạt 3.500 tấn, đến năm 2028 đạt 7.000 tấn.

Ngoài ra, nhu cầu lao động cũng giảm từ 4.000 đến 5.000 người xuống còn 2.500 người; mục tiêu giá trị xuất khẩu tôm thương phẩm giảm từ 256 triệu USD xuống còn 200-240 triệu USD/năm và cũng chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 đạt 50-60 triệu USD. Bên cạnh đó, thay vì đến quý III/2026 dự này phải đi vào hoạt động, nhưng UBND tỉnh đã giãn tiến độ đến quý II/2028, đồng nghĩa thời gian thực hiện từ 3 năm kéo dài thành 4 năm rưỡi.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Bình Định trong thời gian tới là tiếp tục mời gọi đầu tư, xây dựng các nhà máy chế biến gia súc, gia cầm. Ảnh: V.Đ.T.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Bình Định trong thời gian tới là tiếp tục mời gọi đầu tư, xây dựng các nhà máy chế biến gia súc, gia cầm. Ảnh: V.Đ.T.

“Ngoài các thay đổi kể trên, về quy mô dự án có diện tích 218,96 ha; quy mô khu sản xuất tôm giống thẻ chân trắng với công suất 2 tỷ con giống/năm; quy mô nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản có công suất 100.000 tấn/năm; quy mô nhà máy chế biến tôm có công suất 20.000 tấn tôm thương phẩm/năm vẫn được UBND tỉnh Bình Định giữ nguyên”, ông Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở KH-ĐT Bình Định cho hay.

Nguyên nhân Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đồng ý chủ trương điều chỉnh quy mô, mục tiêu và thời gian thực hiện của Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành là theo đề xuất của Sở NN-PTNT và báo cáo của UBND tỉnh Bình Định là để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo tinh thần khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn của Chính phủ và của UBND tỉnh Bình Định.

Cũng theo ông Lê Hoàng Nghi, năm 2024, Bình Định sẽ phấn đấu thu hút đầu tư mới 100 dự án, trong đó có 30 dự án kêu gọi đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp có vốn đăng ký đầu tư tối thiểu 100 tỷ đồng/dự án; 70 dự án kêu gọi đầu tư vào các địa phương, các cụm công nghiệp có vốn đăng ký tối thiểu 20 tỷ đồng/dự án. Đồng thời, Bình Định cũng sẽ kiên quyết thu hồi đất, giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, triển khai không đúng tiến độ đã cam kết và cố tình chây ỳ.

Ngành chăn nuôi Bình Định vui mừng khi tỉnh này đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Trung tâm Giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm San Hà Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Ngành chăn nuôi Bình Định vui mừng khi tỉnh này đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Trung tâm Giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm San Hà Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Theo Sở KH-ĐT Bình Định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới đây là tiếp tục mời gọi đầu tư, xây dựng các nhà máy chế biến gia súc, gia cầm; nhà máy chế biến thực phẩm, nông sản, lâm sản; nhà máy chế biến thủy sản nhằm góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp của địa phương.

“UBND tỉnh Bình Định tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm San Hà Bình Định tại xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát) đã được cấp chủ trương đầu tư và Dự án Chế biến sâu thực phẩm, nguyên liệu, dược phẩm, mỹ phẩm của Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam...”, ông Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở KH-ĐT Bình Định cho hay.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Yến sào Khánh Hòa ký kết hợp tác với 2 đối tác Trung Quốc

Công ty Yến sào Khánh Hòa đã ký kết hợp đồng hợp tác với Trung tâm Chuỗi lạnh quốc tế Mai Sơn và Tập đoàn Đồng Nhân Đường (Trung Quốc).

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.