| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp Hà Nội đi theo hướng đặc thù, đặc sản, giá cao

Chủ Nhật 04/04/2021 , 18:41 (GMT+7)

Mới đây Sở Nông nghiệp - PTNT Hà Nội phối hợp với UBND huyện Hoài Đức đã tổ chức diễn đàn “Khuyến nông @ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”.

Gian nan tìm kết nối tiêu thụ

Mục đích của diễn đàn là nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản cho nông dân, chủ trang trại, HTX thông qua việc kết nối với các doanh nghiệp bán lẻ nông sản trên địa bàn thành phố và tìm hướng phát triển bền vững. Ông Nguyễn Văn Chính-Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vân Côn cho hay địa phương mình chuyên canh bắp cải nhưng vừa rồi nông sản giải cứu của Hải Dương dội về Hà Nội đã khiến cho sản phẩm bị ùn ứ, phải chặt bỏ tới 30 tấn. Bởi vậy ông tha thiết mong muốn tìm các đầu mối có thể tiêu thụ ổn định từ 5-10 tấn bắp cải mỗi ngày cho xã.

Bấp bênh về mặt thị trường cũng là vấn đề của hàng loạt các loại nông sản khác trên địa bàn huyện Hoài Đức. Ông Nguyễn Văn Phúc-đại diện cho những hộ trồng phật thủ của xã Yên Sở cho hay ngoài số quả to, mã đẹp bán để phục vụ làm đồ lễ những dịp trong năm các nhà vườn còn khoảng 30% sản lượng quả mẫu mã xấu, phải bán sấy khô theo cân để xuất sang Trung Quốc làm dược liệu. Thế nhưng giá loại này hoàn toàn do thương lái định đoạt, lúc được 60.000đ/kg, lúc lại chỉ còn 15-20.000đ/kg. Do đó ông rất mong kết nối với các cơ sở chế biến dược liệu, tinh dầu trong nước để có thể nâng cao giá trị trên một ha canh tác cũng như giảm áp lực từ thị trường ngoại.

Bà Nguyễn Thị Hà ở xã Di Trạch thì thông tin nhờ được tập huấn về chuẩn VietGAP mà chất lượng ổi của quê mình ngày một nâng cao nhưng đến nay việc tiêu thụ vẫn chủ yếu do thương lái và người dân tự bán lẻ, giá cả rất trồi sụt. Bà hi vọng thời gian tới loại đặc sản này sẽ được dán tem nhãn để có thể đường hoàng vào các kênh phân phối lớn của thành phố.

Gian hàng nông sản của huyện Hoài Đức. Ảnh: NNVN.

Gian hàng nông sản của huyện Hoài Đức. Ảnh: NNVN.

Theo ông Nguyễn Trung Thuận-Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức địa phương đang có 15 vùng chuyên canh cho hiệu quả khá và cao gồm: bưởi 260ha, nhãn chín muộn 138ha, cam 68ha, ổi 118ha, táo 84ha, hoa lan 5ha...Thời gian qua huyện đã chỉ đạo và hỗ trợ nông dân xây dựng các thương hiệu, nhãn hiệu tập thể như: nhãn chín muộn Hoài Đức, bưởi đường Quế Dương, bưởi ngọt Đông La, cam đường Canh, rau an toàn Tiền Lệ...Hoài Đức cũng đã có những chính sách hỗ trợ phát triển nông sản chất lượng cao gắn với chuỗi tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc do khâu kết nối thị trường chưa được tốt nên rất cần thành phố giúp đỡ.

Giải đáp trước những thắc mắc trên, ông Tạ Văn Tường-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT cho rằng: Thứ nhất các hộ dân cần thành lập các nhóm hộ, nhiều nhóm hộ thành lập HTX để lên kế hoạch tổ chức sản xuất một bài bản theo quy trình sạch chuẩn VietGap hay hữu cơ, cho ra sản phẩm chất lượng cao, đồng đều, đáp ứng quy mô của các đơn hàng lớn. Thứ hai về mặt tiêu thụ, UBND huyện cùng ngành nông nghiệp và nhất là các doanh nghiệp cần khảo sát, đánh giá chất lượng, số lượng thật kỹ để tiến tới ký kết hợp tác. Ngoài kiểu kết nối truyền thống trong thời gian tới huyện cần thành lập các nhóm như Zalo, Facebook…để có thể tăng tương tác, thúc đẩy tiêu thụ cho nông dân.

Cũng ngay tại diễn đàn đã diễn ra ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ nông sản của Công ty Cổ phần Thanh Thanh Food Việt Nam; Công ty CP xuất ăn công nghiệp Hà Nội… với các HTX, cơ sở sản xuất của Hoài Đức.

Thử nếm tại gian hàng trưng bày. Ảnh: NNVN.

Thử nếm tại gian hàng trưng bày. Ảnh: NNVN.

Chuyện chuỗi cung ứng thịt, rau an toàn

Hà Nội, TP. Hồ Chí Mình và Đà Nẵng là 3 thành phố lớn, tiêu thụ nhiều rau, thịt không chỉ được sản xuất ngay tại địa phương mà từ các nơi khác đưa về. Việc triển khai các chuỗi kiểm soát nông sản an toàn mang tính liên tỉnh cần có sự tham gia của tất cả các địa phương và đó chính là lý do Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng UBND TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng thống nhất triển khai "Chương trình phối hợp phát triển các chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn" từ năm 2015. Mục tiêu chính của chương trình là sản phẩm rau, thịt đưa về tiêu thụ trên địa bàn phải được sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn và truy xuất được nguồn gốc xuất xứ.

Riêng về phía TP Hà Nội Sở Nông nghiệp & PTNT và 21 tỉnh, thành phố trong Ban điều phối Chuỗi cung cấp rau thịt an toàn đã tích cực, chủ động trong công tác kết nối sản xuất, quản lý chất lượng và phát triển chuỗi. Tính đến nay đã xây dựng và phát triển được 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trong đó có 253 chuỗi được xác nhận theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Một số địa phương có số chuỗi phát triển tăng nhanh, điển hình như: Hà Nội năm 2015 có 29 chuỗi, đến 2020 có 141 chuỗi (tăng 486%); Sơn La có số chuỗi tăng từ 28 chuỗi (giai đoạn 2013 – 2016) lên 144 chuỗi (tăng 414%); Hà Nam năm 2015 có 13 chuỗi từ Hà Nam cung ứng cho thị trường Hà Nội, đến năm 2020 tăng lên 21 chuỗi (tăng 160%)...Sản phẩm được chứng nhận theo chuỗi tăng từ 580 tấn năm 2015 lên 2.250 tấn năm 2019 (tăng 387%).

Nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản từ sản xuất đến kinh doanh từ năm 2015 đến tháng 6/2020 Hà Nội đã tiến hành lấy 18.480 mẫu trong đó 17.606 mẫu đạt chiếm tỷ lệ 95,3% (tăng 1,4% so với giai đoạn 2011-2015 tỷ lệ mẫu đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) là 93,9%). Trong đó số mẫu có nguồn gốc ngoại tỉnh sản xuất cung cấp cho Hà Nội đạt yêu cầu chiếm trên 94%. Đối với các mẫu của các tỉnh vi phạm, đã được thông báo kịp thời cho các tỉnh để điều tra, truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân tại các cơ sở có mẫu vi phạm và có giải pháp khắc phục ngay.  

Quầy hàng OCOP. Ảnh: NNVN.

Quầy hàng OCOP. Ảnh: NNVN.

Các đoàn thanh kiểm tra do các Chi cục quản lý chuyên ngành, Thanh tra Sở, UBND các quận, huyện trong giai đoạn vừa qua đã tiến hành thanh, kiểm tra  98.771 lượt cơ sở, phát hiện 10.236 cơ sở không đạt yêu cầu, chiếm 10,3%. Qua đó đã tiến hành xử phạt hành chính với số tiền hơn 17 tỉ đồng,  buộc phải tiêu hủy gần 40 tấn sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ và khắc phục về nhãn trên nhiều lô sản phẩm không ghi đầy đủ các nội dung trên nhãn sản phẩm.

Tuy vậy vẫn còn những tồn tại như tỷ trọng sản lượng nông lâm thủy sản được kiểm soát theo chuỗi trong số tất cả sản phẩm đưa về tiêu thụ tại Hà Nội còn thấp. Kết quả phát triển các chuỗi và số lượng sản phẩm rau, thịt được tiêu thụ trên địa bàn thành phố còn chưa đồng đều giữa các địa phương do việc thực hiện quy hoạch vùng sản xuất ở một số địa phương vẫn còn lỏng lẻo, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều vùng sản xuất đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn VietGap, ISO, GlobalGap, hữu cơ...

Chất lượng sản phẩm của từng mùa vụ chưa đồng đều, tỷ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng và truy xuất được nguồn gốc còn thấp; sự liên kết, kết nối còn thiếu bền vững.Công tác tổng hợp cung cấp thông tin thị trường, sản lượng hàng hóa nông sản vào ra giữa các tỉnh về Hà Nội và ngược lại còn gặp nhiều khó khăn. Hà Nội chưa xây dựng được hệ thống logistic hoàn chỉnh để có thể lưu giữ sản phẩm của các tỉnh được đảm bảo, giá cả ổn định.

Công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, còn chưa được thường xuyên dẫn đến nhiều sản phẩm tốt, có giá trị cao, đảm bảo ATTP...chưa được các các doanh nghiệp  phân phối và người tiêu dùng biết đến trong khi các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp còn khó khăn và loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm. Số lượng nông sản rau, thịt cung cấp cho Hà Nội được quản lý thông qua thỏa thuận phối hợp còn hạn chế.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm