Ngày 26/10/2020, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đã diễn ra phiên trù bị.
Tham dự đại hội có 448 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 229.000 đảng viên trong toàn đảng bộ.
Đại biểu có tuổi đời cao nhất là 65 tuổi, đại biểu trẻ tuổi nhất là 27 tuổi.
Chủ đề của Đại hội là “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ; phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, khát vọng thịnh vượng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; phát triển kinh tế nhanh và bền vững; nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 thực hiện 4 nội dung quan trọng gồm: Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020; thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, bầu đoàn đại biểu của Đảng bộ tỉnh đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
5 năm qua, sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển toàn diện; tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành bình quân hằng năm dự kiến đạt 3%, vượt kế hoạch.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt kết quả tích cực; sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao, theo chuỗi giá trị được hình thành và phát triển; thu hút đầu tư vào nông nghiệp được chú trọng, đã có một số dự án quy mô lớn được triển khai thực hiện. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt kết quả bước đầu.
Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo nhanh và bền vững đạt kết quả tích cực, các chỉ tiêu chủ yếu của chương trình đều đạt và vượt kế hoạch.
Các hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến, hiệu quả được nhân rộng; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.
Cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp chuyển dịch tích cực. Toàn tỉnh hiện có 8 đơn vị cấp huyện, 313 xã và 740 thôn, bản hoàn thành xây dựng NTM; tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM vượt mục tiêu Đại hội.
Hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống ở các huyện nghèo, xã nghèo, xã bãi ngang, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư; các chính sách về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin được triển khai thực hiện hiệu quả; đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có chuyển biến rõ nét.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Toàn tỉnh có 1 huyện thoát khỏi huyện nghèo; 17 xã bãi ngang ven biển, 5 xã và 127 thôn, bản khu vực miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 39 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới.
Về phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới, Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước.
Lĩnh vực Nông nghiệp tiếp tục được xem là một trong 6 chương trình trọng tâm, là một trong năm trụ cột tăng trưởng trong 5 năm tới.
Theo đó, nông nghiệp sẽ phát triểntheo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 3% trở lên.
Để đạt được mục tiêu này, Thanh Hóa sẽ lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xây dựng các vùng nguyên liệu, gắn với thu hút đầu tư nhà máy chế biến; xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng trở thành khu sản xuất sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; phát triển mạnh chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị; nâng cao tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp.
Về lâm nghiệp, Thanh Hóa sẽ hướng tới phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; trong đó chú trọng phát triển rừng sản xuất gỗ lớn; giảm dần diện tích luồng, các cây lâm nghiệp hiệu quả thấp; phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên gắn với du lịch; khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, phát triển thủy sản trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo...
Tại phiên trù bị, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá đã ra lời kêu gọi quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt.
Ngay sau lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch, các đại biểu tham dự Đại hội đã trực tiếp ủng hộ, chia sẻ với đồng bào miền Trung trước những tổn thất, mất mát do thiên tai, mưa lũ gây ra.