| Hotline: 0983.970.780

Dấu ấn Thanh Hóa, góc nhìn người ngoài cuộc

Bài 3: Nông nghiệp Thanh Hóa còn nhiều thách thức lớn

Chủ Nhật 18/10/2020 , 08:55 (GMT+7)

Điều ông Nguyễn Văn Thát, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đau đáu, trăn trở nhất là một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại vẫn còn xa với tỉnh Thanh.

Ông Nguyễn Văn Thát trong cuộc trò chuyện với PV NNVN. Ảnh: Tiến Phương.

Ông Nguyễn Văn Thát trong cuộc trò chuyện với PV NNVN. Ảnh: Tiến Phương.

Đặt câu hỏi, Thanh Hóa được ví như một Việt Nam thu nhỏ, hội đủ các điều kiện để phát triển nhưng dường như tốc độ bứt phá của ngành nông nghiệp chưa mạnh. Ông suy nghĩ điều gì?

Rất hào sảng, ông Thát bảo, nói Thanh Hóa người đông nhưng chưa có một người con nào của quê hương như bà Thái Hương ở Tập đoàn TH làm cho một Nghệ An đổi thay trong tư duy tổ chức sản xuất nông nghiệp. Nói đất rộng nhưng chưa có một vựa cây ăn quả như Sơn La.

Tôi theo dõi trên báo chí, thấy Tỉnh ủy Sơn La năng động và mạnh mẽ lắm trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp với những đường hướng rõ ràng và những quyết sách táo bạo để tạo ra một vùng cây ăn quả rộng lớn với cách thức tổ chức bài bản. Nhìn ra tỉnh bạn, chúng tôi khát khao lắm.

Sản xuất phải đáp ứng xu thế thời đại

Thưa ông, ông nhìn nhận và đánh giá như thế nào về hiện trạng ngành nông nghiệp tỉnh Thanh?

Nhìn lại 20 năm qua, cho đến hôm nay rõ ràng Thanh Hóa đã có nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, đời sống người dân được nâng cao, bộ mặt nông thôn đẹp hơn nhiều nhờ các chính sách đúng đắn của Đảng, được nhân dân đồng tình ủng hộ như chương trình xây dựng Nông thôn mới.

Nếu nhìn vào các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, dịch vụ thì rõ ràng nông nghiệp Thanh Hóa còn thách thức lớn. Với Thanh Hóa nông nghiệp vẫn là nền tảng để đảm bảo tính ổn định cho sự phát triển. Công bằng mà nói, nếu lấy giai đoạn sau so với trước thì rõ ràng mọi mặt có sự phát triển song sự phát triển đó chưa thực sự xứng với điều kiện, tiềm năng và xu thế của thời đại.

Chăn nuôi đang có hướng đi rõ nét nhất hiện nay đối với nông nghiệp Thanh Hóa. Ảnh: Tiến Phương.

Chăn nuôi đang có hướng đi rõ nét nhất hiện nay đối với nông nghiệp Thanh Hóa. Ảnh: Tiến Phương.

Diện tích đất canh tác trên đầu người còn thấp hơn nhiều so với Nghệ An, Hà Tĩnh. Trình độ sản xuất nông nghiệp còn thấp. Hiện Thanh Hóa chưa có doanh nghiệp nông nghiệp quy mô lớn để quyết định tác động đến thúc đẩy, lôi kéo toàn ngành phát triển, nhất là chế biến sâu. Sản phẩm đạt số lượng lớn, còn chất lượng vẫn hạn chế nhiều, vì chủ yếu sản xuất thô.

Tích tụ đất đai khó khăn, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp chậm. Một số nơi có mô hình nhưng chưa có một mô hình rộng lớn, nhà máy lớn để đủ sức sản xuất, chế biến; thiếu thị trường và thiếu lực lượng sản xuất có trình độ KHKT cao.

Sản xuất nông nghiệp bây giờ nó hoàn toàn khác so với 20 năm trước. Ngày trước là nhà nước đầu tư, giờ là kêu gọi xã hội. Muốn kêu gọi được xã hội thì phải có người tổ chức, có người làm. Có người điều binh, khiển tướng được thì xã hội mới tin, doanh nghiệp mới vào và nông dân mới gắn bó. Làm được cái đó thì nông nghiệp mới tạo ra chất cho sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Ông Nguyễn Văn Thát

Nhìn rộng ra thì chỉ thấy được mỗi chăn nuôi có tốt hơn. Quy mô sản xuất trang trại lớn hơn so với các mặt hàng khác. Lợn, bò thịt, bò sữa, gà đã có những hình hài khả quan. Tiếc rằng sản phẩm có quy mô lớn như con lợn cũng chỉ bán thô ra thị trường thôi.

Tôi được tham gia vào việc góp ý cho Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh và nhận thấy nếu không có chỉ đạo quyết liệt, tư duy và cách làm mới thì tình hình nông nghiệp khó có thể bứt phá lên được.

Ông có tham gia vào góp ý báo cáo chính trị của tỉnh. Xin hỏi ông, vì sao 3 khóa Đại hội liên tiếp gần đây, mặt trận nông nghiệp luôn được xếp vào vị trí số 1 trong chương trình hành động của Đảng bộ tỉnh?

Coi “nông nghiệp là mặt trận hàng đầu” không phải từ 3 khóa Đại hội gần đây mà ngay những khóa XII, XIII Đảng bộ tỉnh đã đưa vào rồi. Có chăng 3 khóa liên tiếp gần đây, Đảng bộ tỉnh đã có cái nhìn cụ thể hơn về hiện trạng thực tế cũng như thấy vấn đề căn cơ trong nội hàm chiến lược phát triển của tỉnh.

Việc Đại hội XIX nhiệm kỳ 2020 – 2025 tiếp tục đưa Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vào vị trí số 1 trong kế hoạch hành động, theo tôi nên hiểu cả tích cực và tồn tại ở đây.

Tích cực là cho thấy sự quan tâm của Đảng bộ đối với sự nghiệp “tam nông” của một tỉnh rộng lớn như Thanh Hóa, trong đó 3/4 diện tích vẫn đang sản xuất nông nghiệp.

Còn hạn chế ở đây chính là sự loay hoay kéo dài của mấy nhiệm kỳ. Thẳng thắn nói ra điều hạn chế ấy để thấy rằng, điểm sáng con đường nông nghiệp đang xa lắm. Tỷ lệ nông nghiệp vẫn còn 30 – 40%. Muốn đưa về 20 – 30% thì phải sắp xếp lại.

 Sự loay hoay đó có nhiều nguyên nhân nhưng theo tôi chính là sự sắp đặt trong chiến lược con người và tư duy tầm nhìn, hành động của chiến lược phát triển dài hạn của ngành nông nghiệp.

Chẳng hạn như Sơn La có một nền sản xuất với vựa cây ăn quả lớn như thế, chắc hẳn phải có những cái đầu tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm của những người được Đảng, Nhân dân giao phó trọng trách.

Thanh Hóa có 100.000ha sản xuất nông nghiệp nhưng chưa có một loại sản phẩm nào được tạo ra từ một nền sản xuất quy mô lớn, chế biến bài bản, chất lượng cao. Cây ăn quả có mấy chục ngàn ha nhưng cũng phân tán, nhỏ lẻ. Cái thiếu lớn nhất đó chính là cách thức tổ chức thực hiện.

 Phải có người chỉ huy xứng tầm, người làm ra sản phẩm

Theo ông Nguyễn Văn Thát, sản xuất nông nghiệp ở Thanh Hóa hiện nay nhìn chăn nuôi còn có hướng đi tích cực khi có một số tập đoàn vào đầu tư, bước đầu đã thấy rõ hình hài tươi mới. Ảnh: Tiến Phương.

Theo ông Nguyễn Văn Thát, sản xuất nông nghiệp ở Thanh Hóa hiện nay nhìn chăn nuôi còn có hướng đi tích cực khi có một số tập đoàn vào đầu tư, bước đầu đã thấy rõ hình hài tươi mới. Ảnh: Tiến Phương.

“Tôi luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và luôn khát vọng về một tỉnh Thanh thịnh vượng. Mọi chủ trương, nghị quyết đã hay, đã đúng, đã trúng rồi, vấn đề còn lại là hiện thực hóa từ những con người tài đức vì sự phát triển chung của tỉnh. Trước thềm Đại hội, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 58 về xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một đặc ân của Trung ương đối với tỉnh. Tôi mong muốn ngành nông nghiệp sớm có những hành động quyết liệt, hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng để nông dân ấm no, nông thôn giàu đẹp”, Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thát hướng về Đại hội Đảng bộ tỉnh với niềm tin và khát vọng như vậy.

Ông Nguyễn Văn Thát

Tại cuộc làm việc của Bộ Chính trị với Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc lại câu nói của Bác Hồ khi về thăm Thanh Hóa, rằng Thanh Hóa đủ điều kiện để xây dựng một tỉnh kiểu mẫu, cái thiếu là sự điều khiển sắp đặt. Nhân vấn đề ông đặt ra trên đây, xin hỏi thật ông rằng, 10 năm nay vị thế, vai trò, tiếng nói của ngành nông nghiệp trong chiến lược phát triển của tỉnh Thanh như thế nào?

Trả lời ngắn gọn nhé: Không có tướng!

Vậy theo ông, cần làm gì để nông nghiệp Thanh Hóa tăng tốc phát triển, tạo ra sản phẩm có giá trị, nâng vị thế của ngành và đời sống người dân khấm khá lên?

Trước hết phải từ con người. Tôi mong sau Đại hội XIX, Tỉnh ủy sẽ lựa chọn một người xứng tầm phụ trách khối nông nghiệp từ đó điều hành giúp Chủ tịch UBND tỉnh có được những quyết sách táo bạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, chí ít là phải có những sản phẩm cụ thể.

Sản xuất nông nghiệp ở một tỉnh rộng với quy mô dân số lớn, nhất là 11 huyện miền núi như Thanh Hóa nếu không có một tướng chỉ huy giỏi thì toàn ngành sẽ không thể bứt phá lên được.  

Tiếp đó là khâu quy hoạch đất đai phải được sắp xếp lại, tổ chức sản xuất cho bài bản. Có lần tôi trao đổi với đồng chí Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy rằng, đồng chí mạnh dạn xem trong Thường vụ quyết chọn một vùng làm điểm thật mạnh từ quy hoạch, quy mô, đến tổ chức sản xuất ra một loại sản phẩm đặc trưng có thế mạnh địa phương, tạo ra mặt hàng xuất khẩu mang lại giá trị lớn cho tỉnh xem nào? Chứ cứ manh mún như này thì nông nghiệp rất khó bứt phá đi lên.

Từ quy hoạch đất đai, nông nghiệp Thanh Hóa cần có những ông chủ lớn để tổ chức sản xuất lớn. Tôi nhìn bà Thái Hương ở Nghệ An, ông Khuê ở Ninh Bình hay những nhà chỉ đạo sản xuất vựa cây ăn quả ở Sơn La mà thèm khát cho Thanh Hóa lắm. Trong khi mấy năm nay, các lĩnh vực công nghiệp, bất động sản, du lịch… lại thu hút khá lắm, phải chăng những lĩnh vực này dễ thấy tiền hơn là đầu tư cho nông nghiệp?

Phải chăng nông nghiệp mới chỉ dừng lại ở chủ trương, nghị quyết mà thiếu đi những hành động thiết thực? Tôi xin nhấn mạnh rằng, nói và làm gì thì làm chứ hiện thu nhập bình quân đầu người của tỉnh còn thấp hơn bình quân chung của cả nước, thấp hơn cả Ninh Bình. Muốn phát triển bền vững thì nông nghiệp phải có một cái nền phát triển khá. Thiếu cái nền đó, mọi đường hướng khác rất khó bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.