| Hotline: 0983.970.780

Dấu ấn Thanh Hóa, góc nhìn người ngoài cuộc

Bài 2: Bước ngoặt trong công tác cán bộ

Thứ Bảy 17/10/2020 , 09:01 (GMT+7)

Năm 2012, Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng bài 'Rùng mình xã 500 cán bộ ở Thanh Hóa' trong chuyên đề Ngân sách nào kham nổi, phản ánh bộ máy cồng kềnh ở cơ sở.

Ông Đỗ Thế Hạnh, nguyên Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương cho rằng, việc Quảng Xương xác định quy hoạch phát triển đô thị gắn du lịch dịch vụ sẽ là động lực lớn, là cánh tay đắc lực của tỉnh trong hiện thực hóa Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị. Ảnh: Văn Hùng.

Ông Đỗ Thế Hạnh, nguyên Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương cho rằng, việc Quảng Xương xác định quy hoạch phát triển đô thị gắn du lịch dịch vụ sẽ là động lực lớn, là cánh tay đắc lực của tỉnh trong hiện thực hóa Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị. Ảnh: Văn Hùng.

Bài viết đã gây chấn động mạnh và tranh cãi lớn ở trong tỉnh rồi lan rộng ra cả nước. Thủ tướng Chính phủ đã có 2 văn bản chỉ đạo xem xét vấn đề báo nêu.

Đã giảm được 28.108 người

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa lúc bấy giờ cả ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, báo viết “xã 500 cán bộ” là sai. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa lập luận rằng Nghị định 92 của Chính phủ Quy định cán bộ cấp xã chỉ có 21 - 25 chức danh. Trong khi NNVN cho rằng, tất cả những người làm việc ở thôn, ở xã mà lĩnh tiền hàng tháng từ tiền thuế của người dân thì là cán bộ.

Cuộc tranh luận này, báo NNVN dừng lại sau buổi làm việc với Bộ Thông tin – Truyền thông có sự hiện diện của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa vì cho rằng báo đã dùng những từ ngữ không phù hợp như: “Cán bộ đông như quân nguyên, cán bộ đông như châu chấu…

Ấy là chuyện của 8 năm về trước!

Nay trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, tôi trở lại nơi này ngồi nghiền ngẫm bản báo cáo Chính trị sẽ được BCH Đảng bộ khóa XVIII trình trước toàn Đại hội với nội dung thực hiện Nghị quyết 18, 19 của Trung ương mà nhớ đến cái ngày “Rùng mình” ấy!

Báo cáo Chính trị của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa cho biết, thực hiện Nghị quyết 18 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập từ tỉnh đến cơ sở và thu được nhiều kết quả quan trọng.

Từ năm 2016 đến nay, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử 221 lượt cán bộ; điều động, luân chuyển 75 lượt cán bộ. Đến nay có 25/27 huyện, thị, thành phố (chiếm 92,6%) và 343/559 xã, phường, thị trấn (chiếm 61,3%) bố trí 1 trong 3 chức danh chủ chốt không là người địa phương.

Cùng với sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tỉnh đã tập trung chỉ đạo sáp nhập 3.100 thôn, tổ dân phố, để thành lập 1.522 thôn, tổ dân phố.

Theo đó, toàn tỉnh đã giảm từ 5.971 thôn, tổ dân phố, xuống còn 4.393 thôn, tổ dân phố (giảm 1.578). Hoàn thành việc sáp nhập 143 xã, thành 67 xã, (giảm 76 xã), là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị.

“Việc sáp nhập các xã, thôn, tổ dân phố không chỉ tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã, mà còn góp phần tinh giản biên chế, tiết kiệm chi ngân sách”, Báo cáo Chính trị của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa nêu rõ như vậy.

Cụ thể, toàn tỉnh đã giảm được 28.108 người, trong đó, giảm 1.308 cán bộ, công chức cấp xã do sáp nhập đơn vị hành chính; giảm 1.187 cán bộ, công chức cấp xã do thực hiện Nghị định 34 và đưa công an chính quy về xã; giảm 6.244 người hoạt động không chuyên trách và hội đặc thù cấp xã; giảm 10.504 người hoạt động không chuyên trách do sáp nhập thôn, tổ dân phố; giảm 8.829 người hoạt động không chuyên trách.

Công tác cán bộ đã được chú trọng, nhất là việc thay đổi những chủ chốt ở cấp huyện đã giúp Quảng Xương có bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Công tác cán bộ đã được chú trọng, nhất là việc thay đổi những chủ chốt ở cấp huyện đã giúp Quảng Xương có bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Thành tựu lớn lao trong việc sáp nhập, tinh giản này theo Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa là đã tiết kiệm được cho ngân sách mỗi năm 463 tỷ đồng.

Đọc những con số biết nói này mà chúng tôi thấy vui. Có lẽ thế mà tôi đã trở lại Quảng Vinh để xem nơi đó còn gì “rùng mình”. Quảng Vinh bây giờ không thuộc huyện Quảng Xương nữa mà đã được nhập vào TP Sầm Sơn. 8 năm rồi nên Quảng Vinh đã lên Phường và có nhiều đổi thay.

Tinh giản cán bộ cần làm mạnh hơn

Ông Lê Quang Bảo 8 năm trước là Bí thư Đảng ủy xã Quảng Vinh. Giờ ông đã về nghỉ chế độ, vui cùng con cháu và tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình bằng nghề làm nước mắm.

Ông Lê Quang Bảo, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Quảng Vinh (nay là P.Quảng Vinh, TP Sầm Sơn) cho rằng, phường du lịch thì trước hết cán bộ phải có kiến thức về du lịch. Ảnh: Văn Hùng.

Ông Lê Quang Bảo, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Quảng Vinh (nay là P.Quảng Vinh, TP Sầm Sơn) cho rằng, phường du lịch thì trước hết cán bộ phải có kiến thức về du lịch. Ảnh: Văn Hùng.

Những năm gần đây, Thanh Hóa chú trọng đến công tác dân vận, góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Tập trung chấn chỉnh lề lối làm việc, xây dựng tác phong công tác dân vận cho đội ngũ cán bộ, công chức “trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với nhân dân”; thực hiện nghiêm quy chế dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo quy định.

Gặp lại chúng tôi, ông Bảo kể, Quảng Vinh bây giờ mọi mặt đời sống người dân được nâng lên. Công tác cán bộ đã thay đổi nên các phong trào của địa phương có chuyển biến tích cực. Về tổ chức bộ máy, từ chỗ 15 thôn nay rút xuống còn 9 khu phố nên số người làm lãnh đạo giảm đi nhiều. Không chỉ giảm cơ học mà còn bố trí kiêm nhiệm nên lãnh đạo khu phố giờ nhiều việc để làm, có điều kiện sát dân hơn.

Về kinh tế, từ chỗ tỷ lệ hộ nghèo chiếm 40% (2010) đến 2015 là 18% và nay chỉ còn 2,4%. Từ một xã bãi ngang thuộc vùng biển Quang Xương quanh năm khó khăn, ruộng đồng canh tác không mấy thuận lợi, việc đầu tư xã hội rất hạn chế, đến nay Quảng Vinh đã trở thành một trong những phường khá của TP Sầm Sơn, thu hút được các dự án đầu tư lớn vào địa phương.

Tuy nhiên để Quảng Vinh giàu lên theo ông Bảo, cấp trên cần quan tâm hơn nữa công tác cán bộ. Việc tinh giản cần tiếp tục làm mạnh hơn nữa.

Việc luân chuyển cán bộ phải tính đến nhân sự có hiểu biết địa bàn và truyền thống văn hóa của người dân nơi đến.

Quan tâm bằng việc đầu tư nguồn lực cho Bí thư, Trưởng khu phố. Họ chính là lực lượng gần dân, sát dân nhất nhưng hưởng thụ thì còn rất ít. Mặt khác, Sầm Sơn là trọng điểm du lịch nên quy hoạch phát triển Quảng Vinh cũng phải xứng tầm thì cán bộ cũng phải có kiến thức làm du lịch.

Ông Đỗ Ngọc Tuấn 8 năm trước là cán bộ văn phòng UBND xã, nói chuyện với chúng tôi hôm nay, ông bảo, nhìn lại một quá trình mới thấy được việc tinh giản, sắp xếp bộ máy là hoàn toàn đúng. Lẽ ra việc này cần làm sớm hơn và quyết liệt hơn.

Tôi hỏi đồng chí Tuấn, bây giờ Quảng Vinh còn bao nhiêu tổ dân phố và người làm bán chuyên trách, ông bảo, giảm gần 2/3 so với hồi 2012.

Không chỉ có tinh giản cán bộ, sắp xếp lại việc làm, Quảng Vinh đang dồn lực cho phát triển kinh tế. Đáng chú ý, có các nhà đầu tư lớn vào như Tập đoàn Đông Á và Tập đoàn Sungroup.

Trong chiến lược đầu tư, Tập đoàn Sungroup sẽ thuê 367ha đất của Quảng Vinh để làm du lịch. Đáng chú ý, Tập đoàn sẽ quy hoạch tái định cư cho những hộ dân ở đơn lẻ còn phần lớn dân cư ở tập trung thì sẽ giữ nguyên và được Tập đoàn đầu tư nhiều về hạ tầng, nhằm mục đích cùng người dân làm du lịch.

Đây là cách làm mới để doanh nghiệp có đất để làm, người dân không mất nhiều đất, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân.

Ông Đỗ Thế Hạnh, nguyên Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương trong cuộc gặp gỡ với PV NNVN chia sẻ rằng, điều mà chúng tôi mong muốn là công tác luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ đã làm tốt rồi thì cần phải làm tốt hơn nữa. Bởi vẫn có những điều mà cán bộ, đảng viên băn khoăn. Đó là thời gian điều động, luân chuyển quá ngắn.

“Có đồng chí còn 2 năm nữa nghỉ hưu thì điều động nữa làm gì hay nhiều đồng chí được điều động, bổ nhiệm chưa kịp ngồi ấm chỗ, thậm chí công tác bàn giao, đi cơ sở chưa nắm hết đầu việc thì đã phải di chuyển đến nơi khác. Làm như thế sẽ không tạo ra động lực mới và tính ổn định”, ông Hạnh tâm tư.

Một mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Quảng Xương.

Một mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Quảng Xương.

Đồng quan điểm với ông Hạnh, ông Vũ Nguyên Long, một doanh nhân thành đạt ở đường Hồ Xuân Hương, TP Sầm Sơn chia sẻ, nhìn thực tế ở Sầm Sơn, trong 5 năm mà tỉnh điều động luân chuyển đến 4 đồng chí Bí thư, 4 đồng chí Chủ tịch. Như thế là không có tính ổn định và phần nào đó tác động đến quan hệ trong nội bộ cũng như với cộng đồng doanh nghiệp. Chúng tôi mong muốn ổn định trong lãnh đạo, điều hành để xuyên suốt trong việc đầu tư cho phát triển có tính bền vững.

Những kiến nghị đề xuất trên, chúng tôi cho rằng rất cần được xem xét, nghiên cứu thấu đáo, thỏa đáng. Rất mong tập thể Ban thường vụ, BCH Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa XIX này sẽ trân trọng đón nhận mọi phê bình, góp ý nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp thúc đẩy tỉnh Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.