| Hotline: 0983.970.780

Dấu ấn Thanh Hóa, góc nhìn người ngoài cuộc

Bài 4: Không có choảng nhau thì thành công sẽ lớn

Thứ Hai 19/10/2020 , 08:43 (GMT+7)

Việc Thanh Hóa bây giờ trỗi dậy không có điều gì đáng ngạc nhiên cả, đã nhìn thấy được điểm nhấn ở Thanh Hóa và chắc chắn sẽ có sự bùng nổ.

PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng tin tưởng đường hướng và những đột phá sắp tới của Thanh Hóa. Ảnh: Đinh Tùng.

PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng tin tưởng đường hướng và những đột phá sắp tới của Thanh Hóa. Ảnh: Đinh Tùng.

PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là đường hướng rất tốt giúp Thanh Hóa tăng tốc phát triển.

Cần cơ chế tự chủ, cởi trói cho địa phương

Theo ông Thiên, Nghị quyết mới là những đường hướng, muốn làm được như mục tiêu thì phải được thể chế hóa, trao cho Thanh Hóa nhiều quyền tự chủ để huy động nguồn lực. Có như vậy mới phát huy được, chứ chưa được thể chế hóa, xông xáo làm ngay không khéo vi phạm luật.  

Do đó Trung ương cần phải sớm ban hành các chính sách, cơ chế, có thể nói là những cơ chế đặc thù để Thanh Hóa có quyền chủ động. Đó là chính sách về đất đai, thuế, quyền tuyển người, quyền trả lương...

Trong nội tình Thanh Hóa phải có sự thống nhất cao, vì cái chung cho sự phát triển, tránh các nhóm lợi ích hình thành và xung đột. Thanh Hóa không làm tốt cái này thì sau bùng nổ sẽ vỡ trận. Tiền bạc các nhà đầu tư dồn vào cho Thanh Hóa, dồn vào Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn cả chục tỷ USD mà không có các giải pháp kiểm soát, giám sát tốt để tiền vào tung tóe thì tai tiếng lắm.

Hình thành Khu kinh tế Nghi Sơn là điểm nhấn lớn của Thanh Hóa.

Hình thành Khu kinh tế Nghi Sơn là điểm nhấn lớn của Thanh Hóa.

Khi Thanh Hóa bùng nổ vượt trội rất dễ xuất hiện các nhóm lợi ích và sinh ra chuyện xâu xé lẫn nhau, dễ dẫn đến những điểm nóng. Qua theo dõi Thanh Hóa thời gian gần đây, tôi thấy có khía cạnh đó rồi

PGS.TS Trần Đình Thiên

"Có lần nói chuyện với lãnh đạo cấp cao, có cả lãnh đạo tỉnh ngồi nghe, tôi bảo, Thanh Hóa nếu không tổ chức và điều khiển tốt thì sự bùng nổ trong phát triển sẽ xuất hiện các bùng nổ khác mà nguy cơ xung đột lợi ích là rất cao. Tôi nói thật là kỳ vừa rồi Thanh Hóa có loạng choạng chỗ này đấy, do đó việc này cả Trung ương và Thanh Hóa phải hết sức chú ý".

Việc Thanh Hóa bây giờ trỗi dậy không có điều gì đáng ngạc nhiên cả, đã nhìn thấy được điểm nhấn ở Thanh Hóa và chắc chắn sẽ có sự bùng nổ. Một tọa độ tứ sơn (bao gồm Lam Sơn cả một vùng mía đường, có Cảng hàng không Thọ Xuân, khu Công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng; phía Bắc có Bỉm Sơn, phía Nam có KKT trọng điểm Nghi Sơn; cuối cùng là một dãi biển Sầm Sơn đẹp bậc nhất nhì phía Bắc). Bố trí một tọa độ đầy đủ binh lực phát triển như thế, Thanh Hóa không bùng nổ mới lạ.

Không có choảng nhau thì thành công sẽ lớn

Bây giờ tôi xin nói 3 điểm để chia sẻ với Thanh Hóa.

Thứ nhất là phát triển công nghiệp hóa nhất định phải có đô thị hóa. Công nghiệp mà không có đô thị hiện đại là toi rồi, dân sẽ loạn hết cả. Quy hoạch sẽ bị băm nát, giá đất sẻ bị đẩy lên, rồi các nhóm lợi ích hình thành, nhất là nhóm lợi ích nhà nước chia ra thì vỡ trận.

Cho nên Nghi Sơn là một khu công nghiệp nặng trọng điểm cần lắm một khu đô thị hiện đại. Tôi luôn có quan điểm công nghiệp hóa phải đi liền với đô thị hóa. Lợi ích phát triển cho ngân sách là công nghiệp còn lợi ích phát triển cho người dân phải là đô thị hiện đại. Dân công nghiệp chỉ được có mấy người thôi, trong khu công nghiệp Nghi Sơn chủ yếu sử dụng lao động bậc cao.

Đô thị ở Nghi Sơn để giải quyết tốt vấn đề xã hội, không nên hiểu xây dựng đô thị một cách cơ học kiểu thôn lên phố, xã lên thị trấn, thị trấn lên phường, huyện thành thị xã.

Cái này, muốn làm được thì phải có bàn tay nhà nước với những chính sách thiết thực nhằm thu hút các Tập đoàn lớn, có uy tín vào làm thì mới bài bản, mới thành các trung tâm đô thị lớn được. Nếu không làm được như thế thì sẽ băm nát hết, từ quy hoạch đến đất đai, hạ tầng.

'Thanh Hóa bùng nổ phát triển thì sẽ kéo cả khu vực Bắc Trung Bộ phát triển theo', đó là khẳng định của PGS.TS Trần Đình Thiên. Ảnh: Tùng Đinh.

"Thanh Hóa bùng nổ phát triển thì sẽ kéo cả khu vực Bắc Trung Bộ phát triển theo", đó là khẳng định của PGS.TS Trần Đình Thiên. Ảnh: Tùng Đinh.

Đô thị mà bị băm nát thì khó được hiện đại, văn minh như mục tiêu Nghị quyết đặt ra. Ở đây phải xây dựng một đô thị đẳng cấp chứ không phải theo kiểu nấc thang, bao năm thị trấn mới được lên thị xã, hay bao năm thị xã mới được lên thành phố. Công nghiệp đã nhảy vọt rồi thì đô thị hóa nó cũng phải bứt phá lên.

Tọa độ Nghi Sơn là vùng trọng điểm công nghiệp nặng nằm ngay cảng biển, Thanh Hóa cần chú ý đến an ninh, môi trường. Kinh nghiệm từ Formosa cho ta thấy những bài học đắt giá rồi.

Thứ hai, cái bùng nổ phát triển nó cũng chứa đựng những rủi ro cao. Tôi vẫn có dự cảm là Thanh Hóa sẽ tiếp tục bùng nổ phát triển. Cho nên sau Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngoài thể chế hóa các chính sách ra thì Trung ương cần chú ý đến việc giám sát thường xuyên, còn với Thanh Hóa phải ý thức được trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng.

Vì khi Thanh Hóa bùng nổ phát triển thì sẽ kéo cả khu vực Bắc Trung Bộ phát triển theo, đó chính là động lực cho toàn vùng tăng tốc. Đúng như Nghị quyết chỉ ra, xây dựng Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng tạo nên tứ giác phía Bắc của Tổ quốc.

Thứ ba, Thanh Hóa cần tạo ra những đường liên kết để phát triển du lịch với những địa danh ở Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội… bởi vì những nơi này có truyền thống lịch sử tương đồng, có nền văn minh lúa nước sông Hồng, có các di sản thế giới. Khi có Cảng hàng không thì phải kết nối cho được những điểm có giá trị, không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Từ đó biết quảng bá hình ảnh từ giá trị của lịch sử và khơi gợi những tiềm năng của mình.

Văn hóa, du lịch của Thanh Hóa nó có những sức mạnh kinh lắm đấy, nếu biết khơi nguồn mạnh mẽ thì đó chính là tiềm năng thu hút nguồn lực trước mắt và lâu dài. Nhiều lắm, đó là huyệt đạo Núi Nưa, Suối Cá Thần, Đền Độc Cước, thành Nhà Hồ, khu di tích Lam Kinh….

Thanh Hóa là một xứ có nhiều hào kiệt, tôi tiếp xúc với những người giỏi toán thì thấy họ thực sự siêu phàm. Thanh Hóa rất tháo vát, có thể nói họ tháo vát bậc nhất và linh hoạt xoay ngang, xoay ngửa, xoay dọc, xoay sấp rất là tốt, cộng với tài năng của cá nhân nữa thì dễ bề thành công lắm.

Tôi cho rằng, Thanh Hóa vẫn phải trông đợi vào phát huy tài năng cả theo nghĩa cá nhân lẫn về mặt tổ chức, tổ chức là đừng có choảng nhau thế là thành công lớn đấy.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mong chọn được cán bộ tài đức và một người đứng đầu xứng đáng

Ông Lê Nam, ĐBQH khóa XIII chia sẻ rằng, thành tựu của Thanh Hóa thì các bài trước NNVN đã đề cập khá sâu sắc rồi. Nay tôi xin nói một vấn đề, đó là 11 huyện miền núi của tỉnh quả thực chưa xác định rõ hướng thoát nghèo và lối đi, hiện đang bế tắc. Chúng ta hô hào bảo vệ rừng, nhưng chúng ta chưa mạnh dạn giao rừng cho người dân sản xuất và hướng những cây trồng có giá trị giữ rừng, có giá trị kinh tế.

Ông Lê Nam, ĐBQH khóa XIII mong Đại hội Đảng bộ tỉnh chọn được những cán bộ tài năng và một người đứng đầu xứng đáng.

Ông Lê Nam, ĐBQH khóa XIII mong Đại hội Đảng bộ tỉnh chọn được những cán bộ tài năng và một người đứng đầu xứng đáng.

Nhìn thảm cảnh sạt lở trong mưa lũ ở miền Trung để thấy công tác trồng và bảo vệ rừng phải được xem xét nghiêm túc. Nếu không chỉ trong chốc lát là mọi thứ có thể trôi tuồn tuộn hết.

Nhiều nơi địa bàn miền núi mà không có rừng, có nơi lại để cho rừng vô chủ, tài sản nhà nước không ai quản lý, trong khi nhiều doanh nghiệp muốn có tư liệu để sản xuất (dĩ nhiên không đồng ý việc cho làm thủy điện) thì lại không có đất rừng mà đầu tư.

“Tôi đã đi một số nước thấy người ta quản lý rừng rất hay. Chỉ khi nào người ta gắn bó với rừng như máu thịt thì mới không mất rừng và giá trị kinh tế từ rừng mới mang lại đích thực. Có lần phát biểu trước Quốc hội, tôi nói, phá rừng kinh hoàng nhất không phải lâm tặc mà chính là mấy ông mặc áo cổ cồn, tay cầm bút ấy”, ông Lê Nam thẳng thắn và khẳng định như thế đồng bào miền núi sẽ còn gian truân lắm.

Ông Lê Nam từng làm Bí thư Thị ủy Sầm Sơn và Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy trước khi làm ĐBQH. Đặt câu hỏi về công tác cán bộ hiện nay ở Thanh Hóa ông có kỳ vọng gì cho tương lai của tỉnh, ông Nam bảo, câu hỏi thú vị tuy nhiên không dễ trả lời.

“Tôi chỉ mong Đại hội Đảng bộ tỉnh tới đây chọn cho được những cán bộ tài năng và một người đứng đầu xứng đáng để hiện thực hóa Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị. Có như vậy Thanh Hóa mới bứt lên được, mới thoát khỏi tỉnh nghèo”.

Ông Nam cho hay, lớp cán bộ kế cận sẽ đảm đương các vị trí chủ chốt trong nhiệm kỳ tới đã được Bộ Chính trị xem xét. Ông Nam đánh giá cao về họ ở khía cạnh tìm tòi, chịu khó học hỏi, họ được luyện rèn từ thực tiễn nên sẽ đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ mới.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của một người từng làm tổ chức, ông Nam cho rằng, không phải người lãnh đạo nào được Chi bộ đánh giá cao cũng sẽ được nhân dân tín nhiệm. Người được giao trọng trách mới, ngồi vào ghế cao hơn thì phải thể hiện thế nào? Vì trước khi ngồi vào ghế cao hơn họ rất OK, nếu không OK thì chắc gì sẽ được ngồi vào ghế đó. Tiếc thay là không ít trường hợp sau khi ngồi được vào ghế cao rồi là xuất hiện những vấn đề XYZ.

Nói như một nhà báo nhắn tin chúc mừng các bạn của mình trúng cử vào BCH Đảng bộ nhiệm kỳ này ở quê rằng, mong các bạn là những ông quan hiện đại, đừng là những ông quan lại. Dân chúng mong ngóng quan tài năng, chứ ngó thấy quan lại là ghê sợ lắm.  

(ghi)

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Gạo ST25 được phân hạng tiềm năng OCOP 5 sao

Sóc Trăng Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức chấm điểm, phân hạng OCOP 5 sao đối với sản phẩm Gạo thơm ST25 của huyện Trần Đề.