| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp Nghệ An bật lên nét tích cực giữa vòng xoáy đại dịch

Thứ Tư 10/11/2021 , 20:04 (GMT+7)

Đối diện với hàng loạt khó khăn do thiên tai, đặc biệt là tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19 nhưng nông nghiệp Nghệ An vẫn đạt được những bước tiến đáng ghi nhận.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (giữa) trực tiếp nắm bắt, chỉ đạo khi kiểm tra tại các cảng cá trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: Võ Dũng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (giữa) trực tiếp nắm bắt, chỉ đạo khi kiểm tra tại các cảng cá trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: Võ Dũng.

Đẩy mạnh giám sát tàu cá

Ngày 10/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cùng Đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp của Nghệ An, trong đó điểm nhấn là quá trình triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU và công tác chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh động vật.

Thực thi Luật Thủy sản và các khuyến nghị của EC, trên cơ sở các văn bản của Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương, UBND tỉnh Nghệ An đã trình HĐND tỉnh ban hành 2 Nghị quyết về chính sách hỗ trợ kinh phí mua, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình và cước phí thuê bao dịch vụ cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên.

Công tác thực hiện khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU có nhiều bước tiến. Ảnh: Việt Khánh.

Công tác thực hiện khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU có nhiều bước tiến. Ảnh: Việt Khánh.

Để tạo chuyển biến sâu rộng, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, ngư dân về Luật Thủy sản 2017, các quy định, những khuyến nghị của EC về chống khai thác bất hợp pháp khai thác IUU được triển khai quyết liệt bằng nhiều hình thức (phương tiện thông tin đại chúng, tập huấn, phát tờ rơi…).

Trong bức tranh chung, công tác giám sát tàu cá hoạt động trên biển là một trong những nội dung được ngành thủy sản Nghệ An đặc biệt lưu tâm. Nhờ sự ổn định của hệ thống trạm bờ, các thông số chuyên môn, kỹ thuật được cập nhật kịp thời, chi tiết, đảm bảo độ chính xác cao. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá (VMS) có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên đạt đến 95,52%, tương đương 1.129/1.182 phương tiện, con số thực sự ấn tượng.

Để khuyến khích chủ tàu lắp đặt và duy trì hoạt động VMS, tỉnh Nghệ An đã ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân 50% kinh phí (không quá 8.750.000 đồng); hỗ trợ 50% cước phí duy trì hoạt động (không quá 120.000đ/tàu/tháng), kéo dài đến năm 2025. Ghi nhận đến thời điểm này, tổng cộng 742 thiết bị với tổng số tiền hơn 6,2 tỷ đồng đã được áp dụng.

Song song với đó, công tác giám sát sản lượng bốc dỡ hàng hóa qua cảng đã được Ban Quản lý cảng cá Nghệ An thực hiện nghiêm túc, mức độ tăng nhanh qua từng năm: năm 2019 chỉ đạt 30-40%, năm 2020 đạt 50-60%, 10 tháng đầu năm 2021 đã đạt đến 80 - 90%.

Ở khía cạnh khác, bất chấp dịch bệnh Covid-19 đã gây nên xáo trộn nặng nề đến công tác chuyên ngành, đặc biệt là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội nhưng nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Trung ương, của các Bộ, ngành, đặc biệt là sự nỗ lực của chính quyền và cơ quan chức năng địa phương, khối lượng công việc vẫn được duy trì theo hướng tích cực.

Bằng chứng, trong 10 tháng năm 2021, Chi cục Thủy sản Nghệ An đã thực hiện tuần tra, kiểm soát trên biển tổng cộng 276 ngày công tác, kiểm tra 2.542 lượt phương tiện, qua đây phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 83 vụ với tổng số tiền trên 500 triệu đồng. Các Đồn Biên phòng tuyến biển và Hải đội 2 đã tổ chức phối hợp tuần tra, kiểm soát 207 đợt/ 88.479 lượt phương tiện tại các cửa lạch, bãi ngang, xử phạt 175 vụ…

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị tỉnh Nghệ An cần nhìn nhận rõ tình hình chống khai thác IUU lúc này, phải xác định vì vị thế của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế. Ảnh: Việt Khánh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị tỉnh Nghệ An cần nhìn nhận rõ tình hình chống khai thác IUU lúc này, phải xác định vì vị thế của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT khẳng định, sau gần 4 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, Nghệ An đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đến nay cơ bản đã khắc phục được một số nội dung tồn tại mà các Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã chỉ ra trong các đợt kiểm tra trước đây.

Ở chiều ngược lại, công tác chống khai thác IUU vẫn tồn tại một số vấn đề hạn chế, gồm: Tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; một số tàu cá không duy trì thiết bị giám sát 24/24h khi tham gia khai thác trên biển, mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trên biển; tình trạng sử dụng xung điện, ngư cụ cấm, khai thác sai vùng vẫn diễn ra; chính quyền địa phương một số (xã, phường) chưa xem việc chống khai thác IUU là nhiệm vụ cấp bách.

Từ thực tế đặt ra, thời gian tới ngành thủy sản Nghệ An sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc công văn số 81-CV/TW ngày 20/3/2020 của Ban Chấp hành Trung ương, Chỉ thị số 689/CT-TTg, Công điện số 735/CĐ-TTg, Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ… thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác IUU, gỡ “Thẻ vàng” của EC.

Nhằm hướng đến phát triển ngành nghề thủy sản bền vững, Nghệ An mong muốn Bộ NN-PTNT hỗ trợ thực hiện Dự án phát triển bền vững, vay vốn từ Ngân hàng Thế giới (tổng mức 500 tỷ đồng).

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, tín hiệu tích cực đã có nhưng ngành Thủy sản Nghệ An vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn hướng đến quá trình phát triển bền vững. Ảnh: Việt Khánh.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, tín hiệu tích cực đã có nhưng ngành Thủy sản Nghệ An vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn hướng đến quá trình phát triển bền vững. Ảnh: Việt Khánh.

Nhận xét tổng quan, đoàn kiểm tra ghi nhận những bước tiến của ngành thủy sản Nghệ An trong thời gian qua, dù vậy trên thực tế còn nhiều nội dung mang tính then chốt cần phải khẩn trương khắc phục. Đành rằng khung pháp lý đã từng bước hoàn thiện nhưng công tác thực thi pháp luật nhìn chung vẫn còn yếu.

Ghi nhận thực tế tại Cảng cá Quỳnh Phương tình trạng tàu cá vi phạm chiếm tỷ lệ khá cao, tuy nhiên hình thức xử phạt chủ yếu vẫn thiên về nhắc nhở, bất kể nhiều chủ tàu vi phạm liên tục. Tại Cảng cá Lạch Quèn, mức độ vi phạm thậm chí còn cao hơn…

Thành viên đoàn kiểm tra lo ngại, nếu địa phương không có phương án phù hợp sẽ dẫn đến tình trạng “nhờn luật” đối với ngư dân.

Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, năm 2021 đối diện với hàng loạt khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 nhưng nông nghiệp Nghệ An, từ trồng trọt, chăn nuôi đến lĩnh vực thủy sản đều đạt được những bước tiến đáng ghi nhận.

Nhắc đến khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định đây là nhiệm vụ trọng tâm, đề nghị địa phương lĩnh hội sâu sát ý kiến đánh giá của đoàn kiểm tra, qua đó nhìn nhận, nắm bắt tổng quan để có cái nhìn thực tế, xác định phải làm thật chứ không phải mang hình thức đối phó, tất cả vì quyền lợi của ngư dân, vì vị thế của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Chủ động quản lý an toàn dịch bệnh

So với cùng kỳ năm 2020, 10 tháng đầu năm 2021 tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh Nghệ An ước đạt 764.937 con, tăng 2,07%; tổng đàn lợn ước đạt 916.532 con, tăng 2,13%; tổng đàn gia cầm ước đạt gần 29.616 nghìn con, tăng 8,36%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 210.499 tấn, tăng 1,04%. Rõ ràng đây là tín hiệu vô cùng khả quan, nhất là đặt trong bối cảnh khó khăn bủa vây dồn dập.

Dù vậy diễn biến dịch bệnh là không thể xem nhẹ, đặc biệt là Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP). Lũy kế đến nay dịch bệnh đã xảy ra tại 6.691 hộ của 20 huyện, thành, thị. Tổng số lợn đã tiêu hủy lên đến 22.152 con. Đáng lo ngại hơn là từ đầu tháng 9 đến nay, DTLCP đang cho thấy dấu hiệu bùng phát mạnh trở lại.

Liên quan đến bệnh viêm da nổi cục (VDNC), toàn tỉnh Nghệ An ghi nhận 355 ổ dịch (7.219 hộ/1.487 xóm/353 xã) ở 21 huyện, thành phố, thị xã. Lũy kế số gia súc mắc bệnh là 9.748 con trâu, bò. Số gia súc chết là 2.423 con, trọng lượng tiêu hủy là 327.102 kg.

Trong khi đó, dịch bệnh thủy sản trong năm 2021 cơ bản được kiểm soát tốt. Bệnh chỉ xuất hiện tại 86 ao đầm, thuộc 4 huyện, thị (Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và Hoàng Mai) với tổng diện tích chỉ 32 ha…

Phân tích kỹ lưỡng các yếu tố, ngành nông nghiệp Nghệ An khuyến cáo, thời gian tới nguy cơ các dịch bệnh nguy hiểm có thể xảy ra và lây lan trên diện rộng rất cao, đặc biệt là DTLCP, VDNC, lở mồm long móng, cúm gia cầm…

Xuất phát từ thực tiễn, UBND tỉnh Nghệ An đề xuất, kiến nghị Bộ NN-PTNT một số nội dung trọng tâm: Phối hợp với Bộ Tài chính triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi, hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống dịch bệnh VDNC, DTLCP năm 2021; bổ sung chính sách hỗ trợ nguồn vacxin VDNC, hóa chất đặc hiệu diệt côn trùng (ruồi, muỗi, ve, mòng...).

V. Khánh

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.