| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản có môi trường sạch

Thứ Sáu 05/11/2021 , 08:12 (GMT+7)

Nghệ An xem bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng phát triển thủy sản. Kiểm soát tốt nguồn nước, chất thải vùng sản xuất tôm giống, nuôi tập trung, cơ sở chế biến.

Nâng cấp vùng nuôi là yếu tố tiên quyết để phát triển ngành nghề thủy sản theo hướng bền vững. Ảnh: Võ Dũng.

Nâng cấp vùng nuôi là yếu tố tiên quyết để phát triển ngành nghề thủy sản theo hướng bền vững. Ảnh: Võ Dũng.

Hạ tầng phải tương xứng với tiềm năng

Xây dựng các vùng nuôi theo quy chuẩn VietGAP không đơn thuần chỉ mở rộng quy mô, nâng tầm công suất mà còn tạo hiệu ứng thúc đẩy xuyên suốt, rõ nhất là giúp người nuôi tiếp cận và dần thuần thục với khái niệm “sản xuất sạch”. Trong guồng quay chung, mỗi yếu tố đều là một mắt xích quan trọng, từ hệ thống ao lắng, kênh cấp, kênh thoát đến quá trình xử lý nước thải, chất thải, tất cả bắt buộc phải có sự đầu tư, nâng cấp cơ bản nhằm đáp ứng yêu cầu an toàn sinh học trong giai đoạn mới, đặc biệt là khi áp dụng mô hình nuôi tôm nước lợ.

Chính vì thế, Nghệ An có bờ biển trải dài cùng hệ thống sông suối đa dạng, rất phù hợp cho phát triển ngành nghề nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ và cả nước ngọt là điều kiện rất thuận lợi cho phát triển thủy sản bền vững, có môi trường nuôi sạch. Khoảng 89.650 lao động thường xuyên và bán thời vụ tham gia lĩnh vực này cho thấy đây là nội dung thu hút được sự quan tâm đặc biệt.

Nhiều vùng nuôi tôm theo quy chuẩn VietGAP hình thành trên đất biển Nghệ An. Ảnh: Võ Dũng.

Nhiều vùng nuôi tôm theo quy chuẩn VietGAP hình thành trên đất biển Nghệ An. Ảnh: Võ Dũng.

Hiểu rõ tiềm năng, lợi thế trời ban, định hướng của Bộ NN-PTNT, Nghệ An đã chủ động tiếp cận các chương trình, kế hoạch để kịp thời triển khai các phương án mang tính cấp thiết, từng bước nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ngành nghề nuôi trồng thủy sản.

Điển hình là “Chương trình phát triển kinh tế thuỷ sản bền vững”, thông qua nội dung này có đến 4 Dự án đang được triển khai đầu tư, bao gồm: Dự án Xây dựng hệ thống cấp nước biển nuôi tôm công nghiệp theo quy chuẩn VietGAP tại xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu; Dự án sửa chữa, nâng cấp hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản Trịnh Môn, huyện Quỳnh Lưu, quy mô 170 ha; Dự án Nâng cấp, cải tạo hạ tầng khu nuôi trồng thủy sản thị xã Hoàng Mai; Dự án nâng cấp, cải tạo hạ tầng khu nuôi trồng thủy sản huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, quy mô 158 ha.

Chưa hết, nhờ sự hỗ trợ của “Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững” tỉnh cũng đã chủ động đầu tư, nâng cấp thêm 7 vùng nuôi tôm thâm canh an toàn sinh học tại Quỳnh Lộc, Quỳnh Xuân, Quỳnh Dị, Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, Quỳnh Thanh, Diễn Trung; 2 vùng đa dạng hóa tại xã Diễn Vạn (Diễn Châu) và xã Nghi Hợp (Nghi Lộc).

Ý thức, trách nhiệm của người tham gia nuôi trồng thủy sản ở Nghệ An chuyển biến rõ rệt. Ảnh: Võ Dũng.

Ý thức, trách nhiệm của người tham gia nuôi trồng thủy sản ở Nghệ An chuyển biến rõ rệt. Ảnh: Võ Dũng.

Sự nỗ lực của người nuôi là điều dễ thấy, dù vậy sẽ thật thiếu sót nếu phủ nhận tầm quan trọng của cấp ngành chuyên môn, đặc biệt là vai trò của Sở NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An.

Thực hiện Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định một số điều về thi hành Luật Thủy sản, Sở NN - PTNT Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị liên quan ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn cho các địa phương, tổ chức, cá nhân triển khai đăng ký NTTS lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực. Hiện nay đã tiếp nhận 351 hồ sơ đề nghị cấp Giấy xác nhận đăng ký, cơ bản đều đáp ứng theo quy định chung.

Giai đoạn 2021-2030, thủy sản Nghệ An xác định bảo vệ môi trường gắn với thích ứng biến đổi khí hậu là nhiệm vụ then chốt. Trên tinh thần đó sẽ tập trung vào các nội dung sau: Kiểm soát chặt chẽ nguồn nước thải, chất thải của các vùng sản xuất tôm giống, vùng nuôi tôm tập trung, cơ sở chế biến và các hoạt động sản xuất kinh tế khác; thường xuyên cảnh báo diễn biến ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan để người dân chủ động bố trí phương án; lồng ghép các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng vào các chương trình, dự án phát triển nuôi tôm tập trung để có giải pháp ứng phó hiệu quả…

Kiểm soát gắt gao

Thực hiện Quyết định 130/2008/QĐ-BNN ngày 30/12/2008 ban hành quy chế kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi; Thông tư số 31/2015/TT-BNNPTNT ngày 06/10/2015 của Bộ NN-PTNT quy định về giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thuỷ sản nuôi,  Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Nghệ An đã tiến hành lấy mẫu với nhiều tối đượng: Nước ương nuôi giống tôm, Cá rô phi và tôm nuôi thương phẩm, nguyên liệu thủy sản nuôi tại đại lý thu mua.

Kết quả phân tích cho thấy 505/508 mẫu có chỉ tiêu đều đảm bảo yêu cầu, chỉ 3 mẫu phát hiện nhiễm dư lượng kháng sinh cấm Chhloramphenicol (Năm 2012 phát hiện 2 mẫu nước ương tôm giống nhiễm dư lượng Chloramphenicol, năm 2014 phát hiện 1 mẫu tôm nuôi nhiễm dư kháng sinh cấm Chloramphenicol), sau khi có kết quả kiểm tra các mẫu này đã được xử lý tức thì.

Kiểm tra chất lượng đầu vào được triển khai quyết liệt, thu được nhiều kết quả tích cực. Ảnh: Võ Dũng.

Kiểm tra chất lượng đầu vào được triển khai quyết liệt, thu được nhiều kết quả tích cực. Ảnh: Võ Dũng.

Song song với việc lấy mẫu kiểm tra, công tác tuyên truyền, hướng dẫn các quy định nhà nước đến các tổ chức, cá nhân liên quan thực sự mang lại hiệu quả rõ rệt, ý thức, trách nhiệm của người dân ngày càng được nâng cao. Chẳng ngẫu nhiên, xuyên suốt từ năm 2014 đến nay qua lấy mẫu không phát hiện dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thuỷ sản.

“Để quản lý hoạt động kinh doanh các mặt hàng liên quan đến nuôi trồng thủy sản, các đơn vị trong ngành đã thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, qua đó khuyến cáo cho người nuôi lựa chọn các sản phẩm chất lượng đảm bảo, rõ ràng nguồn gốc, nhất là sản phẩm được nuôi từ vùng có môi trường sạch”, ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An khẳng định.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.