Cuối tháng 1/2021, TP Hạ Long sau đó là cả huyện Vân Đồn và TX Đông Triều xác nhận có nhiều ca nhiễm Covid-19. Đáng nói, những địa phương này đều là khu vực trọng điểm trong trồng trọt, nuôi trồng, tiêu thụ và sản xuất các sản phẩm nông nghiệp lớn trong tỉnh Quảng Ninh.
Những tưởng rằng, các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh sẽ "thất bại" hoàn toàn trước đại dịch, nhưng bằng sự quyết tâm cao độ, ngành nông nghiệp đã kịp thời tham mưu, đưa ra quyết sách mau lẹ, ứng phó kịp thời với bài toán tiêu thụ nông sản chỉ với quy mô nội tỉnh.
Trong tâm dịch TX Đông Triều, nhận ra việc cần thiết trong tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân, nhất là ở các địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 17 tấn khoai tây của nông dân xã Bình Dương đã được kết nối tiêu thụ thành công. Khoai tây vừa đúng vụ thu hoạch của nông dân được chuyển đến các đơn vị ngành than trên địa bàn.
Hay tại vựa nhuyễn thể Vân Đồn, các cấp các ngành trong tỉnh Quảng Ninh cũng đã linh động hỗ trợ bà con ngư dân vận chuyển tối đa các sản phẩm thủy, hải sản ra khỏi khu vực phong tỏa đến các đơn vị, doanh nghiệp chung tay hỗ trợ tiêu thụ. Cùng với đó là "lá thư kêu gọi" của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, mong muốn người dân địa phương ưu tiên sử dụng sản phẩm nông, thủy sản Quảng Ninh phần nào hạn chế tình trạng ép giá, ách tác đầu ra.
"Khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, chúng tôi đã rà soát tất cả các mặt hàng nông nghiệp trên toàn tỉnh, với vai trò là cầu nối, liên lạc và trao đổi thông tin để từ đó có phương án tư vấn cho chính quyền, hỗ trợ nhóm sản phẩm nông nghiệp cần được tiêu thụ ngay như nhuyễn thể, cá song, các sản phẩm hoa, quả... Đối với nhóm hàng nông sản khác đã được kết nối với các doanh nghiệp bảo quản có hỗ trợ chi phí, giúp tăng tuổi thọ của nông sản" ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.
Trên đây là số ít những công việc cụ thể mà Quảng Ninh đã làm hiệu quả, cộng thêm sự quan tâm đúng mức, có trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành. Bất chấp dịch bệnh Covid-19 "điên cuồng" hoành hành đất mỏ, quý I/2021, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt 3,5% (đạt 100% kịch bản tăng trưởng). Trong đó có nhiều chỉ tiêu có mức tăng trưởng cao so với kịch bản như: Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 27.000 tấn (tăng 10% so với kịch bản); khai thác gỗ rừng trồng đạt 153.000m3 (tăng 75% so với kịch bản); diện tích rừng trồng sản xuất đạt gần 3.200ha (tăng 4,1% so với kịch bản); sản lượng thủy sản đạt trên 33.000 tấn (tăng 2,4% so với kịch bản)…
Đồng thời, công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, chống rét cho gia súc, gia cầm được các địa phương vào cuộc tích cực, không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra. Công tác trồng rừng được triển khai quyết liệt, không để xảy ra cháy rừng trong mùa hanh khô. Lĩnh vực thủy sản phát triển bền vững, các địa phương đã tập trung phát triển các đối tượng chủ lực có lợi thế.
Theo ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, trong thời gian tới, cụ thể là Quý II/2021, các địa phương trong tỉnh sẽ ưu tiên phòng, chống dịch bệnh trong gia súc, gia cầm. Đồng thời, đôn đốc người dân sản xuất đảm bảo đúng khung thời vụ, tránh tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp; quan tâm đến công tác tái đàn lợn, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh; đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tránh dư thừa sản phẩm dẫn đến tồn đọng, không tiêu thụ được; nghiên cứu phát triển các sản phẩm có tính chất liên vùng; xây dựng các phương án phòng, chống thiên tai, rà soát các công trình thủy lơị; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thu hút doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp…
"Đưa ra các phương pháp cụ thể đối với từng địa bàn nông nghiệp trọng yếu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp trong năm 2021. Tập trung triển khai thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản; việc tái đàn lợn ở các cơ sở chăn nuôi, hộ nông dân và trang trại nhỏ; xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm…" ông Công nói rõ.
Quý I/2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Quảng Ninh đạt 9,02%, cao gấp hơn 2 lần so với bình quân của cả nước, đứng thứ 2 trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, chỉ sau TP Hải Phòng.
Cả 3 khu vực kinh tế đều có sự tăng trưởng, trong đó động lực tăng trưởng chính của quý I là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 35,6%, cao hơn 20,8% so với tốc độ tăng quý I/2020 (cùng kỳ 14,81%) và cao hơn 14,42% so với kịch bản tăng trưởng quý I/2021 (21,2%), kéo theo khu vực công nghiệp có mức tăng trưởng cao nhất (tăng 8,73%), vượt 1,03% so với kịch bản. Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng ổn định.