| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp tăng trưởng trong thách thức lịch sử

Thứ Hai 29/06/2020 , 23:21 (GMT+7)

Đối mặt với thách thức lịch sử do dịch bệnh Covid-19 và nhiều loại hình thiên tai, 6 tháng đầu năm 2020, nông nghiệp vẫn giữ được tăng trưởng GDP đạt 1,19%.

Dấu ấn thắng lợi sản xuất lúa

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sang quý II/2020, ngành nông nghiệp đã lấy lại tốc độ tăng trưởng, với giá trị sản xuất quý II toàn ngành tăng 2,19%, trong đó chăn nuôi tăng trưởng mạnh nhất và đạt 6,82%, thủy sản tăng 1,8%, trồng trọt tăng 0,97%, lâm nghiệp tăng 0,76%. 

Thắng lợi về sản xuất lúa cả nước trong vụ đông xuân 2020 đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng chung của toàn ngành nông nghiệp trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thắng lợi về sản xuất lúa cả nước trong vụ đông xuân 2020 đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng chung của toàn ngành nông nghiệp trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù đối mặt với khó khăn, thách thức lịch sử do dịch bệnh Covid-19 và nhiều loại hình thiên tai, tuy nhiên giá trị sản xuất toàn ngành vẫn tăng 1,19% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, nông nghiệp tăng 0,78% (trồng trọt tăng 0,63%, chăn nuôi “thoát âm” và tăng 1,05%), lâm nghiệp tăng 2,16%, thủy sản tăng 2,21%.

Ngày 29/6), Tổng cục Thống kê đã công bố kết quả tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2020. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2020 ước tính tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020.

Thắng lợi về sản xuất lúa vụ đông xuân trên cả nước đã đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Đến nay, cả nước đã gieo cấy được 4,7 triệu ha lúa, sản lượng ước đạt 22,4 triệu tấn, tăng 0,2 triệu tấn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu.

Trong đó, đã thu hoạch xong vụ đông xuân với diện tích gieo trồng 3,02 triệu ha, năng suất 65,8 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha, sản lượng đạt 19,9 triệu tấn. Đồng thời, các địa phương hiện đã gieo cấy trên 1,7 triệu ha lúa hè thu, đã thu hoạch hơn 400 ngàn ha lúa hè thu với năng suất ước tăng 2,1 - 2,5 tạ/ha, sản lượng ước đạt 2,5 triệu tấn lúa.

Ngoài ra, sản xuất các loại cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả cũng đều giữ được đà tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2019.

Về lĩnh vực chăn nuôi, đàn bò phát triển khá với mức tăng 3,4%. Đàn lợn dần được khôi phục nhưng việc tái đàn còn chậm, giá lợn giống ở mức cao khiến các hộ có nguồn vốn hạn hẹp chưa thể khôi phục sản xuất, các hộ có đủ điều kiện lại thận trọng tái đàn do tâm lý lo ngại dịch quay trở lại. Ước tính, tổng số lợn của cả nước tháng 6/2020 giảm 7,5% so với cùng thời điểm năm 2019.

Trong khi đó, tổng đàn và sản lượng gia cầm tiếp tục tăng do khu vực hộ mở rộng quy mô chăn nuôi và khu vực doanh nghiệp phát triển tốt. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tháng 6/2020 tăng 7,4% so với cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 6 tháng đạt 702,1 nghìn tấn, tăng 12,3%; sản lượng trứng gia cầm đạt 7,2 tỷ quả, tăng 11%. 

Tính đến ngày 25/6/2020, cả nước không còn dịch cúm gia cầm và dịch tai xanh; dịch lở mồm long móng chỉ còn xảy ra lẻ tẻ, được kiểm soát tốt.

Về thủy sản, tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm nay ước tính đạt 3.864 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng 6 tháng đạt 1.977,1 nghìn tấn, tăng 1,8% (cá 15,8 nghìn tấn, tăng 0,2%; tôm 347,3 nghìn tấn, tăng 5,5%; thủy sản khác đạt 214 nghìn tấn, tăng 7,4%).

Lâm nghiệp vẫn giữ được tốc độ phát triển với diện tích rừng trồng mới tập trung 6 tháng ước tính đạt 106,3 nghìn ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ; sản lượng gỗ khai thác đạt 7.526 nghìn m3, tăng 2%.

Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho biết bệnh chết khô của cây keo đang hiện diện ở Việt Nam. Tại Indonesia, khoảng 1 triệu ha rừng keo đã bị chết vì bệnh này. Và một số tỉnh của Việt Nam cũng đã phát hiện, nhất là tỉnh Tuyên Quang. Do đó, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam chủ trì đề tài nghiên cứu này. Thứ trưởng cũng chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp và Cục Bảo vệ Thực vật sớm vào cuộc nghiên cứu phòng chống trong thời gian tới, bởi nếu dịch bệnh này xảy ra, chỉ cần 500.000 ha rừng keo bị chết thôi thì ngành lâm nghiệp sẽ thiệt hại nặng nề.

Quyết tâm xuất khẩu đạt 41 tỉ USD

Theo Bộ NN-PTNT, 6 tháng đầu năm 2020, hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản (NLTS) đã chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS 6 tháng đầu năm ước đạt 18,81 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, nhóm hàng nông sản chính ước đạt 8,94 tỷ USD, giảm 2,7%; các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 190 triệu USD, giảm 19,4%; thủy sản ước đạt 3,56 tỷ USD, giảm 8,6%; lâm sản chính ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 2,7%.

Mặc dù tổng kim ngạch NLTS 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên, một số mặt hàng vẫn giữ được đà tăng trưởng như: Cà phê đạt 1,6 tỷ USD, tăng 1,2%; gạo đạt 1,7 tỷ USD, tăng 17,9%; rau đạt 384 triệu USD, tăng 19,5%; sắn và sản phẩm từ sắn đạt 470 triệu USD, tăng 2,1%; quế đạt 80 triệu USD, tăng 8,0%; sản phẩm mây, tre, cói 247 triệu USD, tăng 9,4%.

Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm trong nửa đầu năm 2020 gồm: Cao su đạt 612 triệu USD (giảm 27,2%), chè đạt 90 triệu USD (giảm 8,1%), hồ tiêu đạt 358 triệu USD (giảm 20,7%), cá tra đạt 787 triệu USD (giảm 14,6%), tôm đạt 1,57 tỷ USD (giảm 11,0%).

Về thị trường xuất khẩu: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc là bốn thị trường nhập khẩu NLTS lớn nhất của Việt Nam, với thị phần chiếm lần lượt là 24,2% (giá trị giảm 11,9%); 21,9% ( tăng 5,7%); 8,8% giảm 0,7%) và 6,1% (tăng 2,4%).

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu NLTS 6 tháng đầu năm 2020 giảm, tuy nhiên cả năm 2020, Bộ NN-PTNT vẫn quyết tâm đạt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS khoảng 41 tỷ USD, trong đó, tập trung các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm như: Nông sản chính 20 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ 11 tỷ USD; thủy sản 9 tỷ USD; các mặt hàng khác khoảng 1 tỷ USD.

Không thay đổi các chỉ tiêu đã đề ra

Tại cuộc họp sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2020 của Bộ NN-PTNT ngày 29/6, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Nửa đầu năm 2020, ngành nông nghiệp đã đối mặt với những thách thức lịch sử, không chỉ có dịch bệnh Covid-19 mà còn nhiều loại hình thiên tai cực đoan.

Bộ NN-PTNT quyết tâm giữ các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành trong năm 2020 mặc dù còn nhiều thách thức, khó khăn từ nay đến cuối năm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bộ NN-PTNT quyết tâm giữ các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành trong năm 2020 mặc dù còn nhiều thách thức, khó khăn từ nay đến cuối năm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong bối cảnh đó, toàn ngành đã luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo hỗ trợ, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, nhất là ưu tiên giành nguồn lực trên nhiều vấn đề lớn của ngành. Bên cạnh đó là sự vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân cả nước.

Kết quả nửa đầu năm 2020, Bộ trưởng đánh giá toàn ngành vẫn hoàn thành được căn bản các mục tiêu đề ra. Bộ trưởng khẳng định Bộ NN-PTNT vẫn sẽ giữ nguyên các chỉ tiêu tăng trưởng của cả năm 2020 như đã đặt ra, đồng thời tin tưởng và kỳ vọng toàn ngành sẽ có những chuyển biến tích cực từ nay đến cuối năm.

Với xuất khẩu, mặc dù kim ngạch giảm 3,4% trong nửa đầu năm 2020, tuy nhiên với sự tác động làm đứt gãy hầu hết các hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản do dịch bệnh Covid-19, Bộ trưởng cho rằng đây vẫn là thành công, nhất là hoạt động khôi phục xuất khẩu đang diễn ra thuận lợi, đồng thời đang phát triển và định dạng lại thị trường nội địa...

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhận diện từ nay đến cuối năm, toàn ngành sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức, nhất là dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, khó lường, tiêu cực hỗn loạn. Nhất là các quốc gia lớn như Trung Quốc đã tiếp tục siết chặt kiểm soát dịch bệnh trở lại, Ấn Độ đang ảnh hưởng nặng nề... Từ nay đến cuối năm, sẽ là khoảng thời gian của mùa thiên tai, mưa bão. Nhiều dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi.

Trước những thách thức đó, Bộ trưởng đề nghị toàn ngành phải lấy tinh thần thách thức một thì quyết tâm phải cao hơn hai ba lần, linh hoạt thích ứng, liên tục bám sát tình hình sản xuất và thị trường để có giải pháp đồng bộ ứng phó trước những biến động bất thường.

Về một số vấn đề cụ thể, Bộ trưởng đề nghị đối với vụ hè thu tại các tỉnh Trung Bộ cần kiểm tra rà soát, kịp thời chuyển đổi từ lúa sang cây trồng khác nếu việc gieo cấy gặp khó khăn, đồng thời kiểm tra năng lực cung cấp nước của các hệ thống thủy lợi để sử dụng phù hợp theo các thứ tự ưu tiên.

Với vụ thu đông tại ĐBSCL, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết chủ trương sẽ đẩy mạnh sản xuất, có thể đẩy lên mức 800 nghìn ha, tuy nhiên phải chủ động, ăn chắc và an toàn tuyệt đối nguy cơ lũ, cầm trịch được giá và thị trường tiêu thụ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị khó khăn một thì toàn ngành phải nỗ lực gấp đôi nhằm hoàn thành các mục tiêu của ngành trong năm 2020. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị khó khăn một thì toàn ngành phải nỗ lực gấp đôi nhằm hoàn thành các mục tiêu của ngành trong năm 2020. Ảnh: Tùng Đinh.

Đối với vụ đông ở các tỉnh phía Bắc, đây là năm có thể chớp thời cơ để đẩy mạnh sản xuất, bởi còn nhiều dư địa tăng trưởng, tuy nhiên cần chuẩn bị kịch bản rõ ràng, có phương án liên kết sản xuất, đầu ra cho sản phẩm, lựa chọn đối tượng cây trồng phù hợp nhằm tránh dư thừa, ách tắc trong tiêu thụ, phải “giải cứu” như một số trường hợp trước đây.

Về lĩnh vực chăn nuôi, Bộ trưởng đặc biệt lưu ý hiện đàn gia cầm cả nước đang rất lớn, tăng trưởng nhanh, bên cạnh đó các đối tượng đại gia súc như trâu bò cũng đang tăng mạnh. Đàn lợn cả nước cũng đang tái đàn, tăng đàn nhanh... Vì vậy, phải đàm bảo không để xẩy ra dịch bệnh.

Trước thềm mùa mưa bão, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương tổng rà soát lại hệ thống đê điều, các điểm thẩm lậu, sạt lở, các hồ chứa có nguy cơ cao, bởi thời gian qua, đã xảy ra một số sự cố về đê điều, hồ đập, mặc dù chưa xảy ra mưa lũ.

Tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu lợn sống

Đánh giá cao hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là đã khống chế được dịch tả lợn Châu Phi, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị trong các tháng cuối năm, các đơn vị liên quan cần tập trung cao nhất nhằm không để các dịch bệnh xảy ra trên vật nuôi, thủy sản. Bên cạnh đó, cần tiếp tục các giải pháp nhằm đáp ứng nguồn cung thịt lợn bằng việc đẩy mạnh tái đàn và nhập khẩu thịt lợn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu lợn sống nhằm góp phần bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong nước thời gian tới. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu lợn sống nhằm góp phần bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong nước thời gian tới. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu cả lợn giống và lợn thịt để giết mổ. Việc nhập khẩu lợn giống không chỉ đáp ứng cho nhu cầu tái đàn, mà còn phục vụ cho chiến lược chăn nuôi dài hạn giai đoạn 2021-2025. Đối với nguồn lợn sống để giết mổ, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết trong thời gian tới, lượng lợn thịt được nhập khẩu từ Thái Lan sẽ tiếp tục được tăng cường thêm nhiều doanh nghiệp, với số lượng lợn thịt đã được đăng ký nhập khẩu lên đến khoảng 4 triệu con. Đến thời điểm này, cả nước đã nhập khẩu được trên 81 nghìn tấn thịt lợn, và sẽ cố gắng sớm nhập khẩu đủ số lượng thịt lợn 100 nghìn tấn trong thời gian tới theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Với công tác tái đàn, sẽ tiếp tục đẩy mạnh các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, qua đó góp phần chủ động phòng bệnh, đặc biệt là tạo điều kiện tái đàn, tăng đàn ở các bộ phận chăn nuôi trang trại, nông hộ.

Đối với lĩnh vực thủy sản, tập trung giải quyết các tồn tại nhằm gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản sẽ là nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2020. Bên cạnh đó, cần tập trung cho việc khai thác thị trường tiêu thụ thủy sản trong nước, đặc biệt là các sản phẩm cá tra nhằm giảm áp lực trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó

Rau quả kịp thời dịch chuyển

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, rau quả là mặt hàng nhiều năm qua tăng đều về kim ngạch xuất khẩu, tuy nhiên từ đầu năm đến nay, đã ghi nhận sự tụt giảm, trong đó chủ yếu giảm ở thị trường Trung Quốc do hoạt động xuất khẩu bị ngưng trệ bởi dịch Covid-19.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là mặc dù trong điều kiện dịch Covid-19, xuất khẩu rau quả ở các thị trường khác đều tăng. Cụ thể 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu trái cây sang Mỹ tăng 6,2%, Nhật Bản tăng hơn 15,8%, Hàn Quốc tăng 22,1%, Nga tăng 36%, ngoài ra xuất khẩu trái cây sang một số nước trong khu vực như Thái Lan, Lào... cũng tăng khá. Đặc biệt, các doanh nghiệp rau quả chế biến (tiêu biểu như DOVECO, Nafoods...) cũng đều giữ được đà tăng trưởng và không bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh Covid-19.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, ngoài thị trường Trung Quốc bị giảm mạnh, xuất khẩu rau quả vẫn tăng mạnh tại các thị trường khác. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, ngoài thị trường Trung Quốc bị giảm mạnh, xuất khẩu rau quả vẫn tăng mạnh tại các thị trường khác. Ảnh: Tùng Đinh.

Điều này thể hiện các doanh nghiệp đã linh hoạt chuyển hướng thị trường khi việc xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn, đồng thời ngày càng đa dạng thị trường chứ không tập trung vào thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù kim ngạch xuất khẩu rau quả giảm, nhưng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này cũng giảm sâu tới trên 41%. Điều này cho thấy người tiêu dùng cũng chuyển mạnh sang tiêu thụ sản phẩm nội địa.

Về những công tác trọng tâm từ nay đến cuối năm, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý: Đối với lúa hè thu, hiện vẫn còn một số diện tích chưa thu hoạch xong, cần hết sức thận trọng với dịch bệnh cuối vụ nhằm đảm bảo thắng lợi. Đối với vụ thu đông, tinh thần sẽ thúc đẩy, mở rộng diện tích lên khoảng 800 nghìn ha, nhưng phải đảm bảo thắng lợi, chắc ăn, đặc biệt cần đẩy sớm thời vụ gieo giống nhằm tránh lũ cuối vụ, đồng thời đảm bảo được việc lấy lũ vào đồng ruộng nhằm duy trì nguồn lợi thủy sản và bồi đắp phù sa cho đồng ruộng.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, vụ hè thu năm 2020 có tổng diện tích khoảng 1,7 triệu ha, hiện tại đã thu hoạch khoảng trên 400.000ha. Hơn 2 tuần nữa sẽ bước vào kỳ thu hoạch rộ vụ hè thu, tuy nhiên khu vực phía Nam hiện nay mưa rất nhiều. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã trao đổi với Hiệp hội Lương thực và các doanh nghiệp phía Nam về tình hình tiêu thụ lúa gạo.

“Các doanh nghiệp gần như không có hợp đồng xuất khẩu lúa gạo mới với đối tác nước ngoài. Một số nước cũng đã hủy đấu giá các lô hàng mới nên khả năng vấn đề tiêu thụ lúa gạo sẽ khó khăn. Nếu không đưa ra được giải pháp hiệu quả, thì có thể sẽ dẫn đến tình trạng ùn ứ và rớt giá”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ.

Đảm bảo tuyệt đối an toàn hồ đập mùa mưa bão

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2020 của Bộ NN-PTNT ngày 29/6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, cho biết: Mùa mưa bão năm 2020 dự báo sẽ có khoảng 13-14 cơn bão vào Biển Đông, trong đó có thể có từ 5-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, và sẽ tập trung chủ yếu vào khu vực Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

Trong khi đó, miền Bắc sẽ có nguy cơ đối mặt với mưa to cục bộ. Đây sẽ là nguy cơ rất lớn. Đối với khu vực các tỉnh Tây Nguyên, mùa mưa lũ năm nay cũng có nguy cơ đối mặt với lũ lớn, với mức báo động cấp 3. Với các tỉnh ĐBSCL, dự báo mùa lũ năm nay lũ sẽ thấp, đến chậm, nhiều khả năng cuối tháng 9 mới xuất hiện đỉnh lũ ở mức báo động 1, báo động 2.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu tổng rà soát, xử lí nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các hồ đập có nguy cơ trước mùa mưa bão. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu tổng rà soát, xử lí nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các hồ đập có nguy cơ trước mùa mưa bão. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng cảnh báo trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra cực đoan và bất thường, cần có phương án nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong mùa mưa bão 2020. Theo đó, đối với 16 hồ chứa đang trong quá trình thi công, phải vượt lũ, cần phải dứt khoát đảm bảo an toàn.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng lo ngại khi năm nay, dù chưa đến mùa mưa lũ nhưng đã có 2 sự cố vỡ đập, vì vậy thời gian tới, Tổng cục Thủy lợi cần phải hết sức sát sao, rà soát kỹ các hồ chứa, điểm xung yếu của các công trình thủy lợi có nguy cơ cao để có phương án xử lí, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão 2020. Hiện nay, cả nước đang có tới 1.200 hồ chứa thuộc diện không an toàn, trong đó có 200 hồ chứa có nguy cơ đặc biệt nguy hiểm.

Về vấn đề vận hành các công trình thủy lợi, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các đơn vị cần phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thêm trong thời gian tới nhằm phát huy hiệu quả trong vận hành của các công trình thủy lợi. Ví dụ: Hệ thống đê bao tháng 8 tại ĐBSCL, nếu hoàn thiện, củng cố tốt thì có thể tăng lập tức thêm được khoảng 250 nghìn ha cho vụ thu đông. Hoặc vùng thủy lợi ĐBSH, nếu có hệ thống kênh lấy nước, trạm bơm chủ động thì không còn phải phụ thuộc vào việc Thủy điện Hòa Bình phải xả nước nữa…

Từ nay đến cuối năm 2020, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các đơn vị liên quan phải sớm hoàn thiện các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các nghị định, văn bản thi hành luật, chiến lược, đề án… về thủy lợi và phòng chống thiên tai.

Đồng thời, cần tập trung cao độ cho việc giải ngân các nguồn vốn đầu tư về thủy lợi và phòng chống thiên tai. Bởi hiện nay, nhất là giải ngân cho vốn ODA còn gặp nhiều khó khăn, tiến độ chậm do nguồn vốn được giao lớn, quy trình thủ tục giải ngân khó khăn… Bên cạnh đó, cần khẩn trương sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp trong ngành thủy lợi, nhất là hệ thống các doanh nghiệp

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng cho biết thời thời gian tới, Quốc hội sẽ có đoàn giám sát về an ninh nguồn nước, theo đó sẽ cố gắng có nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề an ninh nguồn nước, đây sẽ là điều kiện tốt cho ngành thủy lợi và phòng chống thiên tai…

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất