Tại Hội nghị tổng kết phát triển sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2022 mới đây, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao toàn ngành đã có nhiều nỗ lực trong năm 2022. Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của kinh tế Đồng Tháp, nhất là thủy sản trở thành ngành xuất khẩu tỷ đô. Trong thời gian qua, nông nghiệp cũng đã tạo ra dấu ấn lớn, trong đó thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung nhiều mô hình sản xuất giảm giá thành, liên kết và hợp tác, rút được lao động nông thôn để chuyển sang lĩnh vực khác.
Về xây dựng nông thôn mới, có 109/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập của người dân ngày càng tăng lên, số hộ nghèo giảm. Số sản phẩm OCOP tăng mạnh, tạo được sự lan tỏa phong trào khởi nghiệp trong nhân dân.
Bên cạnh kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị ngành nông nghiệp khắc phục những hạn chế, điểm nghẽn của ngành, đồng thời tập trung thực hiện các nhiệm vụ năm 2023 để đạt mục tiêu tăng trưởng 3,7%. Thực hiện định hướng của tỉnh về “xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh”.
Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; xây dựng thêm mã vùng trồng, tăng diện tích liên kết sản xuất với doanh nghiệp (lúa gạo, thủy sản, trái cây), gắn với chế biến tinh để nâng cao giá trị. Tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho nông dân, khuyến khích hình thành các mô hình sản xuất quy mô lớn để phát triển trang trại, gắn với du lịch nông nghiệp. “Kinh tế xanh, chuyển đổi số” là 2 nội dung trọng tâm năm 2023 của tỉnh, ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh, ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng để đưa ngành nông nghiệp toàn tỉnh phát triển mạnh và bền vững.
Năm 2022, hoạt động sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục phục hồi, và tăng trưởng khá. Theo đó, ước giá trị sản xuất toàn ngành đạt 47.320 tỷ đồng, tăng 1.742 tỷ đồng, ước giá trị tăng thêm toàn ngành đạt 20.520 tỷ đồng. Ngành đã chủ động triển khai xác lập mã số vùng trồng tạo tiền đề cho nông sản, thủy sản của Đồng Tháp vươn ra thị trường thế giới. Theo đó, có 668 vùng trồng mới, với diện tích hơn 54.320 ha được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.
Công tác truy xuất nguồn gốc nông sản gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị được chú trọng thực hiện, mở rộng diện tích áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc trên cây ăn trái thêm 61ha, trên lúa gạo thêm 90ha và trên các loại cây trồng khác thêm 3ha.
Trong xây dựng nông thôn mới, có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, lũy kế có 109/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 94,78% và tạo tiền đề phấn đấu trong năm 2023 cơ bản 115/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới.