Theo đó quyết tâm trở nên tự cường và giải quyết các thách thức về an ninh lương thực của Bắc Kinh có thể khiến Mỹ, với tư cách là nhà sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới rơi vào tình thế khó khăn. Báo cáo do Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung (USCC) công bố cho thấy, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp không chỉ gây ra thách thức kinh tế mà còn là mối đe dọa đối với an ninh của Mỹ.
Cụ thể là việc Trung Quốc không đảm bảo đủ sản lượng lương thực để nuôi dân số, có nghĩa là họ đã và sẽ tìm đến các quốc gia như Mỹ để thâu tóm đất nông nghiệp, vật nuôi, trang thiết bị và tài sản trí tuệ - trong một số trường hợp thông qua con đường bất hợp pháp.
Báo cáo đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách thống trị ngành công nghiệp hạt giống biến đổi gen, khu vực được cho là có tiềm năng thu được lợi nhuận lớn về kinh tế. Việc tăng cường các kho dự trữ hạt giống của Bắc Kinh không chỉ giảm bớt sự phụ thuộc vào các quốc gia như Mỹ, mà còn có thể khiến nước này trở thành một đối thủ cạnh tranh lớn trên thị trường toàn cầu.
Theo thống kê của USCC, Mỹ đã xuất khẩu hạt giống trị giá 1,62 tỷ USD, chủ yếu là rau, ngô, đậu nành và cỏ vào năm 2020. Đến năm 2021, doanh số 173,9 triệu USD hạt giống xuất khẩu của Mỹ đã được bán riêng cho thị trường Trung Quốc, chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Vài năm qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ đạo ngành nông nghiệp trong nước mở rộng việc thu mua hạt giống vì muốn Bắc Kinh cắt giảm sự phụ thuộc vào các nguồn lực nước ngoài.
Theo tờ Fox News, thay vì nỗ lực phát triển và nghiên cứu đổi mới hạt giống trong nước, gián điệp đã trở thành một công cụ chính của ngành nông nghiệp nước này.
Báo cáo cho biết: “Hoạt động gián điệp nông nghiệp đã trở thành một cách thuận tiện để Trung Quốc cải thiện sản lượng nông nghiệp và trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu. Hành vi trộm cắp IP nông nghiệp có thể cho phép các doanh nghiệp nông nghiệp Trung Quốc hạ gục các đối thủ cạnh tranh của Mỹ trên thị trường hạt giống quốc tế".
Nhưng bên ngoài những rắc rối kinh tế mà Bắc Kinh có thể gây ra cho Mỹ, vấn đề còn là một mối đe dọa đáng ngại hơn đối với sản xuất lương thực của Mỹ. Hạt giống biến đổi gen giúp tránh được thực tế khó lường mà ngành nông nghiệp phải đối mặt, bằng cách giảm thiểu nguy cơ hạn hán và dịch bệnh.
"Điểm yếu của hạt giống biến đổi gen là khả năng biến đổi gen giới hạn của chúng. Do đó, virus hoặc nấm được thiết kế để giết cây biến đổi gen có thể xóa sổ toàn bộ cây trồng không biến đổi gen để giảm thiểu thiệt hại", báo cáo cho biết.
Hạ nghị sĩ Glenn Thompson cho rằng "an ninh lương thực chính là an ninh quốc gia" và cho biết báo cáo của USCC cho thấy Mỹ cần phải có những lập trường cứng rắn hơn để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình và ngành nông nghiệp.
“Các nhà sản xuất của chúng tôi đã cố gắng hết sức để đảm bảo cung cấp nguồn cung thực phẩm an toàn nhất và điều đó không thể bị đe dọa. Đã đến lúc cần củng cố các chuỗi cung ứng bị đứt gãy và đảm bảo các nhà sản xuất Mỹ có quyền tiếp cận các thị trường tự do và công bằng để giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay", ông Thomson nói.
USCC khuyến nghị cộng đồng tình báo hãy phối hợp với Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) để phát triển và bảo vệ ngành nông nghiệp Mỹ trước các đối thủ nước ngoài như Trung Quốc.