| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp Mỹ trong thế 'lưỡng nan' vì thương chiến

Chủ Nhật 23/01/2022 , 15:09 (GMT+7)

Mặc dù Trung Quốc đã mua một lượng nông sản kỷ lục của Mỹ trong hai năm qua nhưng Washington cho là 'vẫn chưa đủ theo thỏa thuận giai đoạn một' của thương chiến.

Trong hai năm qua, Trung Quốc đẩy mạnh thu mua ngô từ Mỹ để phục vụ nhu cầu tiêu thụ, trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung trong nước. Ảnh: Getty

Trong hai năm qua, Trung Quốc đẩy mạnh thu mua ngô từ Mỹ để phục vụ nhu cầu tiêu thụ, trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung trong nước. Ảnh: Getty

Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack cho biết, căn cứ theo thỏa thuận giai đoạn một thì rõ ràng là có một số điều khoản mua bán chưa hoàn thành, đứt đoạn.

Tuyên bố của người đứng đầu ngành nông nghiệp xứ cờ hoa tại cuộc gặp gỡ với các nhà lập pháp đúng một ngày sau khi Tổng thống Joe Biden vạch ra những điểm thiếu hụt của Bắc Kinh liên quan đến thỏa thuận của cuộc thương chiến để lại từ người tiền nhiệm Donald Trump.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc ép Trung Quốc tăng khối lượng mua hàng nông sản Mỹ”, ông Vilsack cho biết tại phiên điều trần của Ủy ban Nông nghiệp Hạ viện. “Họ vẫn còn đang thiếu hụt 13 tỷ USD chưa hoàn tất việc mua hàng và ngoài ra còn bảy lĩnh vực chính mà họ vẫn chưa thực hiện, bao gồm chấp thuận công nghệ sinh học, mua sản phẩm ngũ cốc chưng cất, thực thi thuế đối với ethanol, và nhiều loại mặt hàng khác...”, theo ông Vilsack.

Theo thỏa thuận giai đoạn một của thương chiến Mỹ-Trung, Bắc Kinh đồng ý tăng khối lượng mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ thêm 200 tỷ USD trong hai năm 2020 và 2021. Thỏa thuận này, ngụ ý tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản, thực phẩm và thủy sản của Mỹ sang Trung Quốc là 80 tỷ USD trong hai năm. Tuy nhiên đến nay Bắc Kinh đã triển khai chậm trễ hàng tỷ USD so với thỏa thuận, dù đã bước vào những tháng cuối cùng.

Các nguồn tin thân cận cho hay, vào cuối năm ngoái chính quyền Mỹ đã công bố "tầm nhìn chiến lược để điều chỉnh các chính sách thương mại đối với Trung Quốc", bao gồm thúc đẩy Bắc Kinh thực hiện đúng các cam kết giai đoạn một.

Đại diện thương mại Mỹ  Katherine Tai cho biết, các bước đi tiếp theo sẽ bao gồm việc nêu ra “những quan ngại nghiêm trọng về các chính sách thương mại lấy nhà nước làm trung tâm và phi thị trường của Trung Quốc đã không được giải quyết trong thỏa thuận giai đoạn một”. Chính quyền ông Joe Biden tuyên bố sẽ tạo ra một “quy trình miễn trừ thuế quan có mục tiêu” cho các công ty đang đối diện khó khăn về tài chính nhưng lại cần nguyên liệu đến từ Trung Quốc cho việc sản xuất các sản phẩm của họ.

Khi được báo chí truy hỏi liệu đã đến lúc Mỹ bắt đầu dỡ bỏ thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, theo đề xuất của một số nhóm kinh doanh hay chưa? Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng chỉ trả lời lấp lửng: “Chúng tôi đã nắm rõ điều đó, và đó là lý do tại sao đại diện thương mại của tôi vẫn đang làm việc đó ngay trong lúc này. Và câu trả lời vẫn còn ở phía trước vì chưa có gì đảm bảo”.

“Tôi cũng muốn ở vào một vị trí mà tôi có thể nói rằng họ đang đáp ứng các cam kết, hoặc nhiều cam kết hơn và có thể dỡ bỏ một số cam kết. Nhưng chúng tôi vẫn chưa đạt đến mức đó”, ông Biden nói.

Hiện Trung Quốc vẫn là bạn hàng lớn nhất đối với hàng nông sản của Hoa Kỳ, khi sức mua của Bắc Kinh chiếm trung bình khoảng 1 USD trên mỗi 5 USD hàng hóa xuất khẩu của Washington.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, Trung Quốc đã mua kim ngạch xuất khẩu nông sản trị giá 33,4 tỷ USD trong năm tài chính 2021, con số lớn nhất từ ​​trước đến nay, nhưng dự kiến sẽ tiếp tục mua nhiều hơn khoảng 36 tỷ USD trong năm tài chính này.

Hồi đầu tháng này, ông Vilsack phát biểu tại Hội nghị của Liên đoàn Trang trại Mỹ rằng, đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai sẽ “tiếp tục trao đổi với Trung Quốc về sự cần thiết của việc làm sống lại hoàn toàn và toàn diện thỏa thuận giai đoạn một thương chiến Mỹ-Trung… Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc ép Trung Quốc về sự cần thiết phải thực thi và thực hiện hoàn toàn bản hiệp định trước khi chúng tôi bắt đầu quá trình thảo luận về khả năng gia hạn”.

Bộ trưởng Tom Vilsack cho biết, chính quyền Mỹ đã ban hành gói cứu trợ nông dân, các chủ trang trại, và cộng đồng doanh nghiệp trị giá hơn 13 tỷ USD do đại dịch kể từ khi ông Biden lên nhậm chức, cách nay gần một năm, trong đó có gần 9 tỷ USD đã được chi trả.

Ông Visack nói: “Chúng ta có sự phân đôi ở các vùng nông thôn Mỹ cho dù thu nhập từ khu vực trang trại là cao nhất trong nhiều năm, nhưng đồng thời, các cộng đồng nông thôn vẫn phải đối mặt với những thách thức từ đại dịch. COVID-19 đã làm bộc lộ ra một hệ thống lương thực cứng nhắc, mong manh và dễ dẫn đến tắc nghẽn cũng như hạn chế nguồn cung”.

Hồi trung tuần tháng 9 năm ngoái, Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo đã có cuộc họp của các cố vấn kinh tế hàng đầu chính phủ để bàn về cuộc điều tra, đánh giá thiệt hại từ các khoản trợ giá của Trung Quốc để có biện pháp đối phó phù hợp. Giới quan sát cho rằng, chính quyền ông Biden đang thiên về việc mở lại quy trình miễn trừ đối với một số sắc thuế và  cân nhắc thiệt hại về cả quan hệ cũng như các tác động đến lao động, nông dân Mỹ để có các động thái hành xử với Trung Quốc.Theo giới phân tích, ông Biden muốn đảm bảo quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không rơi vào xung đột.

(Bussiness News; Bloomberg)

  • Tags:
Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.