Sáng 2/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương, sự kiện diễn ra định kỳ sau nửa chặng đường thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm.
Thủ tướng cho biết, đã 2,5 tháng không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Đây là kết quả của việc Việt Nam có đối sách đúng, quyết liệt đồng bộ và có sự ủng hộ của cấp ủy các cấp và nhân dân để sớm khống chế được dịch bệnh nhằm phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc phòng.
Hiện nay, thế giới đánh giá cao nỗ lực và thành công trong phòng chống dịch bệnh của Việt Nam. Tuy nhiên, đại dịch đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế Việt Nam trong quý II và nhiệm vụ phục hồi kinh tế đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết với tinh thần kiên quyết không để Covid-19 quay lại đồng thời tiến công mạnh mẽ để phục hồi kinh tế.
Theo Thủ tướng, trên thế giới, kinh tế xấu đi nhanh chóng do Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, trong đó có các đối tác lớn, quan trọng của Việt Nam và những ngày gần đây Covid-19 có sự lan rộng và khó dự đoán được khi nào mới khống chế được do không có vắc xin.
Về kinh tế, có 2 kịch bản, nếu để đại dịch bùng phát lần 2, tăng trưởng toàn cầu giảm gần 8%, còn nếu không để đại dịch trở lại thì tăng trưởng giảm khoảng 6%.
Ở Việt Nam, ảnh hưởng của Covid-19 thể hiện rõ nhất trong Quý II, đặc biệt là tháng 4, 5. GDP Quý II chỉ tăng 0,36%, thấp nhất trong 30 năm qua và GDP 6 tháng chỉ tăng 1, 81%.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng Việt Nam vẫn có những điểm sáng, kinh tế vĩ mô ổn định, tạo nền tảng ổn định cho phục hồi kinh tế. Trong đó, CPI của Việt Nam giảm dần từ hơn 6% xuống 4%, tỷ giá ổn định, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm mang lại niềm tin cho người dân và các nhà đầu tư trong nước, quốc tế.
"Cố gắng giữ CPI xấp xỉ 4%, đúng mục tiêu Quốc hội đưa ra hồi đầu năm, nếu không giữ được sẽ ảnh hưởng đến nhiều vấn đề, trong đó có đời sống của nhân dân", Thủ tướng nhấn mạnh.
Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, giá lợn liên tiếp giảm, mặc dù chịu nhiều tác động của thiên tai, dịch bệnh nhưng vẫn là bệ đỡ của nền kinh tế. Trong đó, 6 tháng đầu năm tăng trưởng 1,19%, đóng góp 11,89% vào mức tăng trưởng chung của cả nước.
Theo người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam cần bình tĩnh, chủ động, vững tin trong đánh giá tình hình, không chủ quan nhưng không được bi quan. Đây là thời điểm 'lửa thử vàng, gian nan thử sức', càng khó khăn càng nỗ lực vươn lên.
"Chúng ta cần dự báo tình hình còn rất khó khăn, thế giới và các đối tác đang suy thoái nặng nề, khó hồi phục trong thời gian ngắn hạn và xác định cần làm gì để bước vào trạng thái bình thường mới", Thủ tướng cho biết thêm.