Ngày 14/2, Bộ NN-PTNT và WWF ký kết Biên bản ghi nhớ "Tăng cường hợp tác phát triển nông nghiệp và đối tác Một sức khỏe về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người giai đoạn 2022 - 2026”, đại diện tham gia lễ ký là Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan và Giám đốc toàn cầu WWF, ông Prasana De Silva.
Chia sẻ tại sự kiện, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh lại một số nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể của Việt Nam với ngành nông nghiệp. Theo đó, Việt Nam sẽ là nhà cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững.
Ngoài ra, theo cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia trung hòa về các bon vào năm 2050. Theo đó, nông nghiệp sẽ sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên đất và nước, vật tư nông nghiệp.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng nhắc lại mục tiêu phát triển nền nông nghiệp theo hướng sinh thái, với cách tiếp cận đa giá trị, đa ngành, lồng ghép các giá trị kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo sự phát triển toàn diện trong mối tương tác môi trường - hệ sinh thái - con người và động thực vật.
"Sau hơn 30 năm đổi mới, nông nghiệp đóng góp nhiều cho nền kinh tế, chúng tôi hiểu rằng sự phát triển cũng làm mất đi nhiều hệ sinh thái. Do đó, chúng tôi khẳng định chiến lược phát triển nền nông nghiệp nhưng không đánh đổi chi phí, kể cả chi phí hữu hình và vô hình, trong đó có chi phí đa dạng sinh học và chi phí môi trường", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Theo ông, Việt Nam sẽ tận dụng tối đa lợi thế tự nhiên nhưng cũng cố gắng bảo vệ môi trường, cảnh quan, đa dạng sinh học theo hướng tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh. Thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp, nông thôn bền vững theo 3 trục: Nông nghiệp sinh thái – Nông thôn hiện đại – Nông dân thông minh.
“Nền nông nghiệp đang được định vị từ chạy theo sản lượng sang nền nông nghiệp tư duy mới, tiếp cận theo hướng đa giá trị”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Một trong những giải pháp để khắc phục hạn chế và hỗ trợ tốt việc thực hiện mục tiêu của ngành nông nghiệp là huy động các nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm và khoa học kỹ thuật của quốc tế.
"Chúng tôi đánh giá cao vai trò đi đầu của WWF trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, xây dựng một tương lai phát triển bền vững cho con người, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, tư vấn các giải pháp và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam giải quyết các thách thức của quá trình phát triển quốc gia và ngành, đặc biệt là trong lĩnh vực lâm nghiệp mà hai bên đang hợp tác rất tốt và hiệu quả", Bộ trưởng NN-PTNT chia sẻ.
Phía Bộ NN-PTNT mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác sâu rộng và toàn diện từ WWF về các lĩnh vực: Lâm nghiệp, động vật hoang dã (bảo tồn, nuôi trồng và buôn bán hoang dã); Đại dương (nghề cá và quản lý rác thải nhựa đại dương); Thủy lợi (quản lý nước và nguồn nước, quản lý sông và lưu vực sông); Quản lý rủi ro thiên tai; Phát triển nông thôn; An ninh lương thực; Thương mại nông sản; Bảo vệ môi trường; Biến đổi khí hậu và Đa dạng sinh học...
Khẳng định WWF đang tham gia rất tích cực nhằm triển khai Khung đối tác Một sức khỏe về động vật sang người, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: "WWF sẽ là một trong những đối tác chiến lược cho các cơ quan Chính phủ trong lĩnh vực bảo tồn trong thập kỷ tới, vốn là thập kỷ vàng của đa dạng sinh học của Việt Nam và toàn cầu".
Về phần mình, ông Prasana De Silva khẳng định, WWF đã thấy sự cam kết từ phía Chính phủ Việt Nam trong việc đảo ngược sự mất đa dạng sinh học toàn cầu và ở Việt Nam. "Tôi tin rằng Bộ NN-PTNT đang đóng vai trò dẫn đầu để hiện thực hoá các cam kết này", ông Prasana De Silva nói.
Đại diện WWF kỳ vọng sẽ cùng với Bộ NN-PTNT đồng hành trong quá trình tái cơ cấu, phát triển ngành nông nghiệp bền vững, theo chiều sâu, như phát triển các ngành hàng có giá trị và theo hướng phục hồi tài nguyên, gắn kết với phục hồi rừng, các vùng đất ngập nước, các vùng biển có giá trị về đa dạng sinh học và môi trường cho cộng đồng, tận dụng được cơ hội thị trường xuất khẩu và đảm bảo an ninh lương thực.
Theo ông Prasana De Silva: "WWF có thể tận dụng các kinh nghiệm và kiến thức trong phát triển chuỗi, trong lập kế hoạch và quy hoạch dựa trên khoa học, các năng lực trong thúc đẩy và nâng cao năng lực cộng đồng, quy tụ được cả khối tư nhân và cộng đồng, nhà nước".
Về biên bản ghi nhớ được ký, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng các nội dung cam kết là căn cứ quan trọng trong việc xác định, triển khai các hoạt động hợp tác giai đoạn 2022 - 2026.
"Tôi tin tưởng rằng với sự đồng hành và hỗ trợ của WWF, sự quyết tâm cao của Bộ NN-PTNT, các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ này sẽ được triển khai thành công, hỗ trợ cho ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, thực hiện tốt các nhiệm vụ và mục tiêu của ngành", Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Trong khi đó, ông Prasana De Silva tin tưởng các cam kết này, kết hợp với tầm nhìn, vai trò lãnh đạo và kết nối của Bộ NN-PTNT, 2 bên sẽ tạo ra những sự thay đổi cần thiết cho khung chính sách và thực thi các chính sách, đẩy mạnh sự sáng tạo và tham gia của khối tư nhân và đảm bảo việc chia sẻ lợi ích công bằng cho các bên liên quan, trong đó đặc biệt là các cộng đồng sống phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.