Không có chuyện trả lời quấy quá cho xong mà họ luôn bị “đóng đinh” vào các mốc thời gian cụ thể khi nào thì hoàn thành, nếu có khó khăn gì thì kiến nghị ngay...
Nhiều trường học ở ngoại thành đang xuống cấp. |
Mới đây, BCĐ Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội nghị giao ban quý III nhằm bàn nhiệm vụ, giải pháp xây dựng NTM của 3 tháng cuối năm và định hướng cho trọng tâm năm 2019. Tham dự có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng BCĐ Chương trình 02 bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, Phó trưởng BCĐ Chương trình 02 ông Nguyễn Văn Sửu và nhiều lãnh đạo Sở, ban, ngành và địa phương.
02 là một chương trình lớn của Thành ủy, có tầm ảnh hưởng sâu rộng với nông dân Hà Nội vì nó giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho họ. Bởi thế mà Hà Nội nhiều lần tuyên bố sẽ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng hành cùng chương trình này.
Thế nhưng, nhìn vào thành phần đại biểu dự họp giao ban có thể đánh giá một phần về sự nhiệt tình của các cấp, Sở, ngành. Sở, ngành nào quan tâm sâu sát thì Giám đốc, Phó Giám đốc sẽ tham dự, phát biểu, chỉ đạo hành động luôn trong đơn vị mình còn không thì ngược lại chỉ cử chuyên viên đi dự. Những người này không có đủ thẩm quyền để lắng nghe thay, phát biểu thay lại càng không có quyền ra các quyết định thay cho lãnh đạo.
Bởi thế mà Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu đã gay gắt phê bình một số lãnh đạo Sở đã vắng mặt trong cuộc họp này, đốc thúc họ phải báo cáo gấp tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao trong thời gian sớm nhất.
Ông Sửu cũng nghiêm túc phê bình 2 Sở là TN- MT, GT- VT vì chậm trễ trong thực hiện chỉ đạo của Hà Nội về khắc phục sự cố sụt lún ở xã Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức) khiến cho người dân phải sống trong cảnh thấp thỏm lo lắng.
Một khi ở trên đã “nóng” thì bên dưới không thể “nguội” được. Nhờ vào sự chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo cao nhất cả ở bên khối Đảng lẫn khối chính quyền mà Hà Nội đã trở thành ngọn cờ đầu của cả nước trong xây dựng NTM.
Tính đến nay Thủ đô đã có 4 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM và theo kế hoạch năm 2018 sẽ có thêm 4 huyện đạt chuẩn NTM bao gồm Gia Lâm, Thạch Thất, Quốc Oai và Phúc Thọ. Đó là ở cấp huyện còn với cấp xã, đã có 297/386 xã (chiếm 76,94%) đạt chuẩn NTM (trong đó có 3 xã đã trình Chủ tịch UBND thành phố xem xét, công nhận).
Đến tháng 6/2018, thu nhập bình quân khu vực nông thôn ước đạt 43,16 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%. Trong số 89 xã còn lại, có 72 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, còn 17 xã đạt và cơ bản đạt từ 11-14 tiêu chí. Hiện nay, có khoảng 30 xã đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM năm 2018.
Thời gian vừa qua, SX nông nghiệp trở thành một bệ đỡ vững chắc cho sự tiến bộ của NTM TP khi liên tục tăng trưởng khá, khi có nhiều sản phẩm bắt đầu được XK đi các thị trường khó tính mà mới đây nhất là sự kiện nhãn chín muộn đã “chọc thủng” hàng rào kỹ thuật để đàng hoàng tiến vào thị trường Mỹ.
Theo một số ý kiến thì công cuộc xây dựng NTM đang có một số khó khăn mà chung nhất là tiêu chí liên quan đến xây dựng trường chuẩn quốc gia. Nhiều địa phương có tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp như huyện Mê Linh có tới 6/6 trường PTTH chưa đạt chuẩn. Bên cạnh đó là các tiêu chí về môi trường, về nguồn vốn để thực hiện các công trình xây dựng hạ tầng. Tuy nhiên những khó khăn này sẽ vẫn vượt qua được nếu các Sở, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt, các quận nội thành tiếp sức tích cực cho các huyện, TX còn nghèo hơn. |