Đậu tương Mỹ nhập khẩu tại cảng Nantong, Trung Quốc. |
Lần này là cú đúp “có đi, có lại”, Mỹ tuyên bố Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ, mở đường cho một loạt điều chỉnh chính sách và trừng phạt dài hạn; mặt khác, Trung Quốc cấm cửa với các hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Mỹ.
Bế quan thị trường tỷ USD
Hôm qua, cú đòn giáng mạnh vào thị trường xuất khẩu nông sản Hoa Kỳ đã được Bắc Kinh tung ra. Toàn bộ các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc nhận được yêu cầu ngừng mua nông sản thô Mỹ. Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân từng nhận ưu đãi miễn thuế nhập khẩu cũng đã ngừng các đơn hàng mới.
Bộ Thương mại Trung Quốc còn cho biết, họ vẫn còn nhiều phương án mà việc áp dụng tùy thuộc vào động thái của Mỹ, trong đó có thể sẽ áp thuế bổ sung với hàng nông sản thương phẩm nhập khẩu.
Zippy Duvall - Chủ tịch Liên đoàn Nông nghiệp Hoa Kỳ mô tả cú giáng trả của Trung Quốc như một “cú đấm toàn thân” nhằm vào hàng nghìn nông dân và chủ trang trại Mỹ vốn đã loạng choạng vì sự trồi sụt của thị trường giữa vòng thương chiến. Các mức thuế hiện có nhằm vào đậu tương Mỹ đã kéo giảm xuất khẩu đối với loại nông sản giá trị bậc nhất của nước này trong suốt 2 năm qua, khiến cho ngân sách liên bang phải bỏ ra khoảng 28 tỷ USD để trợ cấp.
Năm 2018, Trung Quốc bỏ ra 9,1 tỷ USD nhập hàng nông sản Mỹ, chủ yếu là đậu tương, sữa, hạt kê và thịt lợn. Kim ngạch nhập khẩu đó giảm mạnh so với năm 2017 trước đó là 19,5 tỷ USD, theo số liệu của Phòng Nông nghiệp Hoa Kỳ. Hội đồng các nhà sản xuất thịt lợn quốc gia đang nóng lòng muốn chấm dứt thương chiến. Họ muốn tận dụng cơ hội “trời cho” khi Trung Quốc bị dịch tả lợn Châu Phi hoành hành, nhưng mức thuế nhập khẩu lên đến 62% đang làm dòng hàng xuất cảng chậm ì ạch.
Với đậu tương, đơn hàng từ Trung Quốc mới đạt mức 14,3 triệu tấn, mức thấp nhất trong 11 năm qua và phía Mỹ muốn nâng thêm 3,7 triệu tấn nữa. Mới tháng trước, Trung Quốc đã đáp ứng khi nhập thêm 2,27 triệu tấn. Từ tháng 7/2018, đậu tương Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc chịu mức thuế 25%.
Thao túng tiền tệ
Mỹ đã chính thức xếp Trung Quốc vào danh sách “quốc gia thao túng tiền tệ”. Kể từ năm 1994, vẫn lại là Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách này, khi đó là quyết định của Tổng thống Bill Clinton. Quyết định được đưa ra chóng vánh 1 ngày sau khi đồng nhân dân tệ giảm xuống mức đáy kỷ lục kể từ năm 2008 so với đồng USD, 7 tệ/1USD.
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin lãnh trách nhiệm làm việc với Quỹ Tiền tệ quốc tế nhằm “loại bỏ lợi thế cạnh tranh không lành mạnh” tạo ra từ các động thái của Trung Quốc. Dù có nhiều yếu tố mới xuất hiện tác động, nhưng như vậy là Tổng thống Donald Trump đã “hoàn thành” lời hứa từ đầu nhiệm kỳ là sẽ đưa Trung Quốc vào nhóm nước thao túng tiền tệ.
Phóng viên Michelle Fleury của đài BBC nhận định, mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đi rất nhanh theo hướng xấu, sau vụ ngừng nhập hàng nông sản và “dán nhãn” thao túng tiền tệ nói trên. Mỹ định nghĩa thao túng tiền tệ là khi “các quốc gia thao túng tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền của họ và đồng USD nhằm mục đích ngăn chặn điều chỉnh cán cân thanh toán hiệu quả hoặc đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại quốc tế”.
Trong một động thái không liên quan nhưng tác động thêm về mặt tâm lý giữa tình hình căng thẳng, hãng hàng không Trung Quốc Air China thông báo sẽ ngừng tuyến bay thẳng Bắc Kinh - Hawaii từ ngày 27/8, sau 5 năm triển khai. Hiện tuyến này duy trì tần suất 3 chuyến/tuần, nhưng lượng hành khách chỉ đạt bình quân 66,37%, thấp nhất trong các tuyến bay quốc tế của hãng Air China. |