| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn Long An gần hơn với đô thị

Thứ Tư 05/07/2023 , 08:01 (GMT+7)

Long An Xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay da đổi thịt ở những vùng đất khó, kéo đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn gần hơn với đô thị.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) đã và đang giúp cho người dân Long An thụ hưởng lớn. Rõ nét nhất là hạ tầng nông thôn được đầu tư mở rộng, giá trị hàng nông sản tăng cao theo từng cung đường mới. Nhà tranh vách lá giờ chỉ còn trong tiềm thức của người dân. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng gần bằng với thành thị.

Nông thôn mới kéo đời sống người dân nông thôn gần bằng với thành thị. Ảnh: Minh Đảm.

Nông thôn mới kéo đời sống người dân nông thôn gần bằng với thành thị. Ảnh: Minh Đảm.

Cần Đước chuyển mình

Huyện Cần Đước là một trong những địa phương chuyển mình mạnh mẽ nhờ xây dựng NTM. Xuất phát điểm là một huyện nghèo của tỉnh Long An, lại nằm ngay cửa sông ra biển. Hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất như đường, trường, trạm, nước sạch… đều không đạt chuẩn quốc gia. Hàng nông sản luôn bị thương lái ép giá do giao thông nông thôn lầy lội, nhỏ hẹp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân chung tay xây dựng nông mới đã từng bước phá thế vùng sâu, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, thu nhập người dân ổn định.

Sau 10 năm xây dựng NTM huyện Cần Đước tỉnh Long An đã có 16/16 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Bên cạnh đó, địa phương cũng có 5/16 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến nay, thu nhập của người dân trên địa bàn huyện đạt trên 60 triệu đồng/người/năm.

Tại xã Long Hòa, huyện Cần Đước trước đây, kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào độc canh cây lúa tuy nhiên vùng đất này bị nhiễm phèn, mặn nên năng suất không cao. Khi đó, đường giao thông chưa được đầu tư nên việc đi lại, giao thương không thuận lợi. Đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, hộ nghèo chiếm tỷ lệ khá cao. Chương trình xây dựng NTM đã “thay da đổi thịt” cho vùng đất khó ngày nào, làm cho những thứ ấy chỉ là ký ức.

Theo ông Nguyễn Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Long Hòa, thay đổi rõ nét nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa đạt 100%. Công trình giao thông, thủy lợi được xây dựng, nâng cấp. Kênh mương được nạo vét thường xuyên bảo đảm nguồn nước tưới, tiêu. Sản xuất nông nghiệp được cơ giới hóa. Thực hiện chương trình đột phá của huyện về sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, toàn xã có 85ha, năng suất 3.500 tấn/năm.

Từ chỗ còn nhiều khó khăn, đến nay đời sống vật chất và tinh thần của người dân Long Hòa càng ngày càng nâng lên. Hiện Long Hòa chỉ còn 10 hộ nghèo. Thu nhập bình quân trên 61 triệu đồng/người/năm. Toàn xã có 98% người dân tham gia bảo hiểm y tế, 77% hộ dân sử dụng nước sạch…

Nạo vét kênh mương tại xã Tân Chánh, huyện Cần Đước. Ảnh: Minh Đảm.

Nạo vét kênh mương tại xã Tân Chánh, huyện Cần Đước. Ảnh: Minh Đảm.

Còn tại xã Tân Ân, huyện Cần Đước địa phương chú trọng công tác tạo việc làm giảm nghèo bền vững. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Sương - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tân Ân, thời gian qua, xã chú trọng công tác giảm nghèo gắn với xây dựng NTM, tập trung các nguồn vốn ưu đãi cho hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, tăng thu nhập. Đồng thời, xã huy động mọi nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo hiểm y tế… được địa phương tích cực triển khai. Năm 2022, xã vận động xây dựng 5 căn nhà tình thương với kinh phí 460 triệu đồng, trong đó gia đình đóng góp 200 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, xã Tân Ân vận động xã hội hóa được 8 căn nhà tình thương, trị giá 50 triệu đồng/căn cho hộ gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn.

Ngoài ra, xã còn hỗ trợ vật nuôi, con giống để tạo sinh kế cho hộ nghèo. Qua đó, năm 2022, xã Tân Ân có 6 hộ thoát nghèo và 9 hộ thoát cận nghèo. Hiện xã còn 16 hộ nghèo và 46 hộ cận nghèo. Năm 2022, thu nhập bình quân trên người đạt khoảng 65 triệu đồng.

Ông Ngô Văn Khải ở ấp 3 xã Tân Ân, huyện Cần Đước cảm nhận: “Từ ngày được công nhận xã nông thôn mới đến nay thì phải nói là đường giao thông nông thôn được nâng cấp, mở rộng liên hoàn, phá thế vùng sâu tạo điều kiện rất thuận lợi cho người dân trong đi lại cũng như trong sản xuất”.

Đường sá sạch đẹp tại huyện Cần Đước. Ảnh: Minh Đảm.

Đường sá sạch đẹp tại huyện Cần Đước. Ảnh: Minh Đảm.

Đánh giá về sự đổi thay của quê hương ông Đào Hữu Tấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Đước cho biết, phong trào toàn dân xây dựng NTM đã cải thiện đời sống của người dân rất đáng kể, qua đó người dân rất phấn khởi đã góp thêm nhiều ý tưởng, công sức, của cải để chung tay xây dựng NTM. “Đến thời điểm hiện tại, huyện cũng đã hoàn thành các tiêu chí NTM cấp huyện, đang hoàn chỉnh hồ sơ trình tỉnh xem xét đề nghị Trung ương thẩm tra công nhận”, ông Đào Hữu Tấn cho biết thêm.

Thu nhập tại các xã NTM đạt trên 60 triệu đồng/người

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Long An, toàn tỉnh hiện có 120/161 xã đạt chuẩn NTM, 28 xã đạt NTM nâng cao, 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ NTM (huyện Tân Trụ, Châu Thành, TP Tân An và thị xã Kiến Tường). Thu nhập của người dân tại các xã đạt chuẩn NTM trên 60 triệu đồng/người/năm.

Đối với huyện Cần Đước, là đơn vị cấp huyện tiếp theo đang hoàn chỉnh hồ sơ trình Trung ương thẩm tra công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2023, đây là nhiệm vụ quan trọng có tác động to lớn đến đời sống, vật chất và tinh thần của nhân dân. Xây dựng thành công huyện NTM đáp ứng được niềm tin, mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cần Đước.

Mô hình tổ đan lục bình giúp gia tăng thu nhập của các thành viên Hội Liên hiệp phụ nữ xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa. Ảnh: Minh Đảm.

Mô hình tổ đan lục bình giúp gia tăng thu nhập của các thành viên Hội Liên hiệp phụ nữ xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Thanh Truyền - Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Long An, Phó Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh cho biết “với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng, chung tay, góp sức của người dân trên địa bàn tỉnh, chương trình xây dựng NTM đạt những thành tựu vượt bậc. Diện mạo nông thôn đổi mới rõ rệt. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư đồng bộ. Các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung được hình thành và ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả.

Các hoạt động văn hóa, y tế, giáo dục ngày càng được chú trọng. Hệ thống chính trị ở cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững. Quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường”.

Theo Văn phòng điều phối NTM tỉnh Long An, năm 2023 tỉnh phấn đấu có 9 xã đạt chuẩn NTM, 12 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bên cạnh đó, huyện Châu Thành sau 5 năm được Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn nông mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tiếp tục bắt tay xây dựng huyện NTM nâng cao.

Kết quả 12 xã đã đạt chuẩn xã nông mới nâng cao và thị trấn huyện Châu Thành đạt chuẩn văn minh đô thị. Hiện tại, Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM huyện Châu thành đang trong lộ trình hoàn thiện hồ sơ để trình Trung ương thẩm định công nhận huyện NTM nâng cao đầu tiên của tỉnh Long An. Ngoài ra, trong những tháng còn lại của năm 2023 tỉnh Long An cũng phấn đấu giải ngân đúng tiến độ nguồn vốn hơn 424 tỉ đồng hỗ trợ trực tiếp của Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2023.

Giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh huy động trên 100.000 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp trên 1.000 tỉ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án gần 3.500 tỉ đồng; vốn huy động từ doanh nghiệp, người dân gần 800 tỉ đồng; vốn tín dụng trên 95.500 tỉ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng cho các địa phương đạt chuẩn theo lộ trình; đầu tư cho chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chương trình phát triển kinh tế tập thể, chương trình chuyển đổi số...

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng. 

Ninh Thuận: Thêm 84 sản phẩm được công nhận OCOP

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quyết định công nhận 84 sản phẩm của các chủ thể đạt hạng OCOP từ 3 - 4 sao.