| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn mới trên vùng đất số 1 về cây lúa

Thứ Hai 21/12/2020 , 08:47 (GMT+7)

Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Hòn Đất vẫn giữ lợi thế số 1 về cây lúa nhưng giảm dần diện tích, nâng cao chất lượng.

Phát huy lợi thế cây lúa

Hòn Đất là huyện có sản lượng lúa hàng năm nhiều nhất không chỉ tỉnh Kiên Giang mà cả ĐBSCL và cả nước. Sản xuất lúa nước được xác định là ngành hàng có lợi thế số một trong phát triển nông nghiệp của huyện. Do đó, cần phải tập trung tái cơ cấu về chất lượng để phát triển mạnh ngành hàng này trở thành ngành chiến lược, đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Tập trung tái cơ cấu trong sản xuất lúa, nâng cao chất lượng sản phẩm để xuất khẩu nhưng cũng phải đảm bảo đáp ứng cho nhu cầu nội địa.

Sản xuất lúa nước được xác định là ngành hàng có lợi thế số một trong phát triển nông nghiệp của huyện Hòn Đất. Ảnh: Trung Chánh.

Sản xuất lúa nước được xác định là ngành hàng có lợi thế số một trong phát triển nông nghiệp của huyện Hòn Đất. Ảnh: Trung Chánh.

Theo kế hoạch phê duyệt, diện tích gieo trồng lúa của huyện Hòn Đất năm 2020 là trên 161 ngàn ha, sản lượng lúa đạt 1,1 triệu tấn. Tuy nhiên, do giảm diện tích gieo trồng hơn 5 ngàn ha, nên sản lượng giảm còn hơn 955 ngàn tấn. Đến năm 2030 diện tích còn hơn 139 ngàn ha, sản lượng đạt 834 ngàn tấn. Trong đó, lúa chất lượng cao đạt từ 95% trở lên.

Huyện Hòn Đất đã xây dựng và nhân rộng các mô hình cánh đồng lớn, các mô hình liên kết sản xuất, hình thành các vùng nguyên liệu lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Ảnh: Trung Chánh.

Huyện Hòn Đất đã xây dựng và nhân rộng các mô hình cánh đồng lớn, các mô hình liên kết sản xuất, hình thành các vùng nguyên liệu lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Dương Huy Bình, Phó trưởng Phòng NN-PTNT Hòn Đất cho biết: “Huyện đã xây dựng và nhân rộng các mô hình cánh đồng lớn, các mô hình liên kết sản xuất, hình thành các vùng nguyên liệu lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với xây dựng thương hiệu, nâng cáo giá trị tăng nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân”.

Nhằm thích ứng với điều kiện thời tiết, biến đổi khí hậu, huyện Hòn Đất chủ trương đến năm 2030, sẽ giảm diện tích trồng lúa lúa khoảng gần 17 ngàn ha so với năm 2020. Trong đó, chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm-lúa, tôm công nghiệp là hơn 14 ngàn ha, còn lại chuyển đổi qua trồng rau màu, cây ăn trái các loại và cây dược liệu, cây làm thức ăn gia súc…

Thực hiện tái cơ cấu để xây dựng ngành nông nghiệp của huyện phát triển toàn diện và bền vững, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng và thích ứng với điều kiện tự nhiên, tình hình biến đổi khí hậu. Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, bảo đảm tăng thu nhập cho người nông dân và tăng sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản trên thị trường.

Ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất lúa ở huyện Hòn Đất, góp phần giải phóng sức lao động, tăng thu nhập, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Trung Chánh.

Ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất lúa ở huyện Hòn Đất, góp phần giải phóng sức lao động, tăng thu nhập, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Trung Chánh.

Phát triển sản xuất nông nghiệp dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức lại sản xuất, tạo việc làm ổn định cho nông dân, nâng cao mức sống dân cư nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo gắn với xây dựng NTM. Thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên để sản xuất bền vững, hạn chế tối đa các tác động rủi ro đến môi trường sinh thái.

Phấn đấu có 20% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được đưa vào sản xuất tập thể theo hình thức Tổ hợp tác, Hợp tác xã, 80% sản phẩm nông - lâm - thủy sản có chất lượng cao, có chỉ dẫn địa lý đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, xây dựng thương hiệu sản phẩm có giá trị trên địa bàn huyện. Mỗi xã, thị trấn có ít nhất 1 Tổ hợp tác, Hợp tác xã hoạt động có hiệu quả.

Đến năm 2025, giá trị sản lượng bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 120 triệu đồng (hiện nay là hơn 90 triệu đồng/ha).

Phát triển nông thôn gắn với xây dựng NTM

Tiếp tục thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với tái cơ cấu ngành, ưu tiên đầu tư xây dựng cho các xã gần đạt 19 tiêu chí, nhất là cần tập trung hoàn thiện các tiêu chí như: về trường học, giao thông nông thôn, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa... Đồng thời, phấn đấu giữ vững và nâng lên về chất các xã đã đạt 19/19 tiêu chí để đạt tiêu chí nâng cao và tiến tới kiểu mẫu. Phấn đấu huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2025 và đến năm 2030 có 4 xã đạt xã NTM nâng cao và có từ  2-3 xã đạt NTM kiểu mẫu.

Huyện Hòn Đất chủ trương đến năm 2030, sẽ giảm diện tích trồng lúa lúa khoảng gần 17 ngàn ha so với năm 2020 để chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm-lúa và trồng rau màu, cây dược liệu… Ảnh: Trung Chánh.

Huyện Hòn Đất chủ trương đến năm 2030, sẽ giảm diện tích trồng lúa lúa khoảng gần 17 ngàn ha so với năm 2020 để chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm-lúa và trồng rau màu, cây dược liệu… Ảnh: Trung Chánh.

Chương trình MTQG xây dựng NTM được cả hệ thống chính trị - xã hội, các ban ngành, đoàn thể các cấp và cộng đồng dân cư hưởng ứng tích cực. Từ đó, tạo bước chủ động trong công tác triển khai thực hiện, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể. Chương trình ngày càng đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả.

Xây dựng NTM từng bước đáp ứng nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nên đã tạo được niềm tin, làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, lãnh đạo các cấp, nhân dân phấn khởi, tin tưởng và tham gia tích cực. Cơ sở hạ tầng vùng nông thôn được đầu tư xây dựng, đáp ứng đúng các tiêu chí đề ra, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Ông Đào Xuân Nha, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó trưởng Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM huyện Hòn Đất cho biết, đến năm 2019 toàn huyện có 4 xã gồm: Sơn Kiên, Mỹ Lâm, Mỹ Thuận và Mỹ Thái đạt chuẩn NTM. Trong năm 2020 có thêm 3 xã là Nam Thái Sơn, Lình Huỳnh, Mỹ Phước đạt 19/19 chí. Như vậy, toàn huyện đạt trên 50% số xã đạt chuẩn NTM. Các xã còn lại đạt thêm từ 1-2 tiêu chí, riêng xã Bình Giang đạt từ 3 tiêu chí trở lên.

Phấn đấu cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu về sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn, như: giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa và khu thể thao ấp. Nâng cao chất lượng cuộc sống cư dân nông thôn, tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân, góp phần tăng thu nhập bình quân trên 50 triệu đồng/người/năm.

Giai đoạn 2021- 2025, tiếp tục đầu tư, phân kỳ để các xã hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM. Cụ thể, 5 xã còn lại phần đấu đạt chuẩn NTM lần lượt gồm: Mỹ Hiệp Sơn (năm 2021), xã Bình Sơn và  Sơn Bình (năm 2022), xã Thổ Sơn (năm 202)3 và xã Bình Giang (năm 2004).

Nâng toàn huyện có 12/12 xã đạt chuẩn NTM, huyện hoàn thành mục tiêu đạt 100% số xã NTM, trong đó có 3 xã đạt bộ tiêu chí nâng cao, gồm: Sơn Kiên, Mỹ Lâm và Mỹ Thuận. Riêng xã Sơn Kiên đạt xã NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2025 và huyện Hòn Đất đạt chuẩn NTM.

Trồng củ kiệu luân canh trên đất lúa phát triển khá mạnh tại huyện Hòn Đất và được lựa chọn để xây dựng thành sản phẩm OCOP của địa phương. Ảnh: Trung Chánh.

Trồng củ kiệu luân canh trên đất lúa phát triển khá mạnh tại huyện Hòn Đất và được lựa chọn để xây dựng thành sản phẩm OCOP của địa phương. Ảnh: Trung Chánh.

Là một trong những xã đạt chuẩn NTM sớm của huyện Hòn Đất, xã Mỹ Lâm đang thực hiện lộ trình xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Ông Lê Văn Tài, Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Quản lý xây dựng NTM xã Mỹ Lâm cho biết: “Hiện xã đang tập trung thực hiện rà soát quy hoạch, chương trình, dự án có liên quan đến xây dựng NTM nâng cao trên địa bàn xã giai đoạn 2021-2025. Tập trung huy động tổng thể các nguồn lực, nhưng dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư là chính, nhà nước hỗ trợ một phần và vận động các nguồn lực bên ngoài cùng tham gia đóng góp xây dựng và giữ vững các tiêu chí đã đạt được hiệu quả ngày càng cao hơn”.

Theo ông Tài, từ khi thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM đến nay, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, ngoài sản xuất nông nghiệp, một số hộ dân còn kinh doanh các dịch vụ sản xuất nông nghiệp, tranh thủ thời gian nhàn rỗi đi làm theo mùa vụ ở các doanh nghiệp, công ty trong và ngoài tỉnh. Kết quả điều tra của Chi cục thống kê huyện Hòn Đất, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã năm 2020 đạt hơn 51 triệu đồng/người/năm.

Gia đoạn 2021-2025, Hòn Đất tập trung xây dựng từ 3-4 sản phẩm nông nghiệp có chất lượng gắn với xây dựng nhãn hiệu tập thể trên địa bàn huyện (hiện nay có Bí Vàm Răng). Có 4 xã, thị trấn có sản phẩm đặc thù theo chương trình OCOP của địa phương.

Đến năm 2030, nâng giá trị sản lượng bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 140-150 triệu đồng. Có từ 5 - 6 sản phẩm nông nghiệp như: Xoài, Khóm, Kiệu, Lúa, Tôm,... có chất lượng gắn với xây dựng nhãn hiệu tập thể trên địa bàn huyện. Có 14/14 xã, thị trấn có sản phẩm đặc thù theo chương trình Ocop của địa phương. Có ít nhất 2 Hợp tác xã làm điểm liên kết các hợp tác xã còn lại, gắn với tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, và 2 Hợp tác xã sản xuất kinh doanh đa mục tiêu.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.