Tôi choáng váng khi hay tin Chí Tài qua đời
Trong ấn tượng của chị, Chí Tài là người như thế nào?
Chí Tài là người em rất đáng mến của tôi và là một người nghệ sĩ có tâm với nghề. 5 năm nay, tôi có nhiều dịp làm việc chung với Tài. Sự ra đi của em quá đột ngột, để lại thương tiếc cho tất cả các đồng nghiệp và khán giả. Cứ nghĩ đến Tài là tôi lại nhớ đến nụ cười của em.
Vậy trong suốt 5 năm qua, chị và Chí Tài có những kỷ niệm nào?
Kỷ niệm thì nhiều. Tài lúc làm việc thì vô cùng nghiêm túc nhưng ngoài đời lại chan hòa, dễ thương. Tài cũng rất thích chụp ảnh. Hai chúng tôi trước và sau khi làm việc đều tạo dáng chụp ảnh cùng nhau.
Hôm Tài mất, tôi có đăng một bức ảnh. Đó là bức ảnh hai chúng tôi đứng cạnh cười với nhau, thế nhưng tôi đã cắt hình ảnh của mình ra. Tôi không muốn sự thương tiếc của mình bị hiểu lầm là chiêu trò thu hút sự chú ý. Khi nghe tin Tài ra đi, tôi choáng váng và đau đầu cả ngày hôm đó.
Thân nhau như vậy, tại sao chị và Chí Tài chưa cộng tác với nhau trong một sản phẩm nào đó?
Cả Chí Tài và Hoài Linh đều bảo tôi vào Nam làm chung tiểu phẩm. Thế nhưng công việc vừa giảng dạy và biểu diễn ngoài này của tôi tốn rất nhiều thời gian bay đi bay lại. Thôi thì đất đâu anh hùng đấy, hai em ấy cứ ở trong này, còn tôi ở ngoài đấy, khi nào có cơ hội chúng tôi sẽ hợp tác với nhau.
Tôi cũng hay bảo Tài rằng, làm gì thì làm, mình phải giữ gìn sức khỏe. Tôi tiếc cho tài năng và đức độ của em, bởi hiếm có một nghệ sĩ được đồng nghiệp và khán giả yêu quý như thế.
Tôi giấu bệnh tật và nỗi buồn vào trong
Năm vừa rồi là năm chứng kiến sự ra đi của nhiều nghệ sĩ như NSND Hoàng Yến, Chí Tài. Đó là mất mát rất lớn của nền điện ảnh Việt Nam. Chị làm thế nào để vượt qua nỗi buồn này?
Tôi coi cuộc sống này như một dòng chảy, không thể vì một cái lá rơi hay vì một cái núi lở mà con sông đó không chảy. Cũng như người thân của mình, với quy luật cuộc sống, họ vẫn phải về với đất.
Ở nhà hát kịch của tôi, có một cô diễn viên chuẩn bị đi tổng duyệt một vở mới thì nghe tin mẹ chết. Cô ấy vẫn phải để mẹ cho người thân lo hậu sự còn mình vẫn phải đến nhà hát.
Tôi cũng vậy thôi. Cách đây 10 năm tôi đưa bố đến bệnh viện xong, vẫn phải nén đau thương đến nhà hát để công diễn buổi đầu tiên. Sau khi diễn xong không kịp tẩy trang lại chạy đến bệnh viện với bố.
Tất cả những nghệ sĩ cũng là người bình thường thôi, họ không phải sắt đá hay máy móc. Chỉ có điều họ biết giấu những nỗi niềm vào trong để phục vụ khán giả.
Vậy phải chăng cuộc sống của chị bao năm qua cũng có nhiều nỗi niềm không biết giãi bày cùng ai?
Tôi từng bị đột quỵ thoáng qua, bị bệnh khớp, tiểu đường và hiện giờ là dây thần kinh ngoại biên. Thế nhưng tôi luôn cố tỏ ra mình khỏe mạnh và không muốn để mọi người phải thương.
Tôi luôn giấu bệnh tật và nỗi buồn vào trong. Tôi luôn tỏ ra mình vui vẻ bởi cái nghề của mình là mang lại tiếng cười cho khán giả.
Tôi không thích Tết
Một ngày bình thường của chị diễn ra như thế nào?
Nếu tôi ở nhà thì cứ 7h là dậy, tập tành rồi đi gặp gỡ bạn bè. Chủ yếu tôi vẫn dành thời gian cho giảng dạy. Những hôm nào quay phim thì phải dạy từ 5h, vì tôi bị tiểu đường nên phải tiêm, sau đó ăn sáng, để làm sao 6h30 có mặt ở hãng. Tôi vẫn tự đi xe máy và xử lý rất tốt.
Tôi thích ở nhà nấu nướng mời mọi người về ăn. Tôi nấu ăn rất giỏi. Trong tử vi nói rằng nếu tôi mở cửa hàng ăn hoặc thời trang thì sẽ giàu to. Sửa chữa xe máy, máy bơm hay rađio, tôi đều làm tất như một thợ điện. Vì ngày xưa 16 tuổi tôi đã đi làm phụ nghề thợ cơ khí nên rất giỏi. Thế nên những gian khổ ngày xưa cũng phục vụ cho nghề diễn xuất của tôi rất nhiều.
Ở tuổi này rồi chị còn thích Tết không?
Nói thật tôi không thích Tết đâu vì bình thường đã tôi gặp áp lực công việc, rất bận rộn rồi. Tôi là chủ đề gia đình, phải lo toan cơm áo gạo tiền. Những ngày Tết lại phải tính toán xem mua bán gì để lúc bạn bè đến có miếng gắp ra gắp vào. Đi làm quần quật cả năm, có 3 ngày Tết thì lại oằn người ra tiếp khách. Ngay từ bé tôi đã không thích Tết rồi. Tôi chỉ thích ngày Tết mình được ngủ, nghe nhạc rồi gặp vài người bạn thân.
Ngày Tết chị thường hay chuẩn bị món ăn gì để tiếp khách?
Trước Tết tôi mua cua xay sẵn để trong ngắn đá. Hôm nào khách đến thì mình bỏ xuống từ hôm trước cho nó hả. Hoặc là canh dưa, canh cua... những món rất dễ ăn. Còn với khách nào sang sang một tí, tức là giao tiếp có một khoảng cách, thì tôi rán ít nem hoặc làm lõi bò luộc với nước mắm. Rồi kiệu dưa trộn với ít đường ít mắm.
Mình cũng có thể mua lòng mề gà, tẩm ướp rồi cho vào ngăn đá, mua một ít bánh phở, miến. Khách đến, mình cứ thả ít lòng mề gà với miến là xong.
Xin cảm ơn chị!