Nhân vật ông trùm ở chốn ăn chơi Thiên Thai khiến khán giả nhận diện được ít nhiều về bộ mặt ghê gớm của những kẻ kiếm tiền bằng thủ đoạn chăn dắt và khống chế các cô gái lầm đường lạc lối. Tuy nhiên, vai Cấn chỉ là một ví dụ trong hành trang nghệ thuật của NSƯT Nguyễn Hải, bởi anh có thương hiệu đóng vai phản diện!
NSƯT Nguyễn Hải tái ngộ màn ảnh nhỏ với vai Cấn |
Xem bộ phim truyền hình “Quỳnh búp bê”, công chúng thấy tội nghiệp cho Quỳnh bao nhiêu thì càng thấy căm ghét Cấn bấy nhiêu. Cách ông trùm khu thư giãn Thiên Thai điều khiển đàn em giang hồ và đối xử nghiệt ngã với tiếp viên, làm nhiều người ấn tượng… ớn lạnh với diễn xuất của NSƯT Nguyễn Hải. Tuy nhiên, vai Cấn vẫn chưa phơi bày hết khả năng đóng vai ác của NSƯT Nguyễn Hải, bởi chính anh còn nhiều tiếc nuối khi xem lại những cảnh quay có mình: “Thực ra vai diễn này, nếu để diễn lột tả mặt trái của xã hội tôi chưa thỏa mãn lắm đâu, mới chỉ được tầm 60-70% thôi. Nếu được thoải mái và đủ điều kiện sáng tạo hơn thì vai diễn sẽ còn tốt hơn. Tôi đầu tư mua sắm quần áo, đạo cụ, phục trang rồi chụp ảnh về nhờ đạo diễn duyệt để tạo ra hình ảnh nhân vật của mình gần gũi với thực tế đời sống”.
Phải thừa nhận, dung mạo của NSƯT Nguyễn Hải từ đôi mắt ti hí đến dáng đi bặm trợn và nụ cười đểu giả hoàn toàn phù hợp với những vai phản diện. Trước đây, anh từng đóng nhiều vai mà ai từng xem cũng nhớ và cũng ngại như Dương Sẹo trong “Chuyến xe bão táp”, Trịnh Khả trong "Chuyện làng Nhô", Minh "hói" trong "Cổ cồn trắng", Hoàng Đạo trong "Cái chết của con thiên nga", Lý Hân trong "Con nhện xanh", Đỗ Sung trong "Trò đùa số phận”, Lê Thanh trong "Chạy án", Thuần Vu trong "Cầu Trầm", Trần Hùng Lân trong "Bí mật những cuộc đời"…
Lần này, đóng vai Cấn trong “Quỳnh búp bê”, NSƯT Nguyễn Hải cảm nhận: “Tôi thấy bộ phim rất đời. Ngoài diễn xuất diễn viên, bộ phim phản ánh thực đời sống xã hội. Ở nơi nào đấy, vẫn xảy ra chuyện như vậy. Nếu xem phim, khán giả để ý, bộ phim diễn ra ở một thị trấn đang trên đà phát triển. Bộ phim “Quỳnh búp bê” không phải là bản chất xã hội của chúng ta, nhưng chúng ta phải chỉ ra góc khuất, những cái đang tồn tại, những yếu kém về công tác quản lý của một ngành nghề, lĩnh vực nào đó. Không dám phản ánh thủ đoạn có nghĩa là chúng ta đang dấu tội ác trong lòng xã hội, đến khi nó tràn lan ra sẽ không kịp khoanh vùng, quản lý, trấn áp. Trong khi đó, mục tiêu của chúng ta xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn”.
Vai Cấn vẫn chưa phơi bày hết khả năng đóng vai ác của NSƯT Nguyễn Hải |
Đối với NSƯT Nguyễn Hải, không thể trông mặt mà bắt hình dong. Bởi lẽ, nếu cứ quy chiếu những vai phản diện của anh để đoán định cuộc sống đời thường của anh sẽ nhầm to. NSƯT Nguyễn Hải đang mang quân hàm đại tá và phụ trách Đoàn kịch Công an nhân dân. Anh từng tốt nghiệp Đại học Mỏ Địa Chất và từng làm kỹ sư khai thác hầm lò một thời gian tại Quảng Ninh. Sau đó, máu nghệ thuật nổi dậy, Nguyễn Hải trở thành sinh viên già nhất của lớp diễn viên Khoá 7 - Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Tốt nghiệp năm 1986, Nguyễn Hải về Đoàn kịch Công an nhân dân và… chuyên trị vai phản diện.
Thực tế, NSƯT Nguyễn Hải cũng từng đóng dăm vai chính diện, nhưng… chẳng mấy ai chú ý. Chỉ cần bước lên sân khấu lần đầu tiên với vai Thiết trong vở kịch “Ông không phải là bố tôi” thì Nguyễn Hải ngay lập tức được mặc định đóng vai phản diện. Có lần, Nguyễn Hải khiếu nại đạo diễn: “Sao không giao cho tôi vai hiền lành và tử tế?”, thì nhận được câu trả lời như đinh đóng cột: “Ông mà vào vai chính diện thì hỏng mất cả bộ phim!”. Và diễn viên Nguyễn Hải chấp nhận điều ấy như một cái giá của kẻ dấn thân vào con đường nghệ thuật: "Tôi vẫn mong có cơ hội được đảm nhiệm những vai hay hơn, ấn tượng hơn thế. Chỉ hơi buồn một chút là có lẽ do cái mặt tôi không thể chính diện được nên mãi vẫn chỉ được giao vai ác. Đã gọi là nghiệp thì không thể nào bỏ được".
Nói đi phải nói lại, không phải ai cũng có khả năng đóng vai ác một cách… cực ác như Nguyễn Hải. Nhiều người xem vai diễn của Nguyễn Hải trên phim cứ ám ảnh đến mức gặp anh ngoài đời chỉ muốn lao vào… cho mấy quả đấm. Nguyễn Hải kể, một lần anh và vợ đi mua đồ. Cửa hàng hôm đó rất đông, họ vui vẻ đứng chờ tới lượt mình. Bất ngờ, một người phụ nữ nhìn Nguyễn Hải với ánh mắt rất đề phòng rồi vội vã giữ chặt lấy chiếc túi đang đeo trên vai và… thoái lui theo phản xạ cảnh giác đang gặp đối tượng nguy hiểm.
Nguyễn Hải bèn bước theo giải thích: "Chị ơi, em không xấu như trên phim đâu mà chị sợ!". Vợ của Nguyễn Hải cũng phải nói đỡ cho chồng: "Chị yên tâm, đã có em ở đây rồi". Thế nhưng, người phụ nữ ấy vẫn không chưa hết lo lắng bày tỏ: "Nhìn mặt ông kinh lắm!". Đó là một trong nhiều câu chuyện được (hay bị?) phát sinh từ những vai phản diện của Nguyễn Hải, khiến anh ưu tư: “Những hoàn cảnh trớ trêu, tôi cũng thấy chua xót, cay đắng lắm chứ! Nhưng bây giờ, khi đã nhiều tuổi, tôi lại cảm thấy bình thường và vui vẻ chấp nhận điều đó. Bởi, nói cho cùng, do mình diễn tới ngưỡng nào đó nên khán giả mới ấn tượng và phản ứng như vậy".
NSƯT Nguyễn Hải có thương hiệu đóng vai phản diện |
Cái thương hiệu đóng vai ác của NSƯT Nguyễn Hải không chỉ tác động đến người lạ mà còn ảnh hưởng đến người thân xung quanh. Khi bộ phim “Chuyện làng Nhô” phát sóng, vai Trịnh Khả trở thành đề tài của xóm nhỏ ở quê Nguyễn Hải. Bố của Nguyễn Hải gọi điện thoại trách mắng: "Thiếu gì vai tử tế mà con lại diễn cái vai mất dạy, tù tội ấy? Để rồi mỗi lần người ta đi qua ngõ nhà, người ta lại réo lên “Con ông là thằng mất dạy!". Tôi không cần biết! Tôi nuôi dạy anh như thế, cho anh ăn học như thế, anh làm gì anh cũng phải nghĩ chứ!". Nguyễn Hải phải tốn rất nhiều thời gian mới thuyết phục được bố đẻ rằng, đó chỉ là sáng tạo trên màn ảnh để ông cụ nguôi ngoai.
Chưa hết, hai đứa con của NSƯT Nguyễn Hải lúc còn nhỏ cũng vì xem phim mà… xa lánh bố. Cậu con trai mỗi lần thấy bố về nhà là lập tức chạy trốn. Còn cô con gái mỗi khi bố đến gần thì khóc thét lên. Cũng may, mỗi ngày dần khôn lớn, hai đứa con của Nguyễn Hải mới thấy bố “đóng phim hay quá”. Nguyễn Hải thổ lộ: “Có người hỏi, hay là do cái mặt tôi trông "đểu đểu" nên hợp vai? Khuôn mặt tôi chỉ có thế thôi, bố mẹ sinh ra, tôi phải tự hào, không thể vì thế mà đi thẩm mỹ viện, đổi tướng. Tôi thích loại vai này, khẳng định mình hợp với nó và nhiều người cũng phát hiện ra ở tôi đó là khuôn mặt dành cho điện ảnh, dành cho vai phản diện. Có thể, do tôi trầm luân, vất vả từ bé. Hoàn cảnh gia đình buộc mình phải bươn chải, vật lộn để rồi có nhiều vốn sống, sống được nhiều mảnh đời. Vốn ấy tự nhiên ăn vào hình thể của tôi, ở cái dáng đi khuỳnh khuỳnh, ở cả khuôn mặt gồ ghề của mình. Dẫu như thế nào, tôi vẫn có một tình yêu lớn cho dạng vai phản diện!”.