| Hotline: 0983.970.780

Nữ bác sĩ vắt sữa tặng bé gái 7 tháng tuổi mắc Covid-19

Thứ Tư 23/06/2021 , 16:07 (GMT+7)

Nữ bác sĩ khoa cấp cứu chăm sóc và vắt sữa của mình tặng bé gái 7 tháng tuổi mắc Covid-19 đang cách ly và điều trị tại Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM).

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy cùng đồng nghiệp chăm sóc cho bé gái 7 tháng tuổi mắc Covid-19. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy cùng đồng nghiệp chăm sóc cho bé gái 7 tháng tuổi mắc Covid-19. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trên trang cá nhân của mình, bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy có viết: "Có những điều nhỏ nhoi mang lại niềm vui cho người cho và người nhận. Mình tiếp tục vắt sữa gửi cho bé đây!".

Phóng viên báo NNVN kết nối với bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy, khoa Cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương (vừa được chuyển đổi công năng thành Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương - PV) khi chị vừa hoàn thành ca trực để nghỉ trưa. 

Khi đề cập về hình ảnh của chị đang được cộng đồng mạng chia sẻ trên facebook, ở đầu dây bên kia, bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy vừa thở hổn hển, vừa cười nói: "Hình ảnh đó tôi được đồng nghiệp chụp khi mới vắt sữa cho bé uống, và chỉ nghĩ đơn giản là chia sẻ trên trang facebook cá nhân của mình như để lưu giữ lại làm kỷ niệm. Không ngờ mọi người lại quan tâm thế!".

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy kể, 0h25' ngày 22/6, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương tiếp nhận ba bố con ngụ phường An Lạc, quận Bình Tân đều mắc Covid-19, trong đó một bé gái 7 tháng tuổi và 1 bé trai 25 tháng tuổi.

Trước đó, người mẹ đi chợ đã vô tình tiếp xúc với ca mắc Covid-19, nên đã lây bệnh cho cả ba bố con. Hiện người mẹ đang điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch trong tình trạng suy hô hấp nặng.

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy cùng đồng nghiệp khoa Cấp cứu, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy cùng đồng nghiệp khoa Cấp cứu, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

"Nhìn hoàn cảnh của ba bố con, ai cũng thương, nên các bác sĩ đã sắp xếp "chỗ ngon nhất" trong khoa để ba bố con nằm chung một phòng, yên tâm điều trị bệnh. Tuy nhiên, bố bé gái phải thở oxy nằm tại chỗ nên không thể chăm sóc hai anh em, trong khi đó bé gái mới chỉ 7 tháng tuổi lại quen bú sữa mẹ nên cần sự hỗ trợ nhiều của các y bác sĩ", bác sĩ Thanh Thúy nói.

Khi nghe đồng nghiệp nói về trường hợp của bé, bác sĩ Thanh Thúy đã nghĩ ngay đến việc vắt sữa của mình để tặng bé. "Lúc đầu tôi lo lắng ba bé không đồng ý. Nhưng khi hỏi ý kiến, thì ba bé đồng ý ngay, gửi lời cảm ơn và nói "quý quá!"", bác sĩ Thanh Thúy chia sẻ.

Cứ mỗi lần vắt sữa xong, bác sĩ Thanh Thúy lại để dành cho bé gái 7 tháng tuổi. "Bé mới 7 tháng tuổi mà ngoan thấy thương, bú no là nằm ngủ ngon lành dưới chân bố. Cậu anh trai thì hết ngồi, lại nằm bên giường bên cạnh. May thay cả hai anh em khỏe mạnh, không có triệu chứng của bệnh", bác sĩ Thanh Thúy nói.

Bác sĩ Thúy cho biết, từ ngày 19/6, Bệnh viện Trưng Vương được chuyển đổi công năng thành Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương, chuyên tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19 với quy mô 1.000 giường, chủ yếu điều trị người lớn. Tuy nhiên, khi Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố hết công suất tiếp nhận thì Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương được yêu cầu tiếp nhận cả bệnh nhi.

Sau 5 ngày hoạt động, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương tiếp nhận và điều trị hơn 200 ca mắc Covid-19, trong đó hơn 20 bệnh nhi. Và bé gái 7 tháng tuổi là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất mắc Covid-19 điều trị tại đây.

Từ khi nhận điều động của bệnh viện, bác sĩ Thanh Thúy cùng đồng nghiệp tạm biệt gia đình, xa con nhỏ để vào "trực chiến" trong bệnh viện. Con trai đầu lòng của bác sĩ Thanh Thuý mới hơn 10 tháng tuổi, vẫn thường hay “rúc ti mẹ”, nhưng giờ, chị phải tạm thời xa con trai trong vòng một tháng để “chống dịch Covid-19”.

Những lần ngực căng tức vì sữa về, nhưng không thể làm sao được vì vẫn đang trong ca trực, vẫn phải mặc bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân. Sữa và cả mồ hôi vẫn cứ chảy, chị lại nhớ con!

“Mỗi ngày tôi tranh thủ vắt sữa khi có thời gian, rồi đem đổ. Những lúc như vậy, vừa tiếc vừa nhớ con da diết. Giờ tôi vắt sữa cho bé gái này, như vừa tiếp thêm sức mạnh cho bé chiến thắng bệnh, vừa tiếp thêm sức mạnh cho bản thân mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ, sớm được trở về bên con trai”, bác sĩ Thanh Thúy nghẹn ngào nói.

Bác sĩ Thanh Thúy tranh thủ ca trực làm xong công việc, giải quyết hồ sơ, rồi đợi bé gái thức dậy thì đút cho bé bú. "Chúng tôi thay phiên nhau ẵm bé, chăm sóc bé, chọc bé cười. Chỉ mong ba mẹ bé không diễn tiến xấu để cả nhà bé lại được sùm vầy cùng nhau", bác sĩ Thanh Thúy nói.

Theo bác sĩ Thanh Thúy, đa số các bệnh nhi mắc Covid-19 đều bị lây nhiễm từ gia đình. Chỉ mong người dân thực hiện tốt theo lời khuyên của Chính phủ, Bộ Y tế, "ai ở đâu thì ở yên đó", cùng với việc chích vacxin đầy đủ, để cùng hợp tác với ngành y đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, để chúng ta trở lại cuộc sống bình thường. Để những em bé nhỏ như thế không phải xa mẹ!", bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy chia sẻ.

Từ ngày 27/4 đến trưa 23/6, TP.HCM ghi nhận 2.013 ca mắc Covid-19, trong đó có 9 bệnh viện đang điều trị hơn 1.820 bệnh nhân, nhiều bệnh viện sắp hết công suất giường.

Theo kế hoạch của Sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (80 giường) và Bệnh viện Nhi đồng 2 (60 giường) chuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhi mắc Covid-19, tuy nhiên chỉ sau 5 ngày đều đã sử dụng hết công suất. Do đó, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi và Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương tiếp nhận thêm nhiều bệnh nhi Covid-19 điều trị. 

Xem thêm
Việt Nam - Indonesia hợp tác thúc đẩy an ninh lương thực

Chiều 19/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Insdonesia Andi Amran Sulaiman.

Công đoàn Bộ NN-PTNT thăm hỏi đoàn viên công tác nơi biên giới hải đảo

Ngày 17/5, Công đoàn Bộ NN-PTNT thăm hỏi, tặng quà đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn tại Công đoàn cơ sở thành viên Chi cục Kiểm ngư vùng V.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.