Lúc 4 giờ 30 sáng 24/5, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đã ghi nhận ca bệnh Covid-19 tử vong. Bệnh nhân mang mã số 4807 là Đào Thị M., 38 tuổi, quê ở xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Chị M. là công nhân Công ty TNHH Hosiden Việt Nam ở Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên.
Ngày 18/5, chị M. được lấy mẫu xét nghiệm, cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Ngày 19/5, chị được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang điều trị. Tối 20/5, Bộ Y tế công bố ca bệnh 4807.
Trong quá trình điều trị, sức khoẻ chị M. chuyển biến xấu nhanh, sáng sớm 24/5 bệnh nhân được chuyển tuyến lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để điều trị nhưng đã tử vong trên đường.
Nguyên nhân tử vong được chẩn đoán là sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi ARDS, suy hô hấp cấp nặng do nhiễm SARS-CoV-2.
Đây là ca tử vong thứ 44 tại Việt Nam liên quan đến Covid-19.
Trước đó, theo thông báo của Bộ Y tế sáng 24/5, Việt Nam có tổng cộng 43 ca tử vong tại Việt Nam từ đầu dịch, và 8 ca tử vong kể từ ngày 27/4 (bắt đầu đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam) đến nay.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, tính đến hết ngày 23/5, trên địa bàn tỉnh này vẫn có 3 ổ dịch; tổng số 917 F0 và 11.453 F1; 51.845 trường hợp F2.
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Bắc Giang, hiện nay số ca Covid-19 có dấu hiệu giảm so với với những ngày trước.
Các ca Covid-19 mắc chủ yếu là công nhân tại Khu công nghiệp Quang Châu, trong đó Công ty TNHH Hosiden Việt Nam với khoảng 4.000 công nhân của công ty này đang cách ly vẫn chiếm nhiều nhất do đến nay đã thực hiện xét nghiệm quay đầu lần 2, lần 3.
Dự báo trong những ngày tới số ca F0 vẫn tăng nhưng ít có khả năng tăng đột biến do các ổ dịch lớn đã được khoanh vùng, cách ly, các đối tượng nguy cơ cao đã được lấy xét nghiệm và đã có kết quả. Các ca bệnh phát hiện trong cộng đồng chủ yếu trong các khu vực đã cách ly, phong tỏa.
Đáng chú ý, gần đây, mỗi ngày Bắc Giang ghi nhận từ 4 đến 8 ca nhiễm trong cộng đồng, chủ yếu do tiếp xúc gần với ca nhiễm trong KCN, vì vậy, tỉnh đang tập trung phòng, chống lây nhiễm trong cộng đồng, khu vực nhà trọ công nhân.
Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng đang tập trung giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cho khoảng 60.000 công nhân ở 61 tỉnh, thành phố làm việc tại 4 KCN đang tạm thời đóng của.
Vướng mắc lớn nhất hiện nay của Bắc Giang vẫn là công suất xét nghiệm dù đã nâng lên nhưng do vừa tập trung trọng điểm, vừa sàng lọc diện rộng nên mỗi ngày vẫn còn tồn lại 20.000 đến 30.000 mẫu xét nghiệm chưa trả được kết quả trong ngày. Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Pasteur Nha Trang lắp đặt thêm máy xét nghiệm để hỗ trợ tỉnh Bắc Giang.
Về chuẩn bị bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19... hiện tỉnh đang tiếp tục khẩn trương triển khai đơn vị hồi sức tích cực chăm sóc bệnh nhân nặng (ICU), đã bố trí đủ số giường bệnh, máy theo dõi chức năng sống, máy thở tần suất cao, lắp đặt hệ thống oxy trung tâm…
Đến 19h ngày 23/5, các hạng mục thi công lắp ghép các phòng bệnh, hệ thống điện, nước của Bệnh viện dã chiến số 2 hoàn thành. Ban lãnh đạo Bệnh viện dã chiến thành lập tổ hỗ trợ triển khai hoạt động của bệnh viện, hoàn thành xây dựng các buồng bệnh, triển khai lắp đặt giường bệnh dã chiến, với công suất 620 giường.
Tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn sáng ngày 24/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ KH-ĐT phối hợp, ban hành văn bản hướng dẫn yêu cầu tất cả người làm việc trong các KCN tập trung và người làm việc trong các nhà máy phải thực hiện khai báo y tế.
“Diễn biến tại Bắc Ninh, Bắc Giang cho thấy chúng ta phải phòng ngừa từ sớm, từ xa. Nếu có thêm nhiều tỉnh xuất hiện dịch bệnh trong KCN mà không có khai báo y tế trước, không đánh giá được nguy cơ thì sẽ rất lúng túng. Bộ Công Thương, chính quyền địa phương phải tăng cường trách nhiệm hơn nữa”, Phó Thủ tướng nói.