| Hotline: 0983.970.780

Nụ cười của người vùng cao Khuổi Bốc

Thứ Sáu 29/07/2022 , 06:12 (GMT+7)

Từ chỗ cả bản không có xe máy, thiếu lương thực quanh năm và thiếu áo ấm khi mùa đông về, nhưng chỉ sau 2 năm, đời sống ở bản Khuổi Bốc đã đổi thay.

Bản vùng cao "5 không"

Bản Khuổi Bốc, với 100% là người dân tộc Mông ở xã Xuân La, huyện Pác Nặm,  một trong những thôn, bản khó khăn nhất của tỉnh Bắc Kạn. Mặc dù chỉ cách trung tâm xã Xuân La khoảng 7km, cách trung tâm huyện Pác Nặm là 12km, nhưng trước năm 2020 để đến được với bản Khuổi Bốc là không phải đơn giản. Ngoài nghị lực ra, bản thân mỗi người phải có sức khỏe để đi bộ qua những con đường mòn, uốn lượn quanh những sườn núi cao mây mù bao phủ. Quãng đường đó dài khoảng 5km, người dân bản đi quên thì mất khoảng hơn một giờ đồng hồ, còn người bình thường cũng mất tầm ba giờ, vừa đi vừa nghỉ.

Ông Lý A Tu, Trưởng thôn Khuổi Bốc kể lại: Trước năm 2020, bản chúng tôi khó khăn lắm, cả bản gần như không có xe máy vì chưa có đường bê tông như bây giờ. Lúc ấy chỉ là đường mòn, người dân trong bản đi ra trung tâm xã, đi ra huyện (Pác Nặm) là phải đi bộ. Đến dịp chợ phiên ở huyện, là từ 4 – 5h sáng mọi người đã cất tiếng hú gọi nhau đi thành đoàn. Người thì địu con lợn, người thì xách lồng gà, người khoắc túi hoặc gùi ngô mang ra chợ bán, đổi lại là mua quần áo, mua cá khô và vật dụng gia đình mang về. Từ bản ra chợ huyện cũng chỉ hơn 10km, nhưng chủ yếu là đi bộ, nên mọi người đi từ sớm như vậy, nhưng đến qua trưa mới về đến nhà.

Trước năm 2020, phương thức đi lại của dân bản Khuổi Bốc chủ yếu là đi bộ, nghèo đói bủa vây người dân. Ảnh: Toán Nguyễn

Trước năm 2020, phương thức đi lại của dân bản Khuổi Bốc chủ yếu là đi bộ, nghèo đói bủa vây người dân. Ảnh: Toán Nguyễn

Thời điểm đó, Khuổi Bốc không có đường giao thông, không có điện lưới quốc gia, không có nước sạch, không có điểm trường học kiên cố và không có cán bộ y tế thôn bản được đào tạo. Là một bản làng 5 không đúng nghĩa của tỉnh Bắc Kạn, nên không khó hiểu vì sao 100% các gia đình là hộ nghèo, đời sống người dân thiếu đói những dịp giáp hạt đã là thường niên ở mảnh đất vùng cao này. Mèn mén, loại thức ăn nấu bằng ngô say và ăn với muối trắng, với rau dại đã trở thành món ăn quen thuộc của người dân.

Theo như Trưởng bản Lý A Tu, lý do có việc nghèo đói ở Khuổi Bốc là không có đường giao thông, người dân ít được tiếp cận với con chữ, được giao lưu văn hóa và bị kìm hãm trong trao đổi hàng hóa. Bản Khuổi Bốc cũng không có điện lưới nên người dân cũng không được xem tivi, thường xuyên nghe đài và không biết sử dụng điện thoại, nên sự hiểu biết là rất hạn chế. Ngoài được cán bộ đến hướng dẫn trồng ngô, trồng lúa theo đúng kỹ thuật và đúng mùa vụ, thì người dân không biết cách tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn thương phẩm. Nghèo đói vì vậy mà mãi đeo bám người dân Khuổi Bốc.

Các cơ quan báo chí vào cuộc huy động tài trợ từ các nhà hảo tâm

Năm 2020 đánh dấu cho sự thay đổi diện mạo thần kỳ của người dân Khuổi Bốc, bắt đầu từ một chuyến công tác của các nhà báo đến với huyện Pác Nặm, đến với xã Xuân La và đến với bản vùng cao này.

Điểm trường Khuổi Bốc, một trong những công trình nhận được hỗ trợ xây dựng vào năm 2020. Ảnh: Toán Nguyễn.

Điểm trường Khuổi Bốc, một trong những công trình nhận được hỗ trợ xây dựng vào năm 2020. Ảnh: Toán Nguyễn.

Nhà báo Lục Đại Lượng, Phó Giám đốc Đài PT-TH Bắc Kạn kể lại: Đến với Khuổi Bốc, cảm nhận được đời sống của người dân nơi đây quá nghèo khó, vì vậy phải làm điều gì đó để giúp đỡ phần nào bớt khó khăn. Vì vậy chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho anh em phóng viên huy động nguồn lực từ các tổ chức hảo tâm xây dựng công trình thiện nguyện tại xã Xuân La và bản Khuổi Bốc. Ngoài ra, chúng tôi cũng liên hệ với bạn bè đồng nghiệp của các cơ quan báo chí có uy tín khác để cùng chia sẻ với những khó khăn người dân đồng bào.

Xuất phát từ lý do trên, đại diện của Báo Nông nghiệp Việt Nam và Báo Nhân dân tại Bắc Kạn cũng đã vào cuộc, liên hệ với các nhà hảo tâm, tìm kiếm nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp ở Hà Nội và Bắc Kạn chung tay đầu tư những công trình thiện nguyện cho xã Xuân La.

Ngay những ngày đầu năm 2020, Báo Nhân dân trao tặng 100 tấn xi măng cho UBND xã Xuân La, sau đó Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bắc Kạn và Báo Nông nghiệp Việt Nam đã tiến hành xây dựng điểm trường Khuổi Bốc, đường bê tông, sân thể thao (cầu lông, bóng chuyền và là nơi sinh hoạt văn hóa của bà con dân bản Khuổi Bốc). Tổng số tiền đầu tư có giá trị vào là hơn 500 triệu đồng, Đoàn Thanh niên của xã Xuân La và bà con bỏ ngày công lao ra thực hiện việc xây dựng.

Ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam (giữa), cùng các doanh nghiệp hảo tâm làm thủ tục bàn giao công trình thiện nguyện cho lãnh đạo huyện Pác Nặm tại thôn Khuổi Bốc. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam (giữa), cùng các doanh nghiệp hảo tâm làm thủ tục bàn giao công trình thiện nguyện cho lãnh đạo huyện Pác Nặm tại thôn Khuổi Bốc. Ảnh: Toán Nguyễn.

Cùng với nguồn lực đầu tư từ chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Pác Nặm và các nguồn tài trợ của 3 cơ quan báo chí, đường giao thông bê tông đã xây dựng hoàn thiện, kết nối từ thôn Khuổi Bốc đến trung tâm xã Xuân La. Trẻ em dân bản đã có trường học kiên cố để học tập, dân bản đã có nơi tập trung vui chơi hàng ngày.

Trong buổi bàn giao công trình vào cuối tháng 12/2020, ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, trong những năm vừa qua, Báo Nông nghiệp Việt Nam luôn đồng hành với các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trao tặng quà từ thiện trên khắp cả nước, là những món quà có ý như xe đạp cho học sinh nghèo, công trình từ thiện cho bà con. Những chương trình từ thiện như đã thực hiện tại thôn Khuổi Bốc, xã Xuân La mong rằng sẽ góp phần thay đổi đời sống cho bà con, giảm bớt phần nào khó khăn và có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Từ chỗ người dân Khuổi Bốc chủ yếu là đi bộ do không có đường giao thông, thì chỉ sau 2 năm, nhà nào cũng đã có từ 1 - 2 xe máy làm phương tiện đi lại. Ảnh: TN.

Từ chỗ người dân Khuổi Bốc chủ yếu là đi bộ do không có đường giao thông, thì chỉ sau 2 năm, nhà nào cũng đã có từ 1 - 2 xe máy làm phương tiện đi lại. Ảnh: TN.

Nụ cười của dân bản Khuổi Bốc

Sau 2 năm trôi qua, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam trở lại với xã Xuân La, được cán bộ tại địa phương kể về những đổi thay chóng mặt ở thôn Khuổi Bốc. Điều kiện sống, thu nhập của bà con dân bản đã vượt xa những kỳ vọng của nhiều người, từ những nhà hảo tâm cho tới lãnh đạo chính quyền địa phương.

Ông Lộc Văn Huyến, Phó Chủ tịch UBND xã phấn khởi nói: “Xã Xuân La rất cảm ơn sự giúp đỡ của các cơ quan báo chí, nhờ có các nguồn tài trợ mà nhiều đoạn đường ở địa phương đã được bê tông hóa hoàn thiện, bà con thuận lợi đi lại, vận chuyển hàng hóa, trẻ em đến trường được thuận lợi. Từ chỗ người dân cơ bản đi bộ đi lại, thì nay nhà nào cũng có từ 1 đến 2 cái xe máy, xe ô tô tải vào tận nơi thu mua nông sản cho bà con. Mặc dù dân bản chủ yếu vẫn là hộ nghèo, nhưng thu nhập của bà con đã được nâng lên gấp cả chục lần so với trước năm 2020.

Để kiểm chứng sự thay đổi mà đồng chí lãnh đạo xã Xuân La nói, chúng tôi đã lên với bản Khuổi Bốc. Những hình ảnh người người đi bộ gùi hàng như trước kia đã không còn, mà thay bằng những chiếc xe máy, đâu đâu cũng thấy rộn vang tươi cười vui vẻ của bà con.

Cây trúc và nhiều loại lâm sản khác ở Khuổi Bốc chỉ để làm củi, thì nay trở thành hàng hóa, ô tô tải vào thu mua tận nơi. Ảnh: TN.

Cây trúc và nhiều loại lâm sản khác ở Khuổi Bốc chỉ để làm củi, thì nay trở thành hàng hóa, ô tô tải vào thu mua tận nơi. Ảnh: TN.

Chị Siên, một người đang xếp những bó trúc ở cạnh đường bê tông, khi thấy phóng viên đến hỏi chuyện đã rất vui vẻ nói: Trước đây chưa có đường như này (trước chỉ là đường mòn), thì cây trúc chỉ làm củi thôi, chứ vác vai theo bó lên đến mấy km ra ngoài kia thì không được, bao giờ mới đủ xe, đủ chuyến để bán. Còn giờ xe tải đã vào tận nơi thu mua, mỗi xe cũng bán được trên dưới 10 triệu đồng (tùy theo từng xe).

Trưởng thôn Lý A Tu phấn khởi nói, nhờ các anh nhà báo mà dân bản Khuổi Bốc giờ sướng hơn nhiều rồi, dễ kiếm tiền hơn. Bà con muốn bán hàng gì thì gọi người mua đánh ô tô đến tận nơi, đi chợ thì chỉ mất hơn 10 phút là tới nơi, không phải đi bộ cả ngày như trước nữa. Bà con dân bản giờ chỉ thiếu mỗi điện lưới thôi, mong Nhà nước sớm quan tâm đầu tư để được xem tivi học hỏi kiến thức, vừa là đáp nhu cầu giải trí của người dân.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.