| Hotline: 0983.970.780

Nữ 'Đồ Chiểu' của những người khiếm thị

Thứ Hai 14/10/2024 , 08:03 (GMT+7)

Đôi mắt chỉ còn nhìn thấy màu đen sau sự cố năm 14 tuổi, chị Hồng vẫn nỗ lực trên hành trình tìm con chữ và nhiều dự án dạy nghề cho người khiếm thị.

Bước ngoặt cuộc đời

Nguyễn Thị Hồng (1988, thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội) từng có đôi mắt sáng nhưng trong một lần chơi đùa cùng bạn đã không may bị vật cứng đâm vào mắt. Sự cố khiến Hồng bị vỡ nhãn cầu, tê liệt toàn bộ dây thần kinh và đôi mắt cứ thế mờ dần. Cuộc sống với Hồng lúc ấy như đã khép lại.

Với người có khiếm khuyết bẩm sinh, họ đã sớm quen với cuộc sống thiếu những bộ phận trên cơ thể. Nhưng Hồng - một người mắt sáng, giờ đây phải chấp nhận sống cuộc sống không màu, quả thực không dễ dàng. Tâm sự với chúng tôi, cô gái ngoài 30 không giấu được cảm xúc khi nhớ lại những ký ức không vui.

Nước mắt trực tràn trên khuôn mặt đã điểm vài đốm tàn nhang, Hồng kể: “Mình đi đối diện thì mọi người không nói gì. Nhưng mà chỉ cần qua hai bước chân là ngay lập tức bắt đầu rì rầm rằng ừ đấy, con bé đấy, nó bị như thế, nó bị hỏng mắt, nó không nhìn được? Lúc đấy mình có cảm giác như là một sinh vật lạ hoặc một động vật trong vườn thú để mọi người soi, mọi người ngắm”.

Sự cố năm 14 tuổi khiến cuộc sống của chị Hồng gần như khép lại ở thời điểm đó. Ảnh: Minh Toàn.

Sự cố năm 14 tuổi khiến cuộc sống của chị Hồng gần như khép lại ở thời điểm đó. Ảnh: Minh Toàn.

Không bạn bè, không ánh sáng, mọi hiểu biết của Hồng đều chỉ nhờ một chiếc đài radio. Lần nọ tình cờ, cô gái trẻ nghe được trên đài câu chuyện về một người bị liệt toàn thân, chỉ có đầu và một chân cử động được. Nhưng người đàn ông ấy vẫn ngồi xe lăn, đi bán vé số dạo và cười, nói, hát ca mỗi ngày vì “Nếu như tôi khóc mà có thể tốt hơn thì tôi sẽ khóc. Còn nếu tôi khóc mà không thể thay đổi được điều gì thì tại sao tôi không cười”. Câu nói ấy đã giúp Hồng bước tiếp.

Lần khác nghe đài, Hồng biết được câu chuyện của những học sinh khiếm thị ở trường Nguyễn Đình Chiểu. Đó là lần đầu tiên, Hồng biết đến những người giống như mình.

Gạt bỏ suy nghĩ “trên đời này chỉ có một mình mình hỏng mắt”, Hồng tự nhủ “mình không thể như thế này mãi được”. Cô gái nhớ lại và nói rằng cô đã khóc thật nhiều vì sợ bản thân là kẻ tật nguyền sẽ tăng thêm gánh nặng cho mẹ già. Vậy là Hồng xin mẹ cho đi học.

Dù bị phản đối, Hồng quyết tâm phải thuyết phục gia đình bằng mọi giá. Bố mẹ Hồng đành phải bàn nhau đi tìm trường cho con. Thương bố mẹ chở đi vất vả, Hồng quyết định xin bố mẹ tự đi xe bus đến trường và đi làm thêm: “Trong tuần, tôi đi xoa bóp, bấm huyệt. Mỗi tháng nhận được 600.000 đồng. Số tiền này tuy nhỏ nhưng vẫn đủ để nuôi sống bản thân” – Hồng rưng rưng kể lại.

Vầng trăng khuyết

Mong mình cũng như số đông, Hồng muốn học cao, có cái chữ, có bằng cấp, có công việc và giúp được người khác. Vì vậy, hoàn thành chương trình lớp 12, cô gái nộp hồ sơ đăng ký xét ưu tiên vào ngành Công tác xã hội của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn để tiếp tục hành trình tìm kiếm con chữ.

Lên đại học, khó khăn lại càng chồng chất khó khăn cứ thế bủa vây lấy Hồng. Cô gái trẻ cho biết, cô thường phải đi dưới lòng đường vì trên vỉa hè người ta để nhiều đồ, có những lúc va quệt không thể tránh được: “Có lần từ trên xe buýt bước xuống, có xe máy đi vọt lên nên khi đặt chân xuống mình bị bánh xe máy quẹt vào chân. Do không nhìn thấy nên phản xạ của mình rất chậm. Nhiều khi mình chưa kịp phản ứng gì người ta đã mắng cho. Ban đầu cũng thấy ức chế, nhưng giờ quen rồi”.

Dù cuộc sống khó khăn nhưng chị Hồng vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Ảnh: NVCC. 

Dù cuộc sống khó khăn nhưng chị Hồng vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Ảnh: NVCC. 

Ở trường, chữ nổi ghi rất chậm, slide trôi nhanh khiến Hồng không thể ghi chép. Chán nản, bất lực vì không có tài liệu, cô sinh viên cứ thế “tay không bắt giặc” do không thể đọc được giáo trình.

Những tưởng không thể tiếp tục, cô gái ấy vẫn quyết tâm không bỏ cuộc. Hồng xúc động tâm sự với chúng tôi: “Hóa ra, ai rồi cũng có thể nỗ lực tỏa sáng theo cách riêng. Có những cơ thể không lành lặn nhưng vẫn đem lại nhiều đẹp đẽ cho đời”.

Cô ghi lại từ khoá trong các bài giảng, sau đó về nhà tìm kiếm giáo trình trên mạng, ghi âm lời giảng viên và nghe lại vào buổi tối. Cứ như thế, suốt trong những năm đại học, bằng những phương pháp đặc biệt này cô gái khiếm thị đã vượt qua tất cả các môn, thậm chí đã thu về cho mình những “trái ngọt” xứng đáng.

Hành trình đi tìm con chữ trên giảng đường đại học của chị Hồng khó khăn chồng chất khó khăn. Ảnh: NVCC.

Hành trình đi tìm con chữ trên giảng đường đại học của chị Hồng khó khăn chồng chất khó khăn. Ảnh: NVCC.

Trong quá trình học, không những vượt qua các môn, Hồng còn làm được điều không tưởng khi hoàn thành chương trình học chỉ sau 3,5 năm và đạt danh hiệu thủ khoa khoa Xã hội học, á khoa trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cùng 81 sinh viên xuất sắc nhận bằng khen tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Tâm sáng

Sau khi tốt nghiệp, công việc của Hồng không được thuận lợi như mong đợi. Một công việc ổn định để có thể tự nuôi sống bản thân là ước mong không chỉ của Hồng mà là của tất cả những người khuyết tật, những định kiến vô hình đã là rào cản trên con đường hòa nhập của người khiếm khuyết.

Hồng kể lại, một lần đi phỏng vấn không thành, người đó nói thẳng: “Xét về kinh nghiệm và kiến thức của em là quá đủ. Nhưng chị tuyển nhân viên không chỉ về chuyên môn.” Không xin được việc, Hồng thất vọng hoàn toàn: “Bao nhiêu năm học như vậy rồi không làm được gì, thật uổng phí, có người nặng lời thì bảo mang tiếng đi học, tốt nghiệp thủ khoa cuối cùng cũng chỉ thế mà thôi’”.

Vượt qua hoàn cảnh, Hồng học thêm tiếng Anh, làm cho tổ chức phi chính phủ Australia ACCV (Australia Charity For Children Of Vietnam) và giành được cơ hội đi tập huấn ở nước ngoài. Đây cũng chính là dấu mốc trong hành trình đầy nghị lực và bản lĩnh của cô gái khiếm thị.

Ðến Trung tâm Thúc đẩy hoà nhập và cố vấn đào tạo cho người khuyết tật tại huyện Thanh Trì (Hà Nội), chúng tôi gặp những người học trò đang miệt mài, say sưa với học nghề. Nhờ tham gia lớp học trồng nấm, nhiều người khiếm thị đã có những trải nghiệm quý giá trong cuộc đời: “Cầm trong tay thành quả do chính mình làm ra, mình đã vô cùng xúc động. Nhân đây mình cũng muốn cảm ơn Hồng đã cho mình được tham gia quá trình trồng nấm và nhiều bài học quý giá với nghề”.

Chị Hồng không những giúp được mình mà còn giúp được nhiều người có công việc ổn định. Ảnh: NVCC.

Chị Hồng không những giúp được mình mà còn giúp được nhiều người có công việc ổn định. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh đó, cô gái phi thường ấy còn đang là chủ nhiệm Trung tâm Hòa nhập và cố vấn đào tạo cho người khuyết tật. Hoạt động chính là tư vấn tâm lý và trợ giúp các hoạt động công tác xã hội cho người khuyết tật và gia đình. Bằng một nghị lực phi thường nào đó, “vầng trăng khuyết” ấy đã vượt qua mọi định kiến, rào cản để vươn lên, hiên ngang tỏa sáng giữa đời.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Những loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng tại Việt Nam từ 1/2025

Bộ NN-PTNN vừa ban hành Thông tư về Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam từ tháng 1/2025. Sẽ có những loại thuốc nào bị cấm?

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.