Nhà văn Di Li. |
Tùy bút ẩm thực là một đề tài đặc biệt luôn thu hút độc giả Việt qua nhiều thế hệ. Trên văn đàn Việt Nam, tuy không có quá nhiều tác giả đi vào dòng văn học này nhưng những tùy bút ẩm thực của Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Băng Sơn, và sau này là Y Phương, Nguyễn Quang Thiều, Ngữ Yên, Đỗ Phấn… đã như một mâm cỗ văn hóa rực rỡ và tỏa hương để tôn vinh ẩm thực Việt qua ngòi bút văn chương của mình.
Qua những trang văn, ẩm thực hiện lên không chỉ là những món ăn mà còn là hồn cốt của một dân tộc, là linh hồn của lịch sử và đánh dấu những vùng địa lý khác nhau. Ở đó có ký ức và những câu chuyện kể của các nhà văn khi ẩm thực chỉ là cái cớ để chia sẻ được nhiều điều khác.
Nhà văn Trần Tiến Dũng, tác giả của cuốn “Món ngon và gia vị cảm xúc” cũng cho rằng “Một phần quan trọng tinh hoa của văn hóa ẩm thực, đó là đọc văn viết về món ăn cũng là một cách ăn bằng ngôn ngữ mẹ đẻ để sinh dưỡng tâm hồn, thể chất, từ đó kết tinh tình yêu hạnh phúc để cùng vạn vật hòa hiệp sự ham sống, niềm vui sống”.
Tuy nhiên, cũng giống như những đầu bếp đỉnh cao đã đi vào huyền thoại đều là nam giới chứ hiếm khi có khuôn mặt phụ nữ, trong số các cây bút viết ẩm thực gạo cội cũng chưa thấy mấy người nữ đi vào lĩnh vực này.
Di Li là một tác giả nữ hiếm hoi đã say mê với đề tài mà chị cho rằng cũng “thăng hoa không khác gì khi sáng tác tiểu thuyết trinh thám” khi cùng lúc phát hành hai cuốn sách “Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa” và “Nửa vòng Trái đất uống một ly trà”.
Với 107 câu chuyện về ẩm thực cùng tổng số 650 trang sách, nhà văn Di Li đã bày ra đủ đầy dư vị đa dạng, từ những món ăn tình cờ chỉ duy nhất một lần trong đời trên đường thiên lý mà tác giả ví như một cuộc tình ngắn ngủi giữa chàng trai mới lớn với cô gái Digan xinh đẹp cho tới những món muôn năm cũ là phở Nam Định và cả phở Berlin, từ những món ăn nhanh 1 phút như mỳ ăn liền tới món bún thang cầu kỳ, từ món cầu gai ngoài biển khơi cho đến bún đỏ và phở khô phố núi, từ món phổ thông là bánh mì cho đến những khẩu vị li kỳ là lẩu hoa, cá sấu, chuột đồng.
Đây là bộ đôi tùy bút ẩm thực đầu tiên viết về những món ăn vòng quanh thế giới và Việt Nam. Với “Nửa vòng Trái đất uống một ly trà”, Di Li đã dành tâm huyết cho những trang sách áp cuối mà chị gọi là “chương trà”.
Bộ đôi tùy bút ẩm thực. |
Để thực hiện nốt seri hoàn chỉnh về 8 vùng văn hóa trà, Di Li cho biết chị đã lên Tây Tạng chỉ với mục đích chính là viết về món trà bơ núi tuyết. Bên cạnh đó, nghệ thuật tối giản trong ẩm thực Nhật Bản, những món ăn cầu kỳ Trung Hoa hay gia vị bí ẩn của đồ ăn Trung Đông, phong cách lạ lùng của thực đơn Bắc Phi và Ấn Độ Dương cùng các món ăn lãng mạn vùng Địa Trung Hải cũng như bếp ăn của người vùng Scandinavia đã giống như một chuyến du hành ẩm thực bằng khinh khí cầu mà ở đó độc giả sẽ bay bổng khám phá các nền văn hóa mới lạ qua những trang văn hài hước quen thuộc của Di Li.
Ngài Saadi Salama, đại sứ Palestine bình luận sau khi đọc bộ đôi này: “Người Ả rập có câu: Đến bất cứ nơi nào, bạn hãy đi vào khu chợ địa phương của họ thì sẽ biết người dân ở đó sinh sống như thế nào. Hai cuốn sách này của Di Li cũng như một khu chợ đa văn hóa và giàu phong vị, mà ở đó người ta vừa có thể thưởng thức một món ăn sang trọng trên ban công hay chỉ là bữa ăn giản dị ven đường của một gã Thổ Nhĩ Kỳ hay cô gái Nga xinh đẹp”.
Còn nhà thơ Lê Minh Quốc chia sẻ: “Hai tập sách mới của Di Li có gì mới? Mới từ những chuyện đã cũ. Tỷ như ăn và uống. Nhưng mới bởi cách nhìn mới khiến ta có cảm giác như đang cùng thưởng thức với Di Li. Văn chương nghĩ cho cùng, thưởng thức nó cũng là một khoái cảm như lúc tận hưởng món ăn ngon và uống ngon. Và tất nhiên, không chỉ có thế…”.