| Hotline: 0983.970.780

Nuôi bò vỗ béo 'thắt lưng buộc bụng' vượt khó

Thứ Sáu 17/11/2023 , 11:04 (GMT+7)

Trong bối cảnh giá bò thịt đang giảm, với hơn 20 con bò đang được nuôi vỗ béo, anh Sơn phải giảm chi phí để cầm cự qua giai đoạn khó khăn.

Trang trại nuôi bò vỗ béo của anh Nguyễn Đức Sơn ở thôn Thanh Minh, xã Canh Hiển (huyện Vân Canh, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Trang trại nuôi bò vỗ béo của anh Nguyễn Đức Sơn ở thôn Thanh Minh, xã Canh Hiển (huyện Vân Canh, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Bò cũng phải “thắt lưng buộc bụng”

Đến thăm gia trại nuôi bò vỗ béo của anh Nguyễn Đức Sơn, Bí thư, Trưởng thôn Thanh Minh, xã Canh Hiển (huyện Vân Canh, Bình Định), trên khoảnh đất rộng khoảng 120m2, chúng tôi thấy anh Sơn xây dựng 2 dãy chuồng nuôi bò vỗ béo. Chuồng nuôi bò của anh Sơn được chia thành 2 khu, 1 khu nuôi 3 con bò sinh sản và 1 khu nuôi 21 con bò vỗ béo.

“Tính đến nay, chi phí làm chuồng trại và vốn của 24 con bò đang nuôi trong chuồng có tổng đầu tư gần 700 triệu đồng. Năm 2020, khi tôi vừa bước vào nghề nuôi bò vỗ béo đúng lúc giá bò xuống thấp, thậm chí đầu ra cũng khó khăn. Mấy năm nay tôi phải bằng mọi cách tiết giảm chi phí đầu vào để mới có thể trụ được trong bối cảnh khó khăn này”, anh Sơn chia sẻ.

Những con bò nái sinh sản của anh Sơn gồm các giống bò lai Sind và Red Angus được phối giống bò BBB (Blanc Bleu Belge) để cho ra những con bê vạm vỡ. Mỗi năm 1 lứa, 3 con bò cái của anh Sơn đẻ được 3 bê con, nếu là bê cái anh Sơn bán cho người nuôi bò sinh sản, nếu là bê đực anh Sơn để lại nuôi vỗ béo thành bò thịt thì xuất bán. Ngoài ra, anh Sơn còn mua bò ốm giống BBB về vỗ béo thành bò thịt bán kiếm lãi.

Những con bò BBB được nuôi vỗ béo trong gia trại của anh Nguyễn Đức Sơn ở thôn Thanh Minh, xã Canh Hiển (huyện Vân Canh, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Những con bò BBB được nuôi vỗ béo trong gia trại của anh Nguyễn Đức Sơn ở thôn Thanh Minh, xã Canh Hiển (huyện Vân Canh, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Bò vỗ béo anh Sơn mua những con bò khoảng 6-7 tháng tuổi về cho ăn tích cực đến khi đủ trọng lượng thì bán. Bò BBB có sức ăn rất phi thường, trong bối cảnh giá bò thịt đang thấp, giá thức ăn tinh thì cao, nên anh Sơn phải tiết giảm chi phí đầu vào bằng cách cho bò ăn chủ yếu bã đậu, bã bia, cỏ, thức ăn công nghiệp chỉ cho ăn 1 ít.

“Để vỗ béo bò trong điều kiện hiện nay, mỗi ngày 1 con bò tôi chỉ cho bò ăn 2-3kg cám công nghiệp, còn lại cho ăn thêm 6-7kg phụ phẩm gồm bã đậu, bã kia và khoảng 60-70kg cỏ/con. Hiện cám công nghiệp có giá 10.000đ/kg, trong khi bã đậu chở đến nơi chỉ có 2.200đ/kg, bã bia cũng có giá chỉ 1.600đ/kg. Vậy nên tôi tăng cường cho bò ăn bã bia và bã đậu cùng với cỏ để giảm chi phí đầu vào, có như vậy mới có thể trụ được trong bối cảnh khó khăn hiện nay”, anh Nguyễn Đức Sơn chia sẻ.

Anh Nguyễn Đức Sơn trồng 15 sào (500m2/sào) cỏ voi để cho bò ăn. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Nguyễn Đức Sơn trồng 15 sào (500m2/sào) cỏ voi để cho bò ăn. Ảnh: V.Đ.T.

Lo dự trữ thức ăn cho bò trong mùa mưa

Ngoài bổ sung khẩu phần ăn cho bò bằng các loại phụ phẩm bã đậu, bã bia, anh Sơn còn trồng 15 sào  (500m2/sào) cỏ voi để làm thức ăn xanh cho bò. Ngoài lượng cỏ cho bò ăn tươi hàng ngày, khi cỏ già, lên cao khoảng 2-3m, anh Sơn cắt cho vào máy băm nhỏ, ủ trong bao bố đến cả tấn để dự trữ cho bò ăn trong mùa mưa.  Bên cạnh đó, anh Sơn mua bã bia về ủ với men vi sinh để cho bò ăn dần.

Ngoài ra, gia đình anh Sơn còn làm 5 sào ruộng, mỗi năm 2 vụ thu hoạch được 600-700 cục rơm dự trữ làm thức ăn bổ sung cho bò.

“Hiện rơm có giá rất đắt, tôi vừa mua thêm rơm dự trữ để đàn bò khỏi đứt thức ăn vào mùa mưa. Rơm thương lái chở đến bán tận nơi có giá 36.000đ-37.000đ/cục, còn nếu mình đến tận ruộng mua giá chỉ 19.000đ/cục, chi phí vận chuyển về đến nhà mỗi cục rơm có giá 22.000đ. Tôi phải mua rơm dự trữ, chứ vào mùa mưa cỏ không phát triển, tôi lo đàn bò đứt nguồn thức ăn bổ sung, nếu cho bò ăn toàn thức ăn tinh có giá 10.000đ/kg thì lỗ to”, anh Sơn cho hay.

Trong bối cảnh giá bò thịt giảm sâu và giá thức ăn tinh cao như hiện nay, anh Sơn không mua bò 6-7 tháng tuổi về nuôi vỗ béo như trước đây nữa, bởi mua con bò 6-7 tháng tuổi phải vỗ béo thời gian dài mới xuất chuồng được. Do đó, hiện anh Sơn chỉ mua những con bò lớn, có giá khoảng 20-21 triệu đồng/con, vỗ béo từ 3 đến tháng rưỡi xuất chuồng may ra còn kiếm được chút lời.

Anh Nguyễn Đức Sơn băm cỏ ủ để dự trữ cho bò ăn trong mùa mưa. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Nguyễn Đức Sơn băm cỏ ủ để dự trữ cho bò ăn trong mùa mưa. Ảnh: V.Đ.T.

“Giá bò thịt hiện nay đang chạm đáy. Ở Vân Canh thương lái mua bò không bằng cân lượng mà chỉ cân “bằng mắt”, gọi là mua bộ, họ định con bò mình nặng bao nhiêu rồi quy ra tiền trả giá mua. Bò lai hiện có giá từ 65.000đ-70.000đ/kg hơi, bò BBB có giá 80.000đ - 85.000đ/kg, riêng bò BBB phải nuôi từ 24 tháng trở lên mới đạt thịt, bán được giá cao. Khi giá bò thịt còn cao như cách đây 2 năm, bò BBB nuôi vỗ béo cho lãi từ 800.000đ đến 1 triệu đồng/tháng/con”, anh Sơn cho biết.

Theo anh Sơn, nguyên nhân giá bò thịt trong nước giảm chạm đáy do bò nhập lậu từ Campuchia và Thái Lan về quá nhiều và bán giá rất thấp nên bò nuôi trong nước cạnh tranh không lại.

“Người chăn nuôi bò hiện nay đang phải “thắt lưng buộc bụng” về chế độ ăn cho bò để trụ được trong bối cảnh khó khăn, chờ Nhà nước có giải pháp ngăn chặn triệt để bò nhập lậu thì người chăn nuôi trong nước mới “thở” được”, anh Sơn chia sẻ.

“Kinh tế mũi nhọn của huyện miền núi Vân Canh chủ yếu là chăn nuôi và trồng rừng sản xuất. Riêng đàn bò của huyện Vân Canh hiện có 14.320 con. Từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, huyện Vân Canh đi theo hướng phát triển trồng cây ăn quả và phát triển du lịch cộng đồng, nhưng chủ yếu vẫn tập trung phát triển kinh tế rừng và chăn nuôi bò quy mô trang trại theo chuỗi liên kết giá trị”, ông Lê Minh Tiến, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Vân Canh cho hay.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Chuyển đất lúa kém hiệu quả trồng tràm năm gân

NINH BÌNH Việc chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng tràm năm gân giúp người dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình gia tăng giá trị sản xuất và thu nhập.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.