Thời tiết vào mùa đông ở vùng cao rất khắc nghiệt nên việc chuyển ruộng sang nuôi thuỷ sản đã cho thấy hiệu quả. Từ diện tích chuyển đổi này, các hộ dân đã đưa vào nuôi cá chép gối vụ, mỗi năm cho thu hàng chục tấn cá.
Ông Hoàng Văn Sâm ở thôn Sung 2, xã Khánh Yên Hạ (huyện Văn Bàn, Lào Cai) sử dụng 0,3ha ruộng lúa đã gặt để dâng thêm nước và mua cá chép về thả. Từ chỗ tạo nguồn thực phẩm cho gia đình, việc nuôi cá chép ruộng đã phát triển thành hàng hóa, tận dụng được ruộng lúa để hoang vào mùa đông. Nhờ nuôi vụ cá này, gia đình ông có thêm gần một chục triệu đồng.
“Hiện gia đình tôi đang bán tỉa, anh em trong thôn ngoài bản về mua. Giá cá chép hiện xung quanh 60.000 đồng/kg. Thịt lợn, gà, vịt người dân ăn nhiều cũng chán nên nhiều người rất thích ăn cá chép ruộng”, ông Sâm cho hay.
Tương tự, bà Vi Thị Chiên ở thôn Lảng 2, xã Khánh Yên Hạ cũng đã nhận rõ hiệu quả của việc thay thế trồng màu bằng nuôi cá.
“Ngày Tết thịt lợn nhà nào cũng có nên ra Tết Nguyên đán tôi mới bắt đầu bán cá. Như năm ngoài nhà tôi thả tầm 50kg cá giống, thu về được tầm 1 tạ cá thương phẩm”, bà Chiên nói.
Nuôi cá chép trên ruộng có ưu điểm là không phải chăm sóc nhiều bởi nguồn thức ăn khá sẵn, cá chép có khả năng chịu rét tốt và gần như không có dịch bệnh... Do vậy, mô hình này đã thu hút nhiều gia đình tham gia.
Theo ông Đặng Xuân Phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Khánh Yên Hạ, khoảng thời gian từ khi thu hoạch vụ lúa mùa của năm trước đến khi trồng lúa ruộng vụ xuân năm sau khá dài, đây là điều kiện rất thuận lợi để bà con dâng nước ruộng để nuôi cá vụ đông. Xã Khánh Yên Hạ đang kỳ vọng trong thời gian tới có thể khai thác tốt tiềm năng và lợi thế để có khoảng từ 50 - 60ha ruộng được bà con sử dụng nuôi cá chép ruộng trong vụ đông.
Cách làm này cũng khuyến khích bà con sản xuất an toàn, hạn chế lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng.
Từ hiệu quả bước đầu của mô hình nuôi cá trong ruộng lúa 2 vụ, Phòng NN-PTNT huyện Văn Bàn đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn nghiên cứu, xây dựng chuẩn hóa quy trình kỹ thuật, khuyến cáo các giống cá phù hợp để hướng dẫn nông dân trên địa bàn triển khai nhân rộng ở những nơi có nguồn nước đảm bảo.
Sau khi gặt xong lúa mùa, nông dân sẽ trữ nước vào ruộng rồi thả cá, đây là cách tận dụng thời gian đồng ruộng để không trong suốt mùa đông. Ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Văn Bàn đánh giá, mô hình kết hợp cấy 2 lúa và nuôi 1 vụ cá mùa đông mang lại lợi ích kép, góp phần giúp giảm sâu bệnh, tăng độ phì nhiêu của đất, tăng hiệu quả kinh tế. Cá được nuôi trong ruộng lúa cũng tận dụng được diện tích mặt nước, tận dụng gốc rạ, lúa rơi vãi làm thức ăn nên giảm chi phí, cung cấp cho thị trường sản phẩm an toàn.