| Hotline: 0983.970.780

Nuôi dê kiểm soát cỏ dại ở Australia

Thứ Năm 18/02/2021 , 20:51 (GMT+7)

Mưa nhiều tại miền Đông Australia khiến ngành chăn nuôi dê của nông dân nơi đây phát triển mạnh trong những năm qua.

Dê được nuôi trong một trường học tại Australia. Ảnh: Guardian.

Dê được nuôi trong một trường học tại Australia. Ảnh: Guardian.

Khắp Australia và trên toàn thế giới, bầy dê phàm ăn được chăn thả trong điều kiện kiểm soát nghiêm ngặt trên những thảm thực vật không mong muốn. Mục đích vừa là để lấy thịt, vừa là để phát triển bền vững hệ sinh thái.

Michael Blewitt, chủ sở hữu của trang trại Dry Creek, có trụ sở tại Mudgee, Australia từng vấp phải vấn đề nan giải khi mua một trang trại cách đây vài năm. Trên khuôn đất của ông, tình cờ mọc khoảng 13ha mâm xôi đen (blackberry), một loại cây dại được Chính phủ Australia đưa vào danh sách cần diệt bỏ. Tuy nhiên, ông cùng các đồng sở hữu không muốn sử dụng thuốc diệt cỏ, vốn có thể để lại những tác dụng phụ đến môi trường. Thay vào đó, Blewitt muốn một giải pháp bền vững, theo kiểu win-win.

“Nhìn một con dê ăn thứ gì đó đẹp hơn rất nhiều so với việc xem một chiếc máy cắt cỏ hay một thợ cắt cỏ làm việc. Khi phải loại bỏ mâm xôi đen, tôi đơn giản chỉ nghĩ là cần một thứ gì đó ăn được là xong”, ông nói. Thế là Blewitt tìm đến cách gây đàn dê, giải pháp không cần nhiên liệu, ngoài việc vận chuyển. Bên cạnh đó, dê còn cung cấp chất thải có thể phân hủy sinh học.

Là loài động vật ăn tạp, có thể thích ứng dễ dàng với điều kiện khô, nóng, dê ăn mọi thứ chúng gặp tại nơi chăn thả. Bác sĩ thú y Sandra Baxendell, đến từ Goat Vet Oz, tiết lộ, bí mật của dê nằm ở lông và môi.

“Gan của chúng đã tiến hóa để phân hủy tanin (một hợp chất có trong thực vật, gây vị chát, giúp bảo vệ chúng khỏi các loài ăn cỏ), trong khi gan của cừu và gia súc không phát triển tốt như vậy”, ông bày tỏ. Theo Baxendell, để chăn thả dê, chỉ cần thả chúng vào một khu vực định sẵn, rồi đợi loài ăn cỏ này cải thiện đất và làm sạch môi trường.

Dê có thể ăn rất nhiều loài cỏ dại, bao gồm cây dâu đen, cây chổi rồng, cây kim ngân và hoa tử đằng. Chúng có một đôi môi dày ngay từ lúc sinh ra, giúp chúng có thể dễ dàng vòng qua gai để đến được vùng lá xanh tươi ngon. Một đám khoảng chục con dê ở tuổi trưởng thành đủ sức làm sạch vùng cỏ dại rộng bằng một ga-ra ô tô chỉ trong một ngày.

Ý tưởng cho thuê dê để kiểm soát cỏ dại đến với Blewitt sau khi ông mua được 14 con dê cho khu vực trồng dâu tây của riêng mình, và nhận ra những con vật này xử lý cỏ dại tốt vượt kỳ vọng. Bây giờ ông có khoảng 70 con dê, và đàn dê vẫn không ngừng sinh trưởng. Dù vậy, việc tăng mạnh số lượng cá thể khiến Blewitt đôi lúc lúng túng.

“Cần phải có đủ sự cạnh tranh về thức ăn để khiến dê lớn nhanh chóng. Ví như nhà bạn chỉ có hai đứa trẻ, chúng sẽ loay hoay tìm đồ ăn, vốn dĩ có rất nhiều. Nhưng nếu bạn có 10 đứa, ai cũng phải giành lấy phần ăn cho mình trước tiên”, ông nhấn mạnh.

Để ngăn cách với những cây trồng cần bảo vệ, Blewitt sử dụng hàng rào điện di động, và luôn chắc chắn rằng những con dê ở trong khu vực cho phép. “Thường có đủ cây cối và thảm thực vật để đảm bảo bữa ăn cho bầy dê. Thường chúng chỉ cần ở ngoài trời là đủ. Tuy nhiên, sau khi không còn cỏ dại để làm sạch, chúng bắt đầu mon men lại các khu vực cấm. Điều ấy buộc tôi nghĩ đến việc kinh doanh dịch vụ cho thuê dê”, ông nói tiếp.

Khách hàng của Blewitt ban đầu là những nông dân trong vùng, sau mở rộng thị phần. Bây giờ, những người buôn bán và kể cả các chủ phân xưởng cũng có số điện thoại của ông để nhấc máy mỗi khi cần. Từ sau đại dịch SARS-CoV-2 bùng phát và mưa ngày một nhiều tại miền Đông Australia do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina, công việc tay trái của Blewitt càng thêm bận rộn.

Theo Bộ Nông nghiệp Australia, SARS-CoV-2 khiến nhiều người làm việc tại nhà hơn trong một năm qua. Họ có thời gian và cơ hội để nhìn lại điều kiện sống và quy hoạch tài chính. Trong số này, rất nhiều người trở về nông thôn, mua những khoảnh đất rộng hàng chục hecta, nhưng rồi phát hiện ra là không đủ sức quản lý, cũng như xử lý mặt bằng. Đó chính là tập khách hàng đông đảo nhất của Blewitt, kể từ quý IV/2020.

Blewitt cùng đàn dê của ông, bên ngoài hàng rào điện tử. Ảnh: Guardian.

Blewitt cùng đàn dê của ông, bên ngoài hàng rào điện tử. Ảnh: Guardian.

Tại Melbourne, Colin Arnold – một người kinh doanh dịch vụ diệt cỏ tương tự như Blewitt – cũng ghi nhận ​​sự bùng nổ về nhu cầu trong thời đại dịch. Khác với Blewitt, khách hàng của ông phần nhiều là hội đồng địa phương và các doanh nghiệp như Metro Trains.

Arnold bắt đầu kinh doanh dịch vụ khoảng 15 năm trước, sau khi được yêu cầu tìm ra cách quản lý cỏ dại trên một khu đất rộng 120 ha.

"Tôi đã nghĩ đến nhiều phương án, nhưng rồi thấy không gì kinh tế bằng việc chăn thả dê. Thú thực, tôi không biết gì về loài vật này trước đó, cũng không cảm tình gì nhiều, ngoài việc thấy chúng trên Internet. Nhưng rồi, qua một vài người bạn, họ khẳng định dê có thể mang tới những tác động tuyệt vời", ông nhớ lại.

So với hộ kinh doanh cá thể như Blewitt, công việc khó khăn nhất của Arnold là thuyết phục những người cùng chung dự án lợi ích của bầy dê. Ông cũng tổ chức nhiều hội thảo, để chính quyền địa phương thấy được giá trị bền vững của việc không dùng hóa chất trong việc xử lý vấn đề mâm xôi đen mọc dại.

Mặc dù tất cả các giống dê đều như nhau về độ “diệt cỏ” cũng như thích ứng với môi trường sống, Arnold luôn tránh các giống có lông dài, bởi chúng có thể mắc kẹt trong những bụi rậm lớn.

Công việc phát triển giúp Arnold đa dạng hóa bầy dê. Hiện dê của ông có đủ kích cỡ: những con dê nhỏ được sử dụng để phục hồi môi trường, nơi chúng sẽ ăn cỏ dại chứ không ăn cây bản địa. Những con dê lớn hơn được để dành cho những nhiệm vụ khó hơn như phá hủy các khu cỏ dại mọc um tùm thành rừng, chủ yếu trong các công viên công cộng và khu du lịch sinh thái.

Việc kinh doanh ngành chăn nuôi dê được dự báo là sẽ chùng xuống trong năm 2021, khi các loại thuốc diệt cỏ trên diện rộng như Roundup ngày càng phổ biến, và được chứng minh là ít tác động đến môi trường. Dù vậy, Arnold một mực cho rằng: “Không có hóa chất, không có tiếng ồn và tất cả bọn trẻ đều thích bầy dê”.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm