Năm trước, nghe tin nuôi lợn hướng hữu cơ sử dụng lót đệm sinh hoạc có lãi cao anh Bùi Văn Truyền (thôn Lệ Kỳ 2, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), cũng lấy làm nghi hoặc.
Đến khi được Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình cho đi tham quan các mô hình trong tỉnh áp dụng cách “nuôi mới” có hiệu quả thực sự, anh Truyền mới quyết tâm chuyển hướng từ xây dựng chuồng trại đến thay đổi nguồn thức ăn, cách thức chăm sóc đàn lợn.
Hệ thống chuồng mới được xây thoáng, mỗi ô rộng khoảng 30m2. Trong ô chuồng, 1/3 diện tích được láng xi mămg là nơi cho lợn ăn, uống nước. Phần lớn còn lại là nền được lót thảm sinh học.
“Thảm này là hỗn hợp gồm mạt cưa, vỏ trấu trộn với tỷ lệ men sinh học dày khoảng 30 cm. Thảm này có tác dụng phân hủy chất thải của đàn lợn thành phân hữu cơ và xử lý luôn cả mùi hôi đặc trưng chất thải của lợn”, anh Truyền nói.
Phần thức ăn của lợn, anh Truyền hạn chế tối đa sử dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp mà dùng thức ăn được ủ men. Theo đó, các loại sản phẩm nông nghiệp như cám gạo, bột ngô…được ủ men sau 24 giờ là cho lợn ăn. “Ngoài ra, các loại rau, thân chuối, bèo tây… được băm nhỏ, trộn với thức ăn ủ men cho lợn ăn cũng rất tốt. Chính vì vậy, quá trình nuôi đã giảm được chi phí đáng kể từ thức ăn”, anh Truyền cho hay.
Giai đoạn đầu, mỗi ngày, anh Truyền dùng cào xới thảm lót sinh học một lần. Từ tháng thứ hai trở lên thì 2 hoặc 3 ngày mới xới một lần. Cả quá trình nuôi trong vòng 4 tháng nhưng anh không phải dùng nước tắm, xịt chuồng cho lợn, nhưng lợn vẫn hồng hào chứ không lem bẩn. Sau mỗi vụ nuôi, lớp thảm được dọn sạch đưa đi ủ làm phân hữu cơ.
Nói về lợi thế của nuôi lợn “kiểu mới”, anh Truyền cho hay, lợn lớn nhanh, ít bị bệnh, đặc biệt là xử lý được mùi hôi, hạn chế được ruồi muỗi trong chuồng trại.
“Chỉ mới nuôi lứa đầu tiên, nhưng tôi thấy nhiều lợi thế cho người chăn nuôi tiết kiệm chi phí thức ăn, tiền điện từ bơm nước tắm lợn, rửa chuồng, nhân công lao động. Đó chính là lợi thế để phát triển chăn nuôi lợn an toàn và bền vững”, anh Truyền nói.
Đúng 4 tháng nuôi, anh Tuyền xuất bán cho thương lái. Trọng lượng trung bình lợn đạt 109 kg/con. Nhìn đàn lợn, các thương lái đều khen và muốn cọc tiền trước cho lứa lợn tiếp theo.
Nói về hiệu quả kinh tế, anh Truyền tính toán nhanh, lợn bán với giá 53.000 đồng/kg được trên 5,6 triệu đồng.
“Tổng tất cả các chi phí, cộng cả khấu hao chuồng trại thì cũng hết khoảng 2,5 triệu đồng/con. Như vậy, trừ chi phí còn lãi mỗi con lợn trên 3 triệu đồng. Nếu giá lợn tốt lãi còn cao hơn nhiều. Vụ nuôi lợn này, gia đình tôi thả 100 con, lãi được trên 300 triệu đồng”, anh Truyền nói không giấu diếm.
Hiện, trại lợn của anh Truyền nuôi “song hành” cả lợn truyền thống và lợn áp dụng sinh học. Trại lợn nuôi truyền thống có 300 con cả lợn nái và lợn thịt. Khi đi qua khu này, chúng tôi như bị sốc vì mùi hôi từ chất thải. Anh Truyền cho hay: “Vụ nuôi tới, tôi sẽ giảm đàn lợn nuôi truyền thống xuống chỉ còn 100 con thôi và tăng đàn lợn nuôi hướng hữu cơ lên 200 con”.
Cũng theo anh Truyền, để ổn định chăn nuôi, việc tăng đàn này, giảm đàn kia cũng phải có sự chuẩn bị cơ sở vật chất và tập quán nuôi, chứ không thể thay đổi hết trong thời gian ngắn được. “Trước đây, khi nuôi lợn theo kiểu truyền thống thì tôi cần nhân lực 3 người để chăm. Nay nuôi sinh học hướng hữu cơ, đàn lợn tăng thêm nhưng chỉ cần 2 nhân công là đủ”, anh Truyền nói thêm.
Trò chuyện, anh Truyền còn cho chúng tôi hay, sau lứa lợn đầu tiên, đã có thương lái đặt nuôi trong năm với tổng đàn 1.000 con bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, anh chưa nhận lời với số lượng lớn như thế mà chỉ nhận ở mức số lượng thấp hơn.
“Làm, rút kinh nghiệm và có sự chuẩn bị về chuồng trại, thức ăn dự trữ…mới thành công được. Hiện chỉ có hai anh em nên tôi chỉ nhận ở mức 500 con lợn mỗi năm là vừa sức làm.” Anh Truyền cho biết.
Tuy nhiên, anh Bùi Văn Truyền cũng cho hay, định hướng cho những năm sau là đầu tư xây dựng chuồng trại ứng dụng công nghệ cao và tiếp tục nuôi lợn “kiểu mới” với tổng đàn hơn ngàn con mỗi năm.