| Hotline: 0983.970.780

Nuôi lợn ngoài trời tại Hà Lan

Thứ Sáu 11/06/2021 , 07:46 (GMT+7)

Tiến sĩ Kees Scheepens, một nông dân người Hà Lan cho rằng lợn là một sinh vật thông minh và không đáng để bị nuôi nhốt trong chuồng trại.

Scheepens và hai con lợn yêu thích của ông: Borough và Oma. Ảnh: Guardian.

Scheepens và hai con lợn yêu thích của ông: Borough và Oma. Ảnh: Guardian.

"Xin chào Oma”, Tiến sĩ Kees Scheepens, một nông dân Hà Lan nổi tiếng với khả năng nói chuyện với lợn, hô to khi nhìn thấy con lợn già nhất đàn, trong lúc đang sửa soạn bữa sáng. 

Oma hay “bà nội”, là con lợn nái 7 tuổi, được nuôi cùng với một con lợn rừng giống Berkshire, tên là Borough, 9 tuổi, tại một con đường yên tĩnh ở thị trấn Oirschot, phía nam Hà Lan. Đây là trang trại nuôi lợn lớn bậc nhất quốc gia này, và được đặt một cái tên mỹ miều "Hemelrijken" - tiếng Hà Lan có nghĩa là "Cõi thiên đàng".

Scheepens, 61 tuổi, cho biết ông là thế hệ thứ 19 trong gia đình thuần nông. Sau nhiều năm hành nghề bác sĩ thú y, ông nảy ra tham vọng khác thường: "giải phóng" động vật nuôi trong trang trại, và đặt quyền lợi của chúng lên hàng đầu.

“Borough và Oma ở đây để ở. Tôi đã đặt tên cho chúng, và khi đã làm vậy, tôi không thể giết nó nữa. Ngoài Borough, tôi còn 2 con lợn đực nữa là David và Att, nhưng chúng giờ ở cả trên thiên đường”, ông vừa nói, vừa ngồi phịch xuống sát hai con vật nặng hơn 400kg đang chen chúc trong chuồng. 

Không để những suy nghĩ buồn chán xâm lấn lâu, Scheepens đứng dậy và đi về chỗ đang nuôi 28 con lợn nái. Ông bảo, khi cho chúng ăn, những tiếng như "neuf " là lời chào, còn "huit" nghĩa là chúng muốn ăn thêm. 

Yêu quý và coi đàn lợn như những trong gia đình, nhưng thức ăn Scheepens sử dụng cũng không có gì đặc biệt. Hầu hết là các sản phẩm hữu cơ như: hộp bắp cải trắng, đậu héo, rau chân vịt, đậu, xoài chín và thậm chí là sữa chua đậu nành. Mỗi lần ông cho đàn lợn ăn, mèo và chó luôn đi theo như thể chờ những đồ ăn rơi vãi. 

Con lợn đực Scheepens nuôi được ông gọi là “Công tước Berkshire”. Đó là một con lai giữa lợn Berkshire lông và lợn nái trắng. Trước đây, người nông dân này nuôi lợn để lấy thịt, nhưng giờ ông từ bỏ vì đam mê về quyền lợi động vật. “Tôi có giàu không? Không, nhưng tôi thấy mình hạnh phúc vì công cuộc giải phóng động vật trong trang trại ”.

Scheepens sử dụng hệ thống tách nước tiểu và phân để giảm sản sinh lượng amoniac vào môi trường. Ảnh: Guardian.

Scheepens sử dụng hệ thống tách nước tiểu và phân để giảm sản sinh lượng amoniac vào môi trường. Ảnh: Guardian.

Scheepens bắt đầu dự án nuôi lợn cách đây gần một thập kỷ, nhằm giúp đưa chăn nuôi hoang dã trở lại Hà Lan, đồng thời tiên phong trong mô hình chăn nuôi kiểu mới. “Nuôi nhốt lợn ở Hà Lan là ngõ cụt. Hầu hết chúng ta đều nhất trí rằng lợn là một sinh vật có tri giác, với trí thông minh cao, có thể so sánh với trí thông minh của một đứa trẻ. Dù vậy, người chăn nuôi lợn trên thế giới không ý thức được điều ấy. Họ không đủ kỹ năng để biết điều gì đúng và điều gì sai", ông nói tiếp.

Theo Scheepens, nuôi nhốt lợn trong chuồng trại kín dễ dẫn đến những tệ nạn như cắn đuôi, giẫm đạp nhau. Nhiều thói quen xấu như bám máng ăn cũng sẽ hình thành. Trong quan điểm của người đàn ông 61 tuổi, lợn cần một môi trường tự nhiên hơn, để có thể tự do "khám phá" môi trường. Ngay cả chỗ chúng đi vệ sinh cũng cần yêu cầu đặc biệt, thay vì để nước tiểu và phân trộn lẫn.

“Tôi có thể cam đoan, rằng lợn là động vật vệ sinh nhất mà tôi có trong trang trại. Chúng sẽ không bao giờ đi bậy trong chuồng của chúng. Mũi của chúng rất nhạy cảm, và dễ dị ứng với những mùi khó chịu", ông phân tích. 

Ngoài việc chế tạo một hệ thống giúp tách nước tiểu lợn, Scheepens còn hướng dẫn đàn lợn đi tiểu đúng cách bằng cách thưởng cho chúng đồ ăn. Ông cho rằng, nhờ tách được nitơ trong nước tiểu và một loại enzym trong phân, lượng amoniac - yếu tố gây hiện tượng hiệu ứng nhà kính - thải ra môi trường sẽ giảm. 

Những con lợn trong trang trại của Scheepens được dạy để đi tiểu vào đúng góc tối trong chuồng. Ảnh: Guardian.

Những con lợn trong trang trại của Scheepens được dạy để đi tiểu vào đúng góc tối trong chuồng. Ảnh: Guardian.

Bước ngoặt dẫn tới những thay đổi của Scheepens bắt đầu từ cuối thập niên 90. Khi ấy, ông buộc phải tiêu hủy khoảng 10.000 lợn con sơ sinh, do lo ngại về sự lây lan của dịch cúm lợn. "Sau khi làm việc ấy, tôi bị động kinh nghiêm trọng. Là một bác sĩ thú y, nhiệm vụ của tôi là giúp lợn khỏe mạnh, chứ không phải để bán thịt lợn con", ông cho biết. Cũng chính từ cú sốc này, Scheepens cảm thấy cần phải dừng lại sự tàn ác với động vật tại các lò mổ.

Việc đầu tiên sau khi trở về từ Anh, Scheepens xác định quan điểm làm nông nghiệp bền vững. Ông cho biết: "Khi bạn muốn muốn động vật giữ một vai trò trong nông nghiệp, sớm muộn nó cũng sẽ cho sự bền vững. Thật tuyệt nếu người nông dân được trợ cấp một khoản thu nhập, với quy mô trang trại giữ nguyên nhưng chỉ phải bán đi một nửa số gia súc. Nhưng điều ấy rất khó. Vì vậy, tôi hướng đến sự bền vững trong nhận thức, mà trước mắt là quan tâm đến quyền lợi động vật”.

Xung quanh thị trấn Oirschot, nơi Scheepens sống, gần như chưa có ai suy nghĩ giống ông. Đa phần vẫn giữ lối canh tác theo kiểu truyền thống, chẳng hạn sử dụng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, Scheepens tâm niệm, không muốn hy sinh lợi ích trước mắt để đánh đổi lấy một ngày Trái Đất bị tàn phá.

"Tôi không muốn nói với cháu tôi, rằng chính mình đã phá vỡ sự đẹp đẽ của nông nghiệp. Tôi đã kêu gọi hàng xóm, đồng nghiệp và bạn bè thay đổi nếp nghĩ vì quyền lợi động vật. Tôi biết điều ấy rất khó, nhưng dù thế nào, chúng ta vẫn phải giữ cho mình một tấm lòng, ít nhất là đảm bảo môi trường trong lành và hệ sinh thái bền vững", ông khẳng định.

Hà Lan là một quốc gia đông dân cư, với đất đai tự nhiên thường nằm dưới mực nước biển. Hệ thống thoát nước ở quốc gia này còn nhiều hạn chế. Do đó, để chăn nuôi lợn ngoài trời, Scheepens đã tốn nhiều công sức. Ngoài việc cách mạng hóa chuồng trại để giảm mùi và khí thải, ông còn thường xuyên vệ sinh cho lợn, và cho chúng ăn những thức ăn tinh. Mục đích là để ông có thể nằm ngủ, ăn, và vui đùa cùng đàn lợn hàng ngày.

(Theo Guardian)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Mỹ lần đầu sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 tấn công Houthi

Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit tấn công các kho vũ khí của lực lượng Houthi ở Yemen vào sáng 17/10.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.