| Hotline: 0983.970.780

Nuôi ngựa bạch ở Bắc Giang

Thứ Hai 16/11/2009 , 09:56 (GMT+7)

Một con ngựa bạch mới tách mẹ hiện có giá từ 20-22 triệu đồng/con, ngựa được 1-2 năm tuổi giá từ 25-30 triệu. Nuôi vỗ béo thu lãi từ 1,5-2 triệu đồng/con/tháng.

Một số hộ ở Việt Yên (Bắc Giang) mạnh dạn chọn nuôi ngựa bạch, loài gia súc quý hiếm và đang rất có giá trên thị trường. Bước đầu, mô hình chăn nuôi độc đáo này đã mang lại lợi nhuận khá.

Hơn chục năm về trước, thỉnh thoảng có người dắt một con ngựa bạch đi ngang qua thôn Kim Sơn, xã Thượng Lan (Việt Yên), vì nó lạ và hiếm gặp nên nhóm trẻ nhỏ ùa ra xem. Nhiều người lớn cũng trầm trồ trước vẻ đẹp của con ngựa có màu lông trắng, mắt hồng, da hồng, vóc dáng thanh thoát và đặc biệt rất hiền lành. Nhưng xem chỉ để mà xem còn không mấy ai nghĩ rằng sẽ nuôi loài vật này để làm giàu. Riêng anh Nguyễn Văn Tính thì khác. Vốn là người ham học hỏi, đã từng tiếp cận với nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi mới, anh tò mò tìm hiểu xem người ta nuôi loài ngựa quý này thế nào, có lãi cao hay không, thường hay bán ở đâu? Mỗi khi gặp bạn bè hay người quen từ mạn ngược về, anh thường tranh thủ thu thập những thông tin về ngựa bạch.

Tình cờ, năm 2004, có người cho anh biết ở Thái Nguyên có một số hộ nuôi ngựa bạch đạt hiệu quả cao, anh lặn lội lên tận nơi xem thực hư ra sao. Sau khi cân nhắc, vợ chồng anh quyết định đầu tư 4 triệu đồng mua một con ngựa bạch về nuôi thử. Thời điểm ấy, 4 triệu đồng là một số tiền khá lớn, anh cũng thấy mình mạo hiểm vì cách thức chăm sóc loại vật này anh chưa tường tận. Tuy nhiên, suy luận đơn giản rằng ngựa bạch là loại đại gia súc sống nhiều ở vùng núi nên chăm sóc chắc cũng không khó nên anh Tính chú trọng cho ngựa ăn đủ thức ăn gồm rau, cỏ, lá ngô kết hợp với thức ăn tinh như cám gạo, cám ngô, xây dựng chuồng trại cao ráo, sạch sẽ.

Cẩn thận hơn, anh mời cán bộ thú y về tiêm phòng cho ngựa một số bệnh thông thường. Nhờ được chăm sóc tốt, ngựa tăng trọng nhanh và mẫu mã đẹp hơn hẳn lúc mới mua về, sau 5 tháng có khách tìm đến tận nhà hỏi mua, anh bán đi và được lãi 3,1 triệu đồng. Từ “cú hích” đầu tiên, vợ chồng anh quyết định bỏ ra 10 triệu đồng mua một đôi ngựa bạch về nuôi và tiếp tục thu được lợi nhuận cao. Từ năm 2004 đến nay, gia đình anh liên tục nuôi loài vật quý hiếm này, bình thường trong chuồng có 2-3 con nhưng nếu gặp được nhiều ngựa đẹp, giá phù hợp, anh sẵn sàng mua 10 con về nuôi một lúc. Anh Nguyễn Văn Tính cho biết: “Ngày càng có nhiều người tìm mua ngựa bạch để làm thuốc chữa bệnh nên giá ngựa đã tăng 4-5 lần so với năm 2004.

Một con ngựa bạch mới tách mẹ hiện có giá từ 20-22 triệu đồng/con, ngựa được 1-2 năm tuổi giá từ 25-30 triệu. Nuôi vỗ béo sau 4-5 tháng là chúng tôi bán theo mức 500 nghìn đồng/kg ngựa hơi. Trung bình thu lãi từ 1,5-2 triệu đồng/con/tháng. Riêng năm nay, trừ chi phí, gia đình thu lãi khoảng 50 triệu đồng”. Thấy anh Tính nuôi ngựa bạch thành công, họ hàng, làng xóm bắt đầu tìm hiểu và làm theo. Nhà ít vốn thì nuôi một con, nhà dư vốn thì nuôi 3-4 con trở lên. Người nuôi trước chỉ dẫn, giúp đỡ người nuôi sau về kỹ thuật chăn nuôi, kinh nghiệm chọn mua ngựa đẹp và khoẻ mạnh...

Nhờ nuôi ngựa bạch, một số hộ dân ở Việt Yên đã trở nên khá giả. Tuy nhiên, đây là mô hình mới hình thành, các hộ nuôi theo kinh nghiệm học lẫn nhau và chưa được tiếp cận với quy trình chăn nuôi từ các nhà khoa học. Một số hộ chưa quan tâm nhiều đến khâu phòng bệnh cho ngựa bạch trong quá trình thu mua, tiêu thụ. Hơn nữa, trên thực tế, số lượng đàn ngựa bạch đang ngày càng giảm dần nên việc mua ngựa giống không phải lúc nào cũng thuận lợi.

Cũng từ đây, mô hình nuôi ngựa bạch được nhân rộng ở thôn Kim Sơn. Hai năm nay, thôn có khoảng 40 hộ thường xuyên nuôi ngựa bạch với đàn ngựa 60-70 con, tổng số tiền mua ngựa giống 1,2-1,5 tỷ đồng. Nhiều người dân trong thôn đã có kinh nghiệm chọn mua ngựa bạch. Một con ngựa khoẻ mạnh, được khách hàng ưa chuộng phải có vóc dáng cao lớn, lông trắng sáng, mắt hồng, móng hồng và da cũng màu hồng. Hiện ở Kim Sơn đã hình thành dịch vụ chuyên chở ngựa bằng ô tô. Nơi đây đã là một địa điểm nuôi ngựa bạch ổn định với quy mô khá, nhiều khách hàng từ Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội… đã tìm đến Kim Sơn mua ngựa. Lâu dần thành quen, khách chỉ cần trao đổi qua điện thoại thống nhất về giá cả với người bán là ngựa sẽ được đưa đến địa điểm đã hẹn. So với ngựa màu, nhân giống ngựa bạch khó hơn song một số hộ ở Kim Sơn đã nhân giống thành công vật nuôi này ngay tại địa phương...

Cùng với Kim Sơn, mô hình nuôi ngựa bạch đã xuất hiện ở thôn Ba, xã Việt Tiến (Việt Yên). Quy mô đàn ngựa tại đây dao động từ 50-60 con. Một số hộ có vốn lớn đã nuôi tới 8-10 con/lứa. Anh Nguyễn Văn Hiển, một trong những người nuôi ngựa bạch điển hình ở thôn Ba cho biết: “Nuôi ngựa bạch chủ yếu sử dụng những phụ phẩm nông nghiệp nên rất phù hợp với người dân nông thôn. Hạch toán thấy nuôi ngựa bạch có lãi cao hơn lợn, bò, gia cầm, thu hồi vốn nhanh và giá bán không lên, xuống thất thường nên vợ chồng tôi đã mở rộng quy mô chăn nuôi. Ban đầu chỉ nuôi một con nhưng nay nuôi 8 con. Lợi nhuận từ nuôi ngựa bạch đã giúp gia đình nâng cao thu nhập, mua sắm được nhiều vật dụng, tiện nghi cần thiết phục vụ sinh hoạt và sản xuất”.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Tỷ lệ tiêm vacxin phòng dại cho chó, mèo trung bình chỉ đạt 58%

Nhiều nơi không bố trí được cán bộ thú y để tiêm vacxin phòng chống dịch bệnh động vật nói chung, bệnh dại nói riêng.      

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm