| Hotline: 0983.970.780

Nuôi ốc bươu đen gối vụ, rủng rỉnh tiền quanh năm

Thứ Năm 16/11/2023 , 09:29 (GMT+7)

HÀ TĨNH Với hình thức nuôi gối vụ nên quanh năm anh Minh đều có ốc thương phẩm, ốc giống và trứng bán cho những người có nhu cầu.

Sau nhiều năm đi xuất khẩu lao động tại Thái Lan, năm 2010, anh Hoàng Văn Minh (thôn Khe Giao, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) quyết định về quê hương lập nghiệp.

Với diện tích gần 2ha ao hồ trong vườn, ban đầu anh chọn nuôi cá để phát triển kinh tế nhưng hiệu quả không cao, nhất là gặp khó khăn về đầu ra. Sau khi có nhiều thương lái đến địa bàn hỏi thu mua ốc bươu đen (ốc nhồi), anh Minh bắt đầu tìm hiểu qua internet, sách báo và trực tiếp tham quan các cơ sở nuôi ốc bươu đen tại một số tỉnh, thành phố.

Ao nuôi ốc của anh Minh đảm bảo nguồn nước sạch, môi trường trong lành. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Ao nuôi ốc của anh Minh đảm bảo nguồn nước sạch, môi trường trong lành. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Qua tìm hiểu, anh Minh nhận thấy ốc bươu đen dễ nuôi, phù hợp với điều kiện địa phương, chi phí đầu tư không lớn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2015, anh bắt đầu thử nuôi ốc bươu đen bằng nguồn ốc có sẵn trong ao hồ. Ban đầu, do thiếu kinh nghiệm nuôi nên tỷ lệ ốc sống không cao. Sau khi nắm vững quy trình, kỹ thuật chăm sóc, ốc dần sinh trưởng, phát triển tốt.

Anh Minh chia sẻ: Ốc bươu đen dễ nuôi, thức ăn khá đa dạng và có sẵn trong tự nhiên như rau, cỏ, củ, quả… Người nuôi cần duy trì mực nước trong hồ sâu hơn 1m và thả bèo, súng để vừa làm thức ăn cho ốc, vừa đảm bảo nhiệt độ ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè.

Ốc bươu đen là loài ưa sạch sẽ, chỉ sống trong môi trường nước sạch nên nếu không phòng tránh tốt sẽ rất dễ bị nhiễm bệnh. Người nuôi phải thường xuyên vệ sinh ao nuôi, xử lý môi trường nước bằng vôi, men vi sinh.

Ốc bươu đen được anh Minh nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, tỉ lệ sống đạt trên 90%. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Ốc bươu đen được anh Minh nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, tỉ lệ sống đạt trên 90%. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Để chủ động con giống và cung ứng cho thị trường, anh Minh đã áp dụng quy trình nuôi ốc bố mẹ sinh sản. Anh cho biết ốc bươu đen sinh sản quanh năm, nhưng nếu để sinh sản tự nhiên thì tỷ lệ nở đạt thấp. Trước đây, do anh chưa có kinh nghiệm ươm nên tỷ lệ trứng nở chỉ đạt trên 50% nhưng hiện nay đã đạt trên 90%.

Để trứng phát triển tốt, anh thường xuyên kiểm tra và điều chỉnh nhiệt độ, giữ cho thùng ấp luôn đạt độ ẩm thích hợp. Cụ thể về mùa hè, ấp trứng từ 7 - 10 ngày rồi đưa ra ao nuôi ốc giống. Vào mùa đông, thời gian ấp từ 15 - 20 ngày trứng mới nở thành con. Trung bình mỗi 1kg trứng ốc bươu đen nở ra khoảng 12.000 con ốc giống.

Do nhu cầu nuôi ốc bươu đen tăng cao, mỗi năm anh Minh có thể cung cấp từ 50 - 100 vạn ốc giống cho các hộ dân trong và ngoài địa phương. Ốc giống được chọn phải là những con có chất lượng tốt, khỏe, phần vỏ không bị trầy xước, sứt mẻ và có màu xanh đen đặc trưng. Vận chuyển ốc giống cần có phương pháp giữ ấm nhưng vẫn đảm bảo độ thông thoáng, không nên bịt kín.

Ốc bươu đen thương phẩm tại cơ sở nuôi của anh Minh hiện có giá khoảng 90 nghìn đồng/kg. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Ốc bươu đen thương phẩm tại cơ sở nuôi của anh Minh hiện có giá khoảng 90 nghìn đồng/kg. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Anh Minh cho biết bươu đen thương phẩm trọng lượng 20 - 25 con/kg giá bán hiện tại khoảng 90.000 đồng/kg. Thời vụ nuôi ốc đạt năng suất nhất là từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm, nên thu hoạch trước mùa đông. Anh Minh thường thu hoạch ốc theo hình thức tỉa dần để giảm được mật độ nuôi, giúp ốc nhanh lớn.

Theo anh Minh, nên thu hoạch ốc vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát, bởi lúc này ốc nổi lên kiếm ăn nên rất dễ bắt. Khi thu hoạch có thể bớt lại một lượng ốc bố mẹ nhất định để nuôi ốc sinh sản cho vụ sau.

Đến nay, cơ sở nuôi ốc bươu đen của anh Minh có quy mô 3 ao nuôi thương phẩm, 3 ao nuôi ốc giống, mỗi năm cung ứng ra thị trường 5 - 8 tấn ốc thương phẩm và gần 3 tạ trứng. Với hình thức nuôi gối vụ nên quanh năm đều có ốc thương phẩm, ốc giống và trứng bán cho những người có nhu cầu.

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.