Nổng cát sát bàu Tràm thuộc địa phận tổ 12 Xuân Thiều, phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, cách quốc lộ 1A hơn 100 m về phía tây đang là nơi nuôi kỳ đà lý tưởng.
Ông Nguyễn Ngọc Lan, người nhiều năm phát triển kinh tế trang trại tại Liên Chiểu sớm nhận ra tiềm năng vùng cát trắng sát khu dân cư này mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ ngơi, mua con giống từ Bình Thuận về thả nuôi. Mới 6 tháng kể từ ngày lứa giống đầu tiên đưa về, ông đã khẳng định: “Rồng đất”, tức kỳ đà là loài vật dễ nuôi, ít bệnh tật, không gây hại đến môi trường sinh thái, hiệu quả kinh tế rất cao.
Trên phạm vi 2.000 m2, ông Lan xây các bức tường khép kín làm nơi nuôi thả rồng đất. Để ngăn loài vật này đào hố tìm đường thoát đi nơi khác, móng các bức tường có kết cấu khá kiên cố. Tại các ô chuồng chỉ cần bỏ các tấm pro-xi-măng hỏng, hoặc đá tảng là có nơi sinh sống lý tưởng y như môi trường hoang dã của chúng. Nói đúng hơn, chuồng trại nuôi rồng đất khá đơn giản, ít tốn vốn đầu tư. Tại khu vực nuôi kỳ đà bố mẹ, hàng chục con ẩn mình trong khu vực chỉ rộng chừng dăm bảy m2.
Bình thường nhìn vào đó, người ta có cảm giác như chưa triển khai hoạt động gì, nhưng thực ra, dưới các tấm pro-xi-măng, hang hốc, nhiều con kỳ đà cỡ 1,5 đến 2 kg đang ẩn mình. Thức ăn cho loài vật này rất dễ kiếm, khoái khẩu nhất là cá chết. Chỉ mớ cá ươn để trên sạp nhỏ giữa chuồng, ông Lan cho hay: kỳ đà rất thích ăn cá ươn. Cũng từ đặc thù này mà tôi quyết định lập cơ sở nuôi sát Bàu Tràm.
Ngày nào, người trông coi hồ cũng đem cho vài ba kg cá chết và chỉ cần thả lên sạp là chúng tự ăn. Cứ 5 kg cá chết, kỳ đà cho 1kg trọng lượng. Khi đạt cỡ 2 kg/con tức khoảng 1 năm tuổi là con cái đã làm mẹ. Mỗi lứa kỳ đà mẹ đẻ 15-20 trứng. Cứ 3 năm chúng đẻ 4 lứa. Với gần 20 con kỳ đà cái đang nuôi, chí ít mỗi năm có gần 300 kỳ đà con chào đời. Và cũng chỉ 7-8 tháng sau đó là xuất chuồng.
Hiện, cơ sở của người nông dân từng một thời tham gia trận mạc này có hơn 1.000 con kỳ nhông, 25 con kỳ đà bố mẹ, gần 30 con kỳ tôm. “Đầu tư hơn trăm triệu tiền con giống rồi đó. Kỳ đà đắt lắm. Trông vậy chứ ngót nghét 2 triệu đồng/con chứ đâu ít”, ông Lan bật mí. Được cái nuôi loài vật này rất yên tâm, ít lo thiên tai dịch bệnh đe doạ. Từ ngày thả nuôi đến nay đàn giống đều bảo toàn, phát triển khá tốt, con cái đang kỳ đẻ trứng.
Hỏi về hiệu quả kinh tế, ông nhẩm tính: trừ hết mọi chi phí, chí ít mỗi năm thu lãi 150 triệu đồng. Kỳ đà giống đang được nhiều người đặt mua với giá 500 nghìn đồng/kg, kỳ đà thịt 400 nghìn đồng/kg. Loài vật này chi phí thức ăn thấp, ít người chăm sóc, lãi khá cao. Trứng kỳ đà ung cũng rất có giá. Đây là loại dược liệu rất giá trị rất cần cho những người bị bệnh rối loạn tiền đình. Hiện mỗi trứng ung trị giá 30 nghìn đồng.
Ngoài các con vật như rồng đất, kỳ nhông, kỳ tôm, tại cơ sở này đang triển khai nuôi thêm cá trê lai, ếch, ba ba và bồ câu Pháp. Theo ông Lan, nuôi các loại này nhằm khai thác triệt để tiềm năng đất đai và tăng thêm thu nhập.
Năm 1988, sau hơn 13 năm gắn bó với quân ngũ, ông Lan phục viên và không về quê ở Quảng Xương, Thanh Hoá mà chọn Đà Nẵng làm nơi lập nghiệp. Trải qua nhiều nghề, từng nuôi thỏ, nuôi dê khá thành công, đến nay rồng đất là loài vật ông rất tâm huyết, chắc chắn sẽ có tính bền vững hơn cả. Theo ông, khi đã biết rồi thì đơn giản vậy, có được kinh nghiệm như hiện nay, phải khăn gói vào tận tỉnh Bình Thuận tham quan học hỏi nhiều tuần liền. Khi đã nắm vững kỹ thuật, đầu tư hợp lý, thị trường thuận lợi, đây là hoạt động hái ra tiền. Vùng cận thị, thậm chí ở phố nuôi loài vật này không khó. Chỉ cần dăm ba chục m2, đổ vài ba xe cát trắng là có nơi thả hàng chục rồng đất. Từ hoạt động này, chắc chắn sẽ là cơ hội cho nhiều nông dân vươn lên xoá nghèo làm giàu thành công.