Với kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề nuôi tôm, ông Trần Công Thành (trú TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) luôn hiểu rằng, việc đảm bảo môi trường tốt cho tôm nuôi chính là điều kiện vô cùng quan trọng quyết định thành – bại.
Vì lẽ đó, những năm qua, ông Thành luôn chú trọng đến việc xử lý nước để cung cấp cho nuôi tôm. Thực tế cũng cho thấy, tôm được sống trong môi trường sạch sẽ phát triển rất tốt, hạn chế được nhiều loại bệnh thường gặp hiện nay như bệnh đường ruột, đốm trắng, gan….
Năm 2019, ông Thành xây dựng hệ thống xử lý nước để cung cấp cho 8.000m2 ao nuôi của gia đình và đem lại kết quả khả quan. Tuy nhiên, do diện tích nuôi lớn nên khu vực xử lý không đáp ứng đủ lượng nước để cung cấp thường xuyên cho các ao nuôi.
Trước thực tế này, vừa qua, ông Thành đã kết hợp với Cty CP chăn nuôi C.P Việt Nam xây dựng một khu xử lý nước nhanh quy mô hơn. Ông Thành dành khoảng 1,5ha diện tích nuôi tôm trước đây để cải tạo thành các ao xử lý nước, loại bỏ các chất bẩn, vi khuẩn trước khi đưa vào cung cấp cho các ao nuôi tôm.
Theo đại diện Cty CP chăn nuôi C.P Việt Nam, khu xử lý nước nhanh này gồm tất cả 8 ao lót bạt kết nối với nhau. Trong đó, nguồn nước đầu vào qua ao thứ nhất sẽ được xử lý bằng thuốc tím và PAC để lắng tụ hữu cơ, phèn, kim loại... Ngoài ra, trong ao xử lý đầu tiên cũng được sử dụng các tấm lưới ngăn có tác dụng lọc phần tạp chất đã qua xử lý.
Sau đó, nguồn nước sẽ được luân chuyển liên tục qua các ao từ thứ 2 đến thứ 7 để xử lý sạch khuẩn và Chlorin. Khi nguồn nước đã hoàn toàn trong, sạch sẽ được dẫn đến ao cuối cùng để cung cấp cho khu nuôi tôm. Trong ao cuối cùng này, tất cả các chỉ số sẽ thích hợp để cho tôm sinh trưởng, phát triển. Đồng thời, ao cung cấp nước cũng được che bạt phía trên nhằm giữ được nhiệt độ cân bằng với môi trường nước trong khu nuôi.
Ông Trần Công Thành nhẩm tính, với mô hình xử lý nước nhanh này, mỗi 1ha sẽ đầu tư hết khoảng 200 triệu đồng, tuy nhiên nó mang lại hiệu quả lâu dài. Hiện nay, toàn bộ các ao nuôi tôm ở 4 giai đoạn khác nhau của trang trại ông Thành đều được cung cấp nước sạch hoàn toàn. Trong đó, ở giai đoạn đầu tiên là tôm giống, do sức đề kháng của tôm còn yếu nên cần bổ sung thêm các loại khoáng và vi sinh vào môi trường nuôi.
Còn lại, tất cả ao tôm ở những giai đoạn tiếp theo đều được dẫn nước sạch sau khi xử lý để cung cấp. Do môi trường sạch nên từ khi thả nuôi đến thời điểm thu hoạch, tôm trong trại nuôi của ông Thành đều không sử dụng bất kỳ một loại kháng sinh nào, chất lượng tôm xuất bán luôn đảm bảo.
“Ngoài công nghệ xử lý nước nhanh thì từ giống, thức ăn đến các quy trình kỹ thuật tôi đều áp dụng theo tiêu chuẩn của Cty CP chăn nuôi C.P Việt Nam. Qua các vụ nuôi cho thấy, tôm không xuất hiện các loại dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt rất thấp, chỉ khoảng 4%. Ngoài ra, tôm cũng lớn rất nhanh. Vụ vừa qua, tôi nuôi 100 ngày mà tôm đạt đến 25 con/kg, rất ít mô hình nuôi đạt được”, ông Thành chia sẻ.
Cũng theo ông Thành, với việc xử lý sạch môi trường nuôi và không sử dụng các loại thuốc kháng sinh như trong mô hình của mình, tất cả tôm thu hoạch đều đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu qua các thị trường khó tính trên thế giới. Vừa qua, ông đã xuất bán ra thị trường gần 10 tấn tôm thương phẩm với giá bán từ 160.000 – 180.000 đồng, thu lãi hàng trăm triệu đồng.
“Tôi thấy mô hình xử lý nước nhanh này rất hiệu quả, tuy nhiên, quan trọng là phải có đủ diện tích đất để xây dựng được 1 khu xử lý riêng biệt. Hy vọng, trong thời gian tới, nhiều người nuôi tôm được tiếp cận và áp dụng phương pháp này để tăng hiệu quả kinh tế và giảm thiểu rủi ro khi đầu tư vào nghề nuôi trồng thủy sản”, ông Thành nói.
Nếu không sử dụng công nghệ xử lý nước nhanh mà xử lý trực tiếp trong 1 ao nuôi thì phải mất từ 3 - 4 ngày mới có thể thả tôm vào nuôi được. Do đó, mô hình này sẽ giúp cho nguồn nước sạch sẵn sàng cung cấp liên tục. Bên cạnh đó, bằng hệ thống các ao nuôi được liên kết với nhau trong mô hình, người nuôi có thể dễ dàng vệ sinh từng ao mà vẫn đảm bảo việc cấp nước không bị gián đoạn.