| Hotline: 0983.970.780

Nuôi trồng thủy sản kết hợp các tour du lịch

Thứ Tư 05/04/2023 , 09:38 (GMT+7)

Quảng Trị có nhiều hệ thống sông và hồ đập lớn. Đây là lợi thế giúp nông dân phát triển nuôi thủy sản trong lồng bè, nâng cao thu nhập.

Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị triển khai mô hình nuôi thủy sản trong lồng bè tại hồ Bảo Đài thuộc xã Vĩnh Khê (huyện Vĩnh Linh) với quy mô 180m3; đối tượng nuôi là cá leo. Sau hơn 4 tháng thả nuôi, cá đạt trọng lượng bình quân từ 1,2 kg/con. Với giá bán từ 80.000 - 85.000 đồng/kg, trừ chi phí mô hình cho lợi nhuận gần 90 triệu đồng.

Empty

Quảng Trị là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển nghề nuôi thủy sản trong lồng bè. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Trần Đức Dũng, chủ hộ thực hiện mô hình cho biết, chất lượng nguồn nước tại hồ Bảo Đài rất tốt, nhiệt độ ổn định. Đó là một lợi thế rất lớn cho các hộ dân nuôi trồng thủy sản theo hướng tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng cao.

Hiện tại, ngoài cá leo và các đối tượng nuôi truyền thống như cá chép, cá trắm cỏ, cá diêu hồng, ông Dũng còn thả nuôi thử nghiệm giống cá lăng đuôi đỏ. Thời gian tới, ông Dũng dự định sẽ tăng số lượng lồng nuôi để có nguồn cung hàng hóa lớn ra thị trường.

Còn tại thôn Văn Trị, xã Hải Phong (huyện Hải Lăng), ngoài nghề chài lưới trên sông, 15 năm nay, người dân đã phát triển nghề nuôi thủy sản trong lồng bè. Toàn thôn hiện có hơn 35 lồng nuôi cá chình với số lượng từ 200 - 300 con/lồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi lồng nuôi cho thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm.

Ông Phạm Viết Tin, một hộ nuôi cá chình tại thôn Văn Trị cho biết, bình quân mỗi năm ông thả nuôi từ 3 - 4 lồng cá. Tùy kích cỡ và giống cá, sau 1-1,5 năm ông sẽ thu hoạch. Ngoài ra ông còn thả nuôi thêm một số lồng cá leo, cá trê, cá trắm cỏ. Từ mô hình này, mỗi nàm ông Tin bỏ túi 200 - 300 triệu đồng.

Theo kinh nghiệm của ông Tin, để nuôi thủy sản trong lồng bè trên sông, người nuôi cần lưu ý ảnh hưởng của mưa bão để thả giống và thu hoạch đúng thời điểm. Quan trọng nhất là phải luôn theo dõi chất lượng nguồn nước để có phương án khi tình huống xấu xẩy ra.

Đại diện Phòng NN-PTNT huyện Hải Lăng cho biết, nhằm tận dụng tiềm năng mặt nước, thời gian qua huyện Hải Lăng đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân phát triển nuôi trồng thủy sản trong lồng bè trên sông và hồ chứa như hỗ trợ chi phí làm lồng nuôi cá chình với mức 3 triệu đồng/lồng.

Địa phương này cũng đã du nhập các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá chình, cá leo, cá lóc vào nuôi trong lồng bè nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. Đến nay toàn huyện đã có trên 160 lồng nuôi, trong đó có hơn 60 lồng nuôi cá chình.

Ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho hay, với hơn 125 hồ, đập chứa nước trong đó có những hồ đập lớn là lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản nói chung, phát triển nuôi cá lồng bè nói riêng. Tuy nhiên, qua khảo sát, toàn tỉnh hiện chỉ mới có hơn 320 lồng nuôi thủy sản các loại, còn rất ít so với tiềm năng.

Để đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản trên sông và hồ chứa, cùng với việc duy trì số lượng lồng nuôi cá hiện có, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị sẽ tiếp tục triển khai các mô hình nuôi cá lồng bè trên sông và hồ chứa. Điều này sẽ góp phần giúp Quảng Trị khai thác có hiệu quả tiềm năng mặt nước, giảm khai thác tự nhiên, bảo vệ cảnh quan đa dạng hệ sinh thái thủy sinh.

Empty

Nghề nuôi thủy sản trong lồng bè ở Quảng Trị chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế. Ảnh: Võ Dũng.

Các đối tượng thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định cũng sẽ được đưa vào nuôi. Các mối liên kết sản xuất giữa các hộ nuôi lồng, bè; các hợp tác xã nghề cá liên kết với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sẽ hình thành.

“Nếu các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết theo chuỗi đầu tư phát triển nuôi cá lồng theo hướng công nghệ cao với các loại lồng nuôi có kích thước lớn… thì nuôi thủy sản lồng bè sẽ phát triển mạnh. Mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp giữa các tour, tuyến du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, trải nghiệm, du lịch nông nghiệp… cũng sẽ là một hướng đi trong nuôi trồng thủy sản lồng bè thời gian tới tại Quảng Trị”, ông Cẩn cho hay.

Rút kinh nghiệm sau một thời gian dài nuôi cá lồng trên sông, một số hộ tại thôn Văn Trị cải tạo kết cấu lồng hình chữ nhật truyền thống sang hình dạng vuốt nhọn một đầu theo hình dạng mũi thuyền, thân lồng được khoan nhiều lỗ nhỏ. Khi đưa vào nuôi cá, phía mũi nhọn của lồng được hướng về phía thượng nguồn của sông và được cố định chắc chắn giữa lòng sông. Nhờ có hình mũi thuyền nên các lồng nuôi giảm được lực cản của nước nên ít gây thiệt hại trong mùa mưa lũ.

Xem thêm
Hàng chục tấn tôm hùm, cá biển chết đột ngột

Người nuôi tôm hùm ở xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đang khóc ròng vì tôm hùm, cá biển chết đột ngột, gây thiệt hại nặng nề.

Lĩnh 9 tháng tù treo vì khai thác thủy sản bất hợp pháp

QUẢNG NINH Mặc dù đã bị xử phạt hành chính nhưng Nguyễn Văn Téc vẫn tiếp tục sử dụng kích điện trên tàu cá để khai thác thủy sản tại vùng lõi vịnh Hạ Long.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Giải cứu đồi mồi dứa nặng 6,2kg

Ngày 19/5, Chi cục Thủy sản, Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang bàn giao 1 cá thể đồi mồi dứa (vích) cho Trạm Bảo tồn động vật hoang dã Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.