Những HTX thủy sản quy mô ở bãi Hồng Vân đến sình lầy Tứ Tân
Bãi Hồng Vân ở thôn Vân Trai, xã Tân Phú, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên giáp với sông Cầu. Bãi là cách gọi của người dân địa phương nhưng thực chất là cả vùng rộng lớn thùng đào, thùng đấu từ thuở dòng sông chưa được ngăn cách bởi quai đê nên tạo ra hố những hố nông sâu nham nhở.
Người dân địa phương dù được giao đất, mỗi hộ một phần nhưng diện tích tổng thể cơ bản vẫn bị bỏ hoang. Không ai ngờ rằng, khi mà phần lớn nhân lực của xã nghèo ven sông đã được hút về khu tổ hợp Sam Sung của tthành phố công nghiệp Phổ Yên, những người còn lại lại táo báo với ý định hợp tác cải tạo bãi Hồng Vân.
Để thuyết phục các hộ có đất, ông Phạm Quang Hiếu đã lần lượt đến từng hộ trình bày ý tưởng. Một ngày giữa năm 2018, 10 thành viên HTX Nông sản an toàn Hùng Sơn tụ họp, nhất trí góp công, góp của xây dựng nông trang hợp tác.
Với tổng diện tích đất 4ha, HTX phải thuê máy cơ giới tiến hành nạo vét đầm lầy, xây bờ bao. Khi những hố sâu đã thiết kế thành hình ao hồ với diện tích 2,8ha chăn nuôi thủy sản, diện tích còn lại được quy hoạch khu chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Tương tự, ở vùng bán sơn địa huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên có diện tích mặt nước vốn là những kẽm xen kẹp giữa những lũng đồi, hẻm đất. Vài năm trở lại đây, người dân đã khai hoang nhiều phần diện tích nói trên để đầu tư nuôi trồng thủy sản.
HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Kim Đĩnh là một mô hình tiêu biểu. Người đi đầu trong phong trào khai phá phải kể đến là ông Phạm Văn Ty (xóm Núi Chùa, xã Tân Kim).
Ông Ty cho biết, phía dưới cùng của những đồi đất sỏi cơm, những ngàn ruộng 2 lúa vùng Tứ Tân, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên là những ruộng thụt, sình lầy nhiều năm hoang hóa. Ruộng thụt quá nên không thể trồng cấy được gì. Ông Ty thuê máy vào múc ruộng, quai bờ, đắp ao thả cá.
Ao cá ban đầu có diện tích vài sào tiếp giáp với những ruộng thụt của bà con kế bên. Ông Ty đặt vấn đề đổi ruộng 2 lúa lấy ruộng sình lầy để mở rộng ao nuôi. Những thửa sình lầy vốn chẳng để làm gì vậy mà ông Ty vẫn phải chấp nhận đổi 2 đất ruộng 2 lúa chỉ để lấy một ruộng sình lầy mà cạp vào cho ao nuôi rộng ra. Trải qua 20 năm, đến nay, gia đình ông có gần 1ha ao cá.
Hướng chuyển đổi mang lại hiệu quả của ông Ty được nhiều người dân có vàn ruộng trũng làm theo. Năm 2017, HTX chăn nuôi dịch vụ thủy sản Kim Đĩnh (xã Tân Kim) được thành lập. HTX có 13 thành viên với tổng diện tích ao nuôi là 10ha. Ông Phạm Văn Ty được tín nhiệm bầu làm Giám đốc HTX.
Ông Dương Văn Đông (thành viên HTX) cho biết, việc nuôi trồng thủy sản riêng lẻ, tự phát trước kia không tạo được sự đồng nhất về kỹ thuật, chất lượng thủy sản cũng như quy mô hàng hóa để thu hút thương lái.
Tham gia HTX, các thành viên được yêu cầu thống nhất giống cá nuôi, thăm quan mô hình, chia sẻ kinh nghiệm và tập huấn kỹ thuật. Đặc biệt, người nuôi cá không phải mang sản phẩm ra chợ bán rong. Việc thu hoạch cá với số lượng lớn nên thương lái đã đặt hàng để bao tiêu từ khi sắp tháo ao. Hiện nay, HTX nuôi chủ yếu là các giống cá trắm, chép, rô phi và cá chim.
Tăng từ 6.800ha lên 7.200ha
Xu thế đầu tư khai khẩn diện tích để nuôi trồng thủy sản không chỉ phát triển ở những địa bàn khu công nghiệp, khu đô thị của tỉnh Thái Nguyên như thành phố Sông Công, huyện Phú Bình, thành phố Thái Nguyên hay thành phố Phổ Yên mà còn lan tỏa lên các địa bàn vùng cao.
Ngoài những đối tượng thủy sản chăn thả truyền thống, các địa bàn vùng cao như huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Lương, người dân đã đầu tư vào chăn thả các loài đặc trưng như ốc nhồi, cá nước lạnh.... Thực tế đó đã đưa diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh Thái Nguyên từ 6.800ha năm 2015 lên 7.200ha năm 2020.
Ông Lý Mạnh Dần, Phó phòng thủy sản, Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản tỉnh Thái Nguyên khẳng định, việc nỗ lực cải tạo, đầu tư thâm canh, áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi thủy sản chính là điểm sáng để cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ và nhân diện, đặc biệt là tại những khu vực còn tiềm năng về nuôi trồng thủy sản nhưng chưa khai thác hết.