| Hotline: 0983.970.780

Nuôi xen tôm - cua - cá quảng canh cải tiến, quanh năm rủng rỉnh tiền

Thứ Ba 14/03/2023 , 08:17 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Nuôi xen tôm - cua - cá đầu tư rất thấp, chắc ăn, lại không có mùa vụ, người nuôi thu hoạch theo kiểu đánh tỉa thả bù, ngày nào cũng có tiền rủng rỉnh…

Vốn đầu tư “vừa túi tiền”

Bài liên quan

Theo ông Nguyễn Văn Chín, Trưởng thôn Huỳnh Giản Nam, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước, Bình Định), riêng trên địa bàn thôn này đã có đến 130 - 140ha diện tích mặt nước nuôi tôm xen cua - cá, nếu tính luôn cả thôn Huỳnh Giản Bắc thì diện tích lên đến khoảng 300ha.

Hầu hết người nuôi ở đây đều nuôi tôm theo phương thức quảng canh cải tiến, nuôi thủy sản tổng hợp chứ không nuôi chuyên tôm. Những hộ nuôi chuyên tôm theo phương thức công nghiệp ở địa phương này rất hiếm, đếm không đủ 10 đầu ngón tay, nhưng hầu hết đang lâm cảnh bi đát do thua lỗ triền miên bởi dịch bệnh.

Người nuôi thủy sản tổng hợp thu hoạch tôm-cua-cá mỗi ngày. Ảnh: V.Đ.T.

Người nuôi thủy sản tổng hợp thu hoạch tôm, cua, cá mỗi ngày. Ảnh: V.Đ.T.

“Những hộ dân nuôi tôm thâm canh ở thôn Huỳnh Giản Nam đầu tư cả đống tiền để cải tạo ao hồ, nâng đáy, lót bạt, đắp cao bờ, đào ao lắng, ao nuôi, mua máy sục khí tạo ô xy… mất cả 500 - 700 triệu đồng nhưng nuôi hiệu quả chỉ năm đầu, sang năm sau là dịch bệnh phát sinh, lập tức thua lỗ. Người nào “cố đấm ăn xôi” vụ sau thả giống nuôi tiếp để gỡ gạc là ngày càng lún sâu vào nợ nần, bởi nguồn nước ở đây đã ô nhiễm nghiêm trọng. Đây là vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp nước thủy triều, nên khi nước thủy triều dâng lên là không bờ nào ngăn nổi”, ông Nguyễn Văn Chín chia sẻ.

Ông Chín cho biết, hàng năm, sau mùa mưa bão, đầu tháng 3 dương lịch bà con bắt đầu cải tạo ao đìa, thả giống bắt đầu nuôi. Công đoạn cải tạo ao đìa trong nuôi tôm xen cua - cá không tốn nhiều chi phí như nuôi tôm thâm canh.

Trước khi thả giống, người nuôi chỉ cần xả hết nước trong ao ra, hộ nào có khả năng thì thuê trâu, bò cày xới tung đáy ao, sau đó đánh vôi xuống để diệt tạp, làm giảm bớt phèn. Ao nuôi có diện tích lớn thì đánh 2 - 3 tấn vôi, ao nhỏ đánh 1 tấn. Xả nước ra, lấy nước vào 3 - 4 lần để tẩy rửa hết tạp chất trong ao thì nuôi mới an toàn.

“Khi đáy ao đã sạch, người nuôi lấy nước vào với mực nước cao khoảng 1 - 1,2m. Con giống chúng tôi tuân thủ mua đúng theo khuyến cáo của Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Giống tôm sú mua của những cơ sở có uy tín để tôm có chất lượng, có khả năng kháng bệnh và nhanh tăng trưởng, tôm có kích cỡ 3cm/con.

Cua xanh mua giống có kích cỡ 1,5cm/con. Cá chua mua giống có kích cỡ từ 4 - 6cm/con. Mật độ thả nuôi đối với tôm chỉ 10 con/m2, cua xanh 0,2 con/m2, cá chua 0,1 con/m2. Riêng giống tôm có hộ mua tôm post về nuôi ương 1 tháng sau mới thả nuôi, có hộ mua tôm cơ sở đã ương sẵn về thả nuôi”, ông Nguyễn Văn Chín cho hay.

Empty

Tôm sú đạt kích cỡ 20 con/kg hiện có giá 320.000đ/con. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo ông Chín, 80% hộ nuôi ở thôn Huỳnh Giản Nam mua cua giống của ngư dân trong vùng đánh bắt từ tự nhiên ở mấy lạch sông được gọi là cua đếm, đếm bao nhiêu con trả tiền bấy nhiêu. Cua tự nhiên có kích cỡ từ 2 - 4cm được bán với giá 5.000 - 6.000đ/con. 20% hộ nuôi còn lại mua cua nuôi ương của Trạm Nghiên cứu thủy sản Cát Tiến ở huyện Phù Cát, đơn vị trực thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Định. Cua nuôi ương nhỏ như hạt tiêu được bán khay (1.000 con/khay) với giá 500.000đ/khay. Còn giống cá chua, cá dìa mua 6.000 - 7.000đ/con giống.

“Nuôi tôm xen tôm với cua - cá đầu tư ít, 1ha ao đìa đầu vụ chỉ tốn khoảng 25 - 30 triệu đồng mua giống, thức ăn viên chỉ cho tôm sú là chính. Cua xanh thì mua cá tạp về nấu chín rải xuống ao cho ăn. Cá chua chủ yếu ăn rong trong ao và ăn thức ăn viên tôm ăn còn thừa. Nhờ đó ao nuôi ít bị thức ăn thừa làm ô nhiễm nguồn nước”, ông Nguyễn Văn Chín chia sẻ.

Đêm nào cũng rủng rỉnh tiền triệu

Anh Nguyễn Văn Thanh (46 tuổi) ở thôn Bình Thới, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước, Bình Định), người đang sở hữu 2,5ha ao nuôi thủy sản tổng hợp. Tính đến nay, anh Thanh đã có hơn 10 năm nuôi tôm xen cua - cá. Với diện tích 2,5ha ao nuôi, mỗi vụ anh Thanh thả 30 - 40 vạn giống tôm sú, năm nào thời tiết thuận lợi anh thả 50 - 60 vạn, nếu thả 60 vạn tôm giống anh Thanh chi phí hơn 10 triệu đồng. Ngoài ra, cũng trong diện tích ấy anh Thanh thả nuôi xen 2 - 3 vạn giống cua xanh và khoảng 8.000 con cá dìa với hơn 10 triệu đồng tiền giống nữa.

“Với 2,5ha ao nuôi, mỗi năm tôi đầu tư cả công bồi trúc ao đìa, mua con giống 2 đợt và chi phí thức ăn cả vụ chỉ mất khoảng 60 - 70 triệu đồng. Năm nào thời tiết không thuận lợi tôi thu được khoảng 300 triệu đồng, năm nào thuận lợi tôi thu được 500 - 600 triệu đồng. Tôi nuôi theo kiểu nuôi xen và đánh tỉa thả bù nên đêm nào cũng thu hoạch. Chỉ khi ao nuôi bị nước thủy triều tràn vào mới dừng thu hoạch mấy hôm để tôm, cua, cá ổn định trở lại mới thu hoạch tiếp”, anh Võ Văn Thanh chia sẻ.

Cá chua nuôi xen với tôm-cua trong ao nuôi thủy sản tổng hợp của người dân Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Cá chua nuôi xen với tôm - cua trong ao nuôi thủy sản tổng hợp của người dân Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo anh Thanh, sau khi thả giống khoảng 2 - 3 tháng, người nuôi đã bắt đầu có thể thu hoạch. Ngư dân thu hoạch tôm bằng lưới lồng. Nếu tôm nuôi đạt 40 con/kg thì sử dụng lưới thưa, mắt lưới có kích cỡ 12 - 15 để đánh bắt, tôm lớn vào dính lại trong lưới còn tôm nhỏ lọt ra ngoài để nuôi tiếp.

Cua, cá thì dùng lưới quây bắt, con cua nào đúng kích cỡ và chắc mới bán, con nào nhỏ và ốp thả xuống nuôi tiếp. Trong thời gian thu hoạch, người nuôi thả chêm giống thêm vào để nuôi cả năm. Tôm mỗi năm thả giống 2 lần, một lần vào đầu tháng 3 và một lần vào đầu tháng 6 dương lịch. Thu hoạch đến mùa mưa thì không thả giống nữa, chỉ thu vét để mưa lũ ùa về người nuôi không bị thất thoát.

“Khi thu hoạch, riêng cua, cá con nào bán được mới bắt, còn không thì thả xuống nuôi tiếp, như vậy vụ nuôi mới đạt hiệu quả cao. Đêm nào thời tiết nắng ấm, tôm, cua, cá đi ăn nhiều thì mình đánh bắt được nhiều, đêm nào trời lạnh, thủy sản ít đi ăn thì mình đánh bắt được ít.

Bình thường mỗi đêm tôi thu từ 3 - 7kg tôm, 4 - 5kg cua, cá thì nhiều hơn, có đêm thu 5 - 7kg, cũng có đêm thu đến 20 - 30kg. Cua xanh hiện nay có giá 150.000đ/kg; cá chua từ 8 lạng/con trở lên bán được 80.000đ/kg; tôm sú đạt kích cỡ 30 con/kg hiện có giá 280.000đ/kg; tôm đạt kích cỡ 20 con/kg có giá 320.000đ/kg. Bình quân mỗi đêm tôi thu được từ 1 - 1,5 triệu đồng từ tiền bán thủy sản”, anh Võ Văn Thanh cho hay.

Ngoài tôm, cua, cá thả nuôi, người nuôi thủy sản tổng hợp hàng năm còn có thêm khoản thu “trên trời rơi xuống” từ tôm đất. Theo ông Nguyễn Văn Chín, Trưởng thôn Huỳnh Giản Nam, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước, Bình Định), trứng tôm đất ngoài tự nhiên dạt vào bờ nở ra và sống trong ao, đến khi lớn lên chúng cho chủ ao thêm khoản thu nhập đến 50 triệu đồng/năm, gần đủ bù vào chi phí đầu tư cho cả năm trên diện tích 1ha.

Lưới lồng dùng để thu hoạch tôm sú trong ao nuôi thủy sản tổng hợp của người dân Cồn Chim, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Lưới lồng dùng để thu hoạch tôm sú trong ao nuôi thủy sản tổng hợp của người dân Cồn Chim, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Năm ngoái, tôm đất có giá 280.000 - 300.000đ/kg, hiện nay hạ còn 250.000đ/kg, mỗi đêm người nuôi có thể đánh bắt được 4 - 5kg. Với 1ha ao đìa nuôi thủy sản tổng hợp, người nuôi đầu tư khoảng 50 - 60 triệu đồng, từ chi phí bồi trúc ao đìa, mua con giống, khoản thu từ tôm đất thôi cũng đã gần đủ bù vào khoản chi phí này. Còn lại khoản thu nhập từ tôm, cua, cá thả nuôi khoảng 150 - 180 triệu đồng/ha thì đó là lãi ròng mỗi năm của người nuôi.

"Không thể có tiền tỷ như nuôi chuyên tôm bằng phương pháp công nghiệp, nhưng nuôi xen tôm, cua, cá ngư dân không sợ lỗ, mỗi năm cầm được 150 - 180 triệu đồng tiền lãi là đủ có cuộc sống ổn định. Công việc này lại phù hợp với những người cao niên, không đi làm công ty được như thanh niên mà mỗi năm có được khoản thu nhập này thì không còn gì bằng”, ông Nguyễn Văn Chín chia sẻ.

Xem thêm
Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm