Theo đó, rất nhiều ha cây trồng và hoa màu ở tỉnh Luang Prabang đã bị châu chấu tre lưng vàng (tên tiếng Anh là yellow-spined bamboo locusts) phá hoại song song với dịch sâu keo mùa thu (armyworms) buộc ngành bảo vệ thực vật Lào phải mở một chiến dịch phun hóa chất trên diện rộng để ngăn chặn thảm thực vật bị thiệt hại nghiêm trọng hơn.
Ngày 21 tháng Năm năm 2020, Phó Giám đốc Sở Nông lâm nghiệp Luang Prabang, ông Sivone Vongkhamchanh chia sẻ với báo chí cho biết: Dịch hại châu chấu tre lưng vàng xuất hiện lần đầu tiên tại Lào là vào ngày 23 tháng Ba tại sáu huyện của tỉnh Luang Prabang gồm Nambak, Viengkham, Ngoy, Phonxay, Phonthong và Pakxaeng.
Tính đến nửa cuối tháng Năm, tại tỉnh Luang Prabang đã có tổng cộng 1.698ha hoa màu bị thiệt hại bởi dịch châu chấu tre lưng vàng.
Theo ông Sivone, tại thời điểm này chính quyền địa phương cũng đã phát hiện thêm một dịch hại khác trên ngô ngọt là sâu bướm tại ba huyện Pakxaeng, Xiengngeun và Phonthong khiến 24,1ha ngô ngọt bị thất thu.
Ngành bảo vệ thực vật Lào đã chỉ đạo nông dân phun xịt hóa chất kết hợp với sử dụng vôi bột, muối và các loại thuốc trừ sâu khác để bảo vệ cây trồng. Tại những khu vực có ấu trùng châu chấu tre lưng vàng cũng được phun hóa chất để ngăn chặn sự nảy nở, bùng phát thêm các ổ dịch mới.
Theo các nghiên cứu tại Lào, dịch châu chấu tre lưng vàng thường bùng phát chủ yếu tại những vùng trồng nhiều tre trúc, trong khi dịch sâu keo mùa thu lại thường xuất hiện ở những vùng trồng ngô ngọt trọng điểm.
Hồi năm 2019, các đàn châu chấu tre lưng vàng và trứng của chúng đã được phát hiện ở 143 khu vực, trải rộng trên khắp 63 làng xã và 9 huyện của tỉnh Huaphan. Sau khi tàn phá tre trúc, loài dịch hại phàm ăn này đã tấn công 4 ha lúa ở Phonxay thuộc huyện Viengxay và 1 ha lúa ở Xiengkhor, trước khi bị tiêu diệt.
Trong đợt dịch hại châu chấu tre lưng vàng đầu tiên vào năm 2014-2015, ngành nông nghiệp Lào đã có tới trên 4.300 ha cây lương thực của hơn 3.500 hộ nông dân bị châu chấu tre lưng vàng gây hại, chủ yếu là lúa, ngô, và ý dĩ (bo bo).
Trong nhiều năm qua, những nỗ lực phun xịt hóa chất để đánh chặn châu chấu tre lưng vàng từ xa tại lào luôn đối diện khó khăn do địa hình phức tạp.
Tại một số địa phương, các giải pháp kỹ thuật mới là phát quang và đốt thực bì đã được người dân sử dụng để tiêu diệt loại côn trùng này, thay vì sử dụng hóa chất thiếu bền vững do lo ngại hóa chất sẽ gây ô nhiễm nguồn nước và gây hại cho gia súc cũng như cộng đồng.
Dịch châu chấu tre lưng vàng được phát hiện lần đầu tiên ở Lào vào tháng 10 năm 2014 tại huyện Phonthong của tỉnh Luang Prabang rồi sau đó lây lan sang các tỉnh khác, gồm Huaphan và Phongsaly kéo dài sang năm 2015.