| Hotline: 0983.970.780

Kiểm soát hiệu quả châu chấu tre lưng vàng phá hoại

Thứ Bảy 13/10/2018 , 18:15 (GMT+7)

Sáng nay, tại Hà Nội, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “Hỗ trợ khẩn cấp nhằm tăng cường năng lực kiểm soát châu chấu tre lưng vàng tại Lào và Việt Nam”.

Châu chấu tre lưng vàng phá hoại ngô

Dự án được triển khai tại 6 tỉnh miền núi và trung du phía Bắc (Phú Thọ, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Điện Biên và Sơn La) bắt đầu từ ngày 13/2/2018 và sẽ kết thúc vào tháng 10/2018, với những nội dung: Thành lập mạng lưới khu vực và xây dựng các cơ chế hợp tác cho hệ thống cảnh báo sớm về nạn châu chấu; tăng cường năng lực kiểm soát châu chấu tre lưng vàng ở khu vực; triển khai hệ thống giám sát và chương trình kiểm soát sinh học đối với châu chấu.

Mục tiêu là nâng cao năng lực kiểm soát châu chấu tại Lào và Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và bảo vệ an toàn cho sản xuất nông nghiệp của người dân ở khu vực nông thôn, miền núi.

Xây dng được mạng lưới khu vực để cảnh báo sớm

Việc thành lập mạng lưới châu chấu khu vực cho các nước Trung Quốc, Lào và Việt Nam với đối tác là Thái Lan sẽ giúp tăng cường chia sẻ thông tin giám sát và chia sẻ báo cáo về tình hình châu chấu trong thực tế (bao gồm cả thông tin về mức độ phá hoại) và lập kế hoạch cho các hoạt động kiểm soát. Việc này sẽ cho phép đồng bộ hoá/liên minh liên kết công tác quản lý châu chấu trong khu vực và thực hiện các biện pháp kiểm soát giữa các nước tham gia, đảm bảo giảm tình trạng châu chấu di cư xuyên biên giới và giảm thiệt hại cây trồng.

Thêm vào đó, việc liên kết mạng lưới trong nước và hợp tác giữa các cơ quan trong nước sẽ được tăng cường song song với mạng lưới khu vực để đảm bảo các nước tham gia hiệu quả.

Quang cảnh buổi Hội thảo
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, phát biểu tại Hội thảo

Thông tin về tình hình châu chấu và hoạt động kiểm soát từ các trang trại, các huyện, tỉnh từ cấp quốc gia xuống cấp địa phương chính là một công cụ quan trọng để chiến lược kiểm soát phòng ngừa châu chấu đạt được mục đích và hiệu quả. Thông tin thời gian thực và việc sử dụng trang web của Uỷ ban Bảo vệ Thực vật Châu Á-Thái Bình Dương để báo cáo tình hình sâu bệnh gây hại sẽ: Giúp đảm bảo kiểm soát châu chấu non kịp thời ngay tại các khu vực có ổ trứng trước khi châu chấu mọc cánh và châu chấu trưởng thành kịp di chuyển theo đàn, và gây hại trên diện rộng.

Kiểm soát sinh học

Thực hiện giám sát điện tử tại Trung Quốc, Lào và Việt Nam, FAO hỗ trợ các nước lên kế hoạch và thực hiện giám sát chủ động thông qua việc sử dụng các công cụ giám sát điện tử, phân tích thông tin khảo sát và phổ biến kết quả thông qua mạng lưới khu vực, giữa các quốc gia đã bị và có khả năng bị châu chấu phá hoại nhằm đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng cho công tác kiểm soát châu chấu. Trong trường hợp này, các thiết bị định vị toàn cầu và phần mềm theo dõi P-trackers cũng sẽ được tiến hành mua sắm.

Việc cải thiện hệ thống giám sát điện tử sẽ giúp hệ thống cảnh báo sớm có thể thu thập thông tin thời gian thực ngay tại địa bàn có ổ trứng trong giai đoạn châu chấu quần tụ quanh ổ, chấu chấu non nở và châu chấu trưởng thành di chuyển thành đàn. Các thông tin về tình hình châu chấu sẽ giúp các đội kiểm soát châu chấu đưa ra các quyết định hợp lý về các hoạt động kiểm soát châu chấu và tối ưu hoá các nguồn lực hạn chế hiện thời.

Các quần thể châu chấu sẽ được kiểm soát bằng phương pháp sử dụng thuốc trừ sâu sinh học thay cho thuốc trừ sâu hoá học độc hại. Các hoạt động kiểm soát sẽ được hỗ trợ với sự hợp tác chặt chẽ của Lào và Việt Nam. Công tác hỗ trợ sẽ bao gồm các hoạt động sau đây: Mua sắm và phân phối trang thiết bị (thiết bị bay điều khiển từ xa để phun thuốc trừ sâu sinh học, các phụ tùng cho máy phun thuốc trừ sâu) và thuốc trừ sâu sinh học (Protozoa và Metarhizium) dùng cho các khu vực mục tiêu. Thuốc trừ sâu sinh học sẽ được nhập khẩu từ Trung Quốc và có thể mua tác nhân sinh học Metarhizium của Thái Lan. FAO cũng phối hợp với Trung Quốc và Thái Lan cung cấp tư vấn kỹ thuật về cách thức nuôi cấy tác nhân sinh học trên diện rộng; xây dựng các chương trình ứng dụng thuốc trừ sâu sinh học, điều phối các hoạt động của chương trình và đảm bảo thời điểm phù hợp để tiến hành các hoạt động.

Phun chế phẩm sinh học Nosema và Metarhizium phòng, trừ châu chấu tre lưng vàng

Liên quan đến thời điểm, việc kiểm soát châu chấu hiệu quả và đạt được kết quả sẽ bắt đầu khi vừa phát hiện bùng phát châu chấu tại một khu vực nhỏ và trước lần lột xác thứ 4 của châu chấu non, đó là khi châu chấu rất dễ bị các tác nhân sinh học Nosema làm tổn thương. Cách làm này cũng sẽ mang lại kết quả tốt hơn so với các biện pháp kiểm soát được triển khai ở giai đoạn sau này khi châu chấu đã lây lan trên diện rộng và giúp duy trì, hỗ trợ việc liên kết mạng lưới và báo cáo. Việc báo cáo thông tin nhanh chóng cho mạng lưới quốc gia và khu vực sẽ đảm bảo giảm số lượng châu chấu con và ngăn chặn chúng phát triển thành đàn trưởng thành, từ đó giảm thiệt hại cây trồng. Các đội kiểm soát châu chấu sẽ giúp lập kế hoạch hoạt động trong khi các đội tại địa phương bao gồm cả lao động phổ thông, sẽ thực hiện phun thuốc.

 


Theo như 6 địa phương chia sẻ tại hội thảo, các tỉnh đang gặp chung một khó khăn là việc đánh giá hiệu quả phun thử nghiệm châu chấu ngoài thực địa còn hạn chế. Do sau khi phun chế phẩm châu chấu di chuyển đi nơi khác nên không thu được mẫu để đánh giá.

Cùng đó, châu chấu gây hại tại khu vực có địa hình chủ yếu là đồi, núi cao, rừng rậm rạp, nhiều tầng tán và tại các bụi tre cao (từ 8 – 15m) do đó công tác tổ chức thủ nghiệm phòng trừ chế phẩm còn gặp khó khăn (như vận chuyển nước, đi lại…).

 

Ông Zhang Long, Giảng viên trường Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, Chuyên gia tư vấn FAO, chia sẻ tại Hội thảo: Nosema locustee là động vật nguyên sinh đơn bào, là tác nhân gây bệnh cho côn trùng bộ cánh thẳng.

Tác nhân gây bệnh này đã được phát triển thành một trong những tác nhân phòng trừ sinh học (BCA) chính để quản lý châu chấu ở Trung Quốc và Hoa Kỳ. Châu chấu có thể bị nhiễm Nosema và bị chết sau khi ăn bào tử nấm dính trên thức ăn (ví dụ như: tre, ngô, lúa,…). Trên 100 loài châu chấu mẫn cảm với Nosema locustee, trong đó có châu chấu tre lưng vàng Nosema có thể chịu được điều kiện nhiệt độ cao. Nhiều thí nghiệm cho thấy Nosema rất an toàn với người và môi trường...

 

Theo ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật: Với thời gian rất ngắn, cùng sự nỗ lực của những chuyên gia trong nước và quốc tế, đặc biệt của các đơn vị tham gia vào dự án, các tỉnh thì đã hoàn thành tốt được mục tiêu mà dự án đặt ra. Dự án này là tiền đề cho chúng ta thực hiện trong các năm tới. Đặc biệt từ này cho đến 2019, yêu cầu 6 tỉnh tham gia dự án cũng như các tỉnh lân cận sẽ thực hiện một số nhiệm vụ: Thứ nhất là xây dựng kế hoạch một các rõ ràng trong thời gian tới; tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo tỉnh để có kinh phí cho việc phòng trừ châu chấu tre lưng vàng trong năm 2019.

Thứ hai, một trong những công tác quan trọng hiện nay là việc phát hiện vị trí đẻ trứng của châu chấu. Đề nghị các tỉnh theo dõi sát các vị trí đẻ trứng của châu chấu và nhập vào phần mềm theo dõi P-trackers để có dữ liệu tổng hợp qua nhiều năm từ đó có nắm được quy luật sinh sản của nó để phòng, trừ một cách hiệu quả nhất. Các tỉnh giáp biên giới với Lào cần chủ động hợp tác với nước bạn, trao đổi thông tin với nhau.

Thứ ba, đề nghị đại diện các tỉnh phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia để hoàn chỉnh nội dung cuốn sổ tay Hướng dẫn phòng trừ châu chấu một cách hoàn thiện nhất...

 

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.