Việc cấp thiết lúc này là triển khai ĐTM đối với những thay đổi về tăng quy mô công suất chế biến khoáng sản và đánh giá tổng thể lại các tác động ảnh hưởng đến môi trường.
Sản lượng tăng, hóa chất tăng
Dự án khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo báo cáo ĐTM tại Quyết định số 233/QĐ-BTNMT ngày 28/2/2005; năm 2008 được phê duyệt bổ sung tại Quyết định số 370/QĐ-BTNMT ngày 6/3/2008.
Theo điều tra của PV NNVN, năm 2015, hoạt động sản xuất của Cty Núi Pháo có sự thay đổi về quy mô so với báo cáo ĐTM đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Theo đó, sản lượng quặng nguyên khai năm 2015 mặc dù không tăng so với sản lượng kê khai trong ĐTM nhưng sản lượng và hàm lượng tinh quặng sau chế biến có tăng.
Trong đó, Bismus, đồng tăng khoảng 5 lần, Vonfram tăng khoảng 2 lần. Rõ ràng, những chỉ số trên cần được xem xét và làm rõ. Bởi khi, sản lượng tinh quặng và hàm lượng tinh quặng sau chế biến tăng rất có thể sẽ đi kèm với việc thay đổi phương pháp sản xuất. Minh chứng là tổng lượng hóa chất sử dụng năm 2015 của Núi Pháo tăng gấp 2,8 lần so với tổng lượng trong báo cáo ĐTM; có 13 loại hóa chất phát sinh ngoài danh mục báo cáo ĐTM.
Trong tổng số 31 loại hóa chất Cty Núi Pháo đang sử dụng có một số loại có khối lượng sử dụng vượt mức trong báo cáo ĐTM: Đồng sunfat sử dụng vượt mức 1,34 lần, Natri Hydroxit sử dụng vượt mức 10,25 lần. Việc gia tăng hóa chất sử dụng có thể có sự thay đổi về công nghệ, sẽ làm gia tăng mức độ ảnh hưởng đến môi trường.
Co diện tích tổng thể, tăng diện tích xử lý nước thải
Theo báo cáo ĐTM năm 2005, mỏ Núi Pháo đã xác định diện tích cần sử dụng 921ha. Tuy nhiên, theo báo cáo ĐTM 2008 có sự xáo trộn về diện tích một số hạng mục như: Moong khai thác tăng lên 20ha, bãi đất đá thải tăng lên 40ha, diện tích hồ chứa quặng đuôi tăng lên 60ha, nhà máy chế biến và các công trình đi kèm tăng lên 15ha. Nhưng tổng diện tích cần sử dụng lại giảm chỉ còn 625ha (giảm gần 300ha), với lý do phần diện tích di dân, tái định cư sẽ được thực hiện riêng ngoài dự án trên, hạn chế sự xáo trộn vấn đề xã hội.
Cụ thể diện tích dự án theo báo cáo ĐTM năm 2008 như sau: Tổng diện tích đền bù ước tính là 625ha, trong số đó có diện tích dành cho khai thác chế biến là 384,5ha (moong khai thác là 93ha, diện tích bãi đất đá thải 81,5ha, diện tích hồ chứa đuôi quặng 175ha - khu chứa nước và bùn thải, nhà máy chế biến và công trình đi kèm 35ha).
Diện tích khu xử lý nước thải của Cty Núi Pháo đã tăng gần 120ha so với báo cáo ĐTM
Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay công ty đang quản lý 626ha, trong số đó có diện tích dành cho khai thác chế biến là 487,89ha (moong khai thác là 90ha; bãi thải 69,3ha; khu xử lý nước thải 292,89ha; khu nhà máy 35ha). Như vậy, so với báo cáo ĐTM đã được phê duyệt, diện tích khu vực xử lý nước thải đã tăng thêm 118,89ha. Việc tăng diện tích đất cho xử lý nước thải có thể được hiểu là có sự gia tăng lượng thải, gia tăng tác động.
Như vậy, có thể thấy, hoạt động của Cty Núi Pháo đã có sự thay đổi, cần được xem xét, giải trình, đánh giá phạm vi ảnh hưởng thực tế so với báo cáo ĐTM.
Mặt khác, theo báo cáo ĐTM, hành lang an toàn môi trường tính từ moong khai thác ra khu vực xung quanh là 500m. Tuy nhiên, hiện nay hành lang phụ trợ đảm bảo an toàn môi trường cho hoạt động khai thác, chế biến chưa được thiết lập rõ ràng trên thực địa và trong báo cáo ĐTM. Thực tế, xung quanh khu vực Núi Pháo đã bị ảnh hưởng, như xóm 3 - 4 - 6 xã Hà Thượng; xóm 13 - 14 xã Tân Linh; xóm 1 - 2 xã Hùng Sơn.
Theo quy định tại Điều 5, Điều 7, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015, khi thay đổi quy mô sản xuất so với báo cáo ĐTM, Công ty Núi Pháo thuộc đối tượng phải lập phương án cải tạo phục hồi môi trường, bổ sung trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Khi chưa báo cáo và không có ý kiến của cơ quan chức năng có thẩm quyền thì rõ ràng dư luận có cơ sở để hoài nghi về việc ô nhiễm môi trường tại siêu Dự án Núi Pháo.