| Hotline: 0983.970.780

Ở rể nhà mẹ vợ

Thứ Bảy 15/09/2018 , 09:05 (GMT+7)

Thói thường có thể chỉ có những cô gái tương lai sẽ đi lấy chồng, làm dâu, nhưng với Hiếu câu chuyện là ngược lại. 

Bởi vì anh phải đi làm rể. Nói chính xác là ở rể trong một hoàn cảnh hoàn toàn không giống ai, nhưng đó là do chính anh tình nguyện làm điều này.

Mỗi khi bị o ép quá, có đôi lần Hiếu đã tự vấn lại lương tâm xem vì sao anh không tìm một cô gái nào khác để yêu, mà lại đi trồng cây si với Đào? Điều đó gọi là có duyên có nợ với nhau. Nếu không thế thì sao Hiếu lại không màng đến cô Linh cũng không kém phần xinh xắn, đã tốt nghiệp đại học và đang theo đuổi anh, để rồi không cưỡng nổi trái tim xao xuyến khi anh gặp Đào. Giữa gia đình của anh và Đào, hai đàng nhà trai nhà gái bên nào cũng khá giả như nhau. Vậy mà để lấy được Đào, Hiếu phải ép lòng đi ở rể, một điều kiện chẳng những anh không mong muốn mà ngay cả bố mẹ anh lại càng phản đối.

Nhà Hiếu có hai con trai, Hiếu là con trai cả. Em trai của anh kém anh đến một con giáp, còn quá nhỏ. Vì thế khi nghe mẹ của Đào tuyên bố muốn “bắt rể”, cả nhà Hiếu đều bị sốc. Nhà Đào cũng có mấy ông anh bà chị, họ đều đã lập gia đình và ra riêng. Nếu Đào lấy chồng và cũng ra ở riêng nốt thì mẹ già của cô, bà Lâm, sẽ không ai chăm sóc. Đào đã phải khổ sở phân trần hết với Hiếu rồi với bố mẹ chồng về hoàn cảnh của cô. Cô hứa hẹn với hai ông bà rằng gia đình cô giờ chỉ có hai mẹ con hủ hỉ có nhau, vì thế điều chắc chắn là hai người sẽ rất yêu quý, chiều chuộng “cậu hai” Hiếu hết mực.

Phần vì thông cảm cho hoàn cảnh neo đơn của hai mẹ con, phần vì có lời nói vun vào của Hiếu, rốt cuộc sau những phân vân và đấu tranh tư tưởng dữ dội, hai ông bà Chí đã đồng ý cho cậu con quý tử “xuất giá” về ở bên nhà vợ, một vấn đề mà sau đó ngay chính hai ông bà cũng đã phải trăn trở khi phân bua, giải thích, mỗi lần những người trong họ hàng hay bạn bè quen biết thắc mắc về cớ sự.

Nhưng nói cho cùng, người nằm trong chăn mới biết chăn có...rệp, đó là Hiếu. Đúng là câu nói từ cửa miệng mọi người rằng xa thơm gần thối quả không sai. Cuộc sống chung với hai mẹ con của Hiếu ban đầu diễn ra có vẻ suông sẻ, êm thắm. Càng về lâu về dài dường như những điều người ta đã cố gắng nhẫn nại để che giấu các khuyết điểm bản thân, nhằm nỗ lực bộc lộ ra những điểm nhân cách tốt đẹp, gần như hoàn hảo, thứ nhân cách lý tưởng phải cố gắng để hoàn thiện, giả tạo đó đã không thể duy trì, giữ gìn được dài lâu. Đến một lúc nào đó, không chóng thì chầy cái kim trong bọc lâu ngày rồi cũng sẽ lộ ra. Đó là trường hợp của bà Lâm.

Thời gian trôi qua, khi những kiêng dè giữ gìn lúc ban đầu đã nhường chỗ cho sự dễ dãi và buông thả, con người thực sự của bà Lâm đã lộ ra. Bà bắt đầu có thái độ tò mò tọc mạch, đặc biệt là bà để ý đến cả những khoảnh khắc riêng tư của đôi vợ chồng trẻ. Điều này hoàn toàn bất ngờ không những đối với Hiếu, mà cả đối với Đào, con gái của bà nữa. Không kể những chuyện nhỏ nhặt, chẳng hạn như chuyện đi chợ mua sắm, ăn uống của họ bị bà chi phối, bắt phải ăn theo khẩu vị và sở thích của bà hơn là của họ.

Như đã nói, dù sao những chuyện trái ngược khẩu vị như thế tạm thời cũng có thể giải quyết được. Hai vợ chồng bảo nhau, những món ăn họ không thích cho lắm thì vào bữa cơm, hai người sẽ ăn ít thôi. Họ có thể giải quyết cơm thèm bằng cách những khi đi phố, họ tìm những hàng ăn có các món khoái khẩu để chiều chuộng khẩu vị của cả hai. Chuyện kể ra như thế cũng có thể nói là tạm giải quyết được êm đẹp. Nhưng còn cái chuyện riêng tư, thầm kín vợ chồng kia mới thật là khó nói và vô cùng khó chịu. Đến mức sau một số lần, một trong hai vợ chồng bắt gặp bóng dáng bà mẹ vợ bất ngờ lảng vảng quanh chỗ họ đang tình tự hoặc kinh khủng nhất là những giây phút đáng ra chỉ cho riêng hai người thì lại có thêm một người thứ ba rình rập.

Số là bà Lâm góa chồng vào năm bà mới ngoài 30 tuổi. Thay vì đi bước nữa, bà đã làm bà mẹ trẻ đơn thân ở vậy một nách nuôi dạy bốn đứa con. Bây giờ khi tuổi đã về chiều, chẳng ngờ những thao thức, trống vắng một thời nay lại trỗi dậy dằn vặt bà. Điều bất tiện thứ hai là nhà bà Lâm không rộng rãi gì cho lắm. Cái gọi là phòng riêng của họ cũng chỉ cách phòng của bà một cái hành lang nhỏ. Chưa bao giờ vợ chồng họ cảm thấy thèm thuồng có được những giây phút riêng tư đến như thế.

Cũng may, câu chuyện tưởng như bế tắc nọ rốt cuộc bỗng nhiên có được một nút gỡ. Gia đình bà chị cả của Đào làm ăn gặp hồi khó khăn phải bán nhà, vợ chồng con cái sáu người tạm về ở chung nơi nhà mẹ đẻ. Nhờ đó vợ chồng Hiếu bèn xin phép ra riêng. Họ nhường nhà cho bà chị cả vừa ở vừa chăm sóc mẹ già. Hơn nữa, thời gian sau này bà Lâm cũng hay bệnh tật ốm đau luôn, sức khỏe sút kém hẳn. Những chuyện tò mò khi xưa, bây giờ cũng đã không còn.

(Kiến thức gia đình số 37)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm