| Hotline: 0983.970.780

Ông "Ma làng" nói chuyện lở làng

Thứ Sáu 29/08/2014 , 13:10 (GMT+7)

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần- tác giả của “Ma làng”, “Gió làng Kình”… những bộ phim nổi tiếng về đề tài nông thôn đã trao đổi với chúng tôi cảm nghĩ về làng nhân đọc loạt bài "Lở làng"./ Tạm ứng... làng văn hóa

Cảm nhận về nông thôn của ông bây giờ thế nào?

Nhiều người cũng như mình khi nghĩ về nông thôn thường có tâm lý luyến tiếc cây đa, bến nước, lũy tre… nhưng điều này hình như không đúng.

Sự phát triển, mở mang, tạo ra những “phố làng”, các hình thức “đô thị hóa nông thôn”… là một phát triển, tiến bộ chứ sao không? Chẳng lẽ cứ cứ luyến tiếc quá khứ mà bắt làng, xã phải như ngày xưa? Bắt người dân phải sống nghèo nàn? Đấy là mâu thuẫn giữa sự phát triển và bảo tồn.

Tuy nhiên, sự phát triển của làng mang tính tất yếu không chỉ làm thay đổi diện mạo làng quê mà còn phá đi nhiều thứ có thể là quý giá về văn hóa, xã hội khác nữa vì chúng ta không thực hiện song song giữa phát triển kinh tế và phát triển về tâm hồn, văn hóa, tư duy, nhận thức của người dân và cộng đồng nông thôn.

17-07-06_dsc_8044
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần

Ông định nghĩa thế nào là phát triển về tâm hồn?

Cái đầu tiên phải nói là dân trí. Xưa, tình hình dân trí nói chung và dân trí làng xã đơn giản hơn rất nhiều. Người làng sống biết tôn trọng, thậm chí sợ hãi nhiều nhiều thế lực: sợ thần thánh, chùa chiền, sợ các quan chức và đặc biệt sợ họ tộc, gia phong.

Đi đâu, làm gì dân trong làng, trong xã, thậm chí đến huyện đều biết rõ cả tông tích: người này là thuộc dòng họ nào, con ông này, bà kia… thành ra việc giữ gìn danh dự cho dòng họ, gia phong rất lớn, con người sống quy thuận các quy định của cộng đồng nhỏ, cộng đồng lớn.

Văn hóa truyền thống là văn hóa của cộng đồng: cộng đồng làng, cộng đồng họ. Nỗi sợ hãi hay tôn thờ cũng cụ thể ra là đình chùa, làng miếu, giờ bị phá vỡ hết rồi…

Ngược lại cuộc sống của người dân ở thành phố lại khác. Sống cùng phố phường mà nhiều khi chẳng biết, chẳng quan tâm hàng xóm láng giềng, lạnh lùng với tất cả mọi chuyện, không có tính cộng đồng cao.

Thành phố đến giờ vẫn vậy, đã hình thành lối sống như thế, còn ở nông thôn, cho đến nay vẫn đang lập lờ giữa hai kiểu sống. Một mặt tìm cách bỏ làng đi để kiếm sống, muốn phá vỡ những thứ đáng tôn thờ hoặc đáng sợ hãi. Một mặt vẫn đòi sống như cũ, tôn trọng mối quan hệ cộng đồng và các quy ước truyền thống. Thành ra ngay nội tại từng gia đình, dòng họ, làng xã luôn tồn tại những mâu thuẫn, xung đột rất khó giải quyết.

Những phong trào xây nhà văn hóa, đền đình, làng văn hóa v.v… phần lớn mang tính hình thức. Bây giờ làng nào chẳng có treo biển “Làng/ khu dân cư văn hóa” kể cả làng nghiện, làng cờ bạc, lưu manh… cũng vậy. Còn đền chùa đôi khi thành điểm kinh doanh, dân góp tiền xây hoặc một nhóm người vận động xây dựng và hành lễ… để thu lợi. Tất cả những điều ấy làm đổ vỡ lòng tin, người dân dần dần nghi ngờ mọi thứ và trở nên khó sống khi mất đi lòng tin.

Nông thôn giờ có hai lớp người già và trẻ. Người già có tin không? Họ cũng đang không tin, không tin chùa làng mình là ghê gớm lắm, không tin dòng họ mình là quan trọng, không tin cách quản lý, dạy dỗ con cháu của mình là hợp thời…nhưng họ vẫn cố thủ, bám lấy cái đó để có danh vị, có thế lực, uy tín với mọi người. Họ lạc hậu với cuộc sống nên lớp trẻ cũng không chờ đợi, nghe lời…

Còn đối với thanh niên bỏ làng ra đi số thanh niên vào học đại học ít lắm, chủ yếu là đi kiếm việc làm, mà nghề nghiệp không có chỉ làm thuê, hoặc đi đào vàng, lấy trầm, làm than “thổ phỉ”… Niềm tin mất đi, ý thức sống kiểu “vô chính phủ” “xã hội đen” nặng nề.

Có lần về một làng thuộc huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình, làng miền núi, rất sâu, trông có vẻ bình yên, bỗng nhiên tôi thấy một ngôi nhà treo tấm biển “Câu lạc bộ chia sẻ”, nơi sinh hoạt của những người bị AIDS. Tôi hỏi sao làng ta lại có như thế? Người ta bảo: Vâng, làng em 200 người mắc, chết 50 rồi còn 150…

Ông thấy câu chuyện dòng họ hiện nay thế nào?

Ông có cảm giác rằng nông thôn giờ không còn an toàn?

Nhận định chung là nông thôn tệ lắm, những vấn đề A, B, C, D nào đó cần phải giải quyết ngay. Thế nhưng hầu như không ai biết phải làm gì? Làm như thế nào? Đấy chính là cái bế tắc. Điều này không chỉ là vấn đề của nông thôn thôi đâu, ngay ở thành phố cũng đang có nhiều nguy cơ đáng lo ngại. Có thành phố lưu manh hoành hành…

Tôi hỏi bên công an vì sao vậy, họ bảo vì sau khi một trùm xã hội đen chết, thành phố không có thủ lĩnh của lưu manh, không đứa nào trị được đứa nào thành ra loạn. “Bọn em cố gắng dựng một thủ lĩnh nhưng dựng mãi không được anh ạ”. 

Chuyện đó làm cho tôi nghĩ đến nông thôn. Không có thủ lĩnh, kể cả tốt hay xấu nên có nhiều xu hướng, nhiều con đường, mâu thuẫn với nhau, bất cứ lúc nào cũng có thể thành hỗn loạn.

Trưởng thôn là chức vụ duy nhất, nhỏ nhất của làng được thực hiện bằng bầu cử (những chức vụ chính quyền cao hơn đều do trên cử). Vậy nhưng người “mua” mua chức trưởng thôn có thể rất đơn giản, mang thùng bia về, mời mọi người uống bia rồi bỏ phiếu cho bác tao nhé… thì có thể rất nhiều người bầu ngay…

Trong một làng có nhiều dòng họ, dòng họ lớn có giá trị nào đó trong làng. Nhưng thế nào là dòng họ lớn? Có thể là dòng họ đông nhân khẩu, dòng họ có học, dòng họ giàu, dòng họ lưu manh. Đông, giỏi, giàu đã đành nhưng lưu manh cũng có thể là dòng họ to vì thế lực lưu manh có khả năng trấn áp cả làng dù số lượng người ít.

Khi dòng họ lưu manh đó có người ứng cử vào chức trưởng thôn chẳng hạn thì rất dễ giành được mục đích. Khi có chính quyền thôn lưu manh thì dòng họ lưu manh lại càng hoành hành rất dữ tợn…

Ông thấy đạo đức của người nông thôn hiện nay ra sao?

Hồi mới giải phóng, tôi vào Sài Gòn, xem một quyển sách giáo dục công dân cấp hai. Sách dạy cụ thể lắm như vào nhà khoanh tay chào bố mẹ thế nào, ra đường một thanh niên đi cạnh một cô gái thì luôn đi ngoài hướng ngoài như một người bảo vệ, đi cùng người có tuổi thì luôn đi chậm hơn nửa bước.

Rõ ràng những thứ đó làm cho người ta có nếp sống mà thấy ngược lại sẽ là sai còn giờ chúng ta hoàn toàn không thấy cái gì đúng, cái gì là sai cả. Ta giờ toàn dạy những lý thuyết trìu tượng.

Thanh niên nông thôn đi ra khỏi làng không có bất cứ ràng buộc nào của gia đình, của dòng họ nên sống cực kỳ liều lĩnh, học những điều chỉ biết có lợi cho mình. Đánh nhau mà cướp được cái gì là họ đánh. Mang tất cả những thứ đó về làng bản thân người đó phá vỡ chính gia đình mình.

Thằng anh, thằng em, ông bố trong mắt họ trở nên trở nên lạc hậu thành ra coi thường đầu tiên rồi sau nữa là tranh chấp với làng xóm, láng giềng.

Chuyện tan vỡ gia đình ở nông thôn đem lại cho ông cảm nghĩ gì?

Có một lần đi làm phim, chúng tôi chọn một xã có nhà dân, có UBND xã làm bối cảnh dàn dựng cảnh quay. Ông Phó chủ tịch thỉnh thoảng lại ra gặp tôi xin: “Anh Phần cho cán bộ Ủy ban mượn xe ô tô đi công tác nhé”. Đang nhờ cậy người ta nên tôi cho mượn…

Sau đó tôi có hỏi lái xe chở đi đâu? Lái xe bảo lên thị trấn... "giải trí". Cả một đoàn gọi là cán bộ Ủy ban, những người có “chức sắc” đi xe có logo VTV oai lắm! Tôi thắc mắc với cậu lái xe “sao họ nhiều tiền thế?”, anh ta kể, ông mượn xe nói bô bô: “Tiền có gì mà phải lo? Xã có sáu chiếu bạc vẫn tồn tại. Nếu định mai đi chơi, tối nay vào sùy một phát chúng nó bỏ chạy, thế là mình thu tất cả tiền trên chiếu. Không lập biên bản là may rồi, sao nó dám kiện?”…

Chúng ta nóng vội phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch ở nông thôn trong khi chưa hề có chuẩn bị về dân trí, nghề nghiệp, ý thức lao động công nghiệp và tạo việc làm cho thanh niên nông thôn.

Ngày xưa gia đình nông thôn là gia đình nông nghiệp, vợ, con nghe theo chồng, cha răm rắp từ những vấn đề về mùa vụ, về cấy hái đến lễ giáo, cư xử… Giờ kiểu gia đình đó đã bị phá vỡ… Rất nhiều vấn đề bị đảo ngược. Tổ ấm gia đình, cơ cấu dòng họ có thể vỡ từ mọi thành viên trong gia đình.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Tháng phim điện ảnh tri ân huyền thoại màn bạc Alain Delon

Tháng phim điện ảnh từ 12h ngày 16/12/ 2024 đến 24h ngày 16/1/2025, với ba tác phẩm nổi tiếng cho sự góp mặt của huyền thoại màn bạc Alain Delon.

Liverpool đang được ví như Man.United thời huy hoàng

Đội bóng 'quỷ đỏ' thành phố cảng Liverpool của nước Anh đang thi đấu thăng hoa, bất khả chiến bại trên mọi đấu trường.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.