| Hotline: 0983.970.780

Lở làng: Đột biến tan vỡ hôn nhân

Thứ Tư 27/08/2014 , 08:15 (GMT+7)

Gia đình trước khi là tế bào của xã hội phải là tế bào của làng xã. Giờ tế bào ấy đang có những biến dị bất thường thể hiện rõ nhất qua tỷ lệ ly hôn tăng đột biến./ Đơn xin ly dị... họ / Câu chuyện của đất

Phái nữ ngày một chủ động

Kinh Môn là huyện "vùng sâu vùng xa" của Hải Dương nhưng cũng là huyện công nghiệp hóa mạnh nhất. Văn hóa, lối sống thành thị xâm thực vào như vũ bão.

Gắn bó hơn hai mươi năm với nghề, Chánh án TAND huyện Kinh Môn Nguyễn Thị Thụy kể rằng, cách đây mươi năm số vụ ly hôn của huyện chỉ khoảng 160-170 vụ/năm nhưng năm 2012 là 283 vụ, năm 2013 là 287 vụ, năm nay ước xấp xỉ 300 vụ.

Có những tháng đến trên 30 đôi lũ lượt kéo nhau đến đâm đơn. Tòa có 7 thẩm phán mà nhiều khi còn quá tải, phải trưng dụng cả phòng làm việc của thẩm phán để hòa giải ly hôn.

Giờ ở nông thôn tỷ lệ ly hôn mà người nữ chủ động chiếm khá nhiều, khoảng trên 40%. Điều đó chứng tỏ vấn đề gì? Chứng tỏ nữ quyền tăng cao, họ không còn cam chịu những ông chồng cờ bạc, rượu chè, bạo lực, gái trai nữa.

Nhưng trong nhiều trường hợp nó cũng chứng tỏ con người ngày nay ích kỷ, không còn nghĩ nhiều cho người khác, công dung, ngôn hạnh đã nhạt nhòa.

Thanh niên nông thôn ngày nay cũng lắm mối tình kiểu qua đường rồi cưới vội. Chỉ nội trong năm nay, TAND huyện Kinh Môn phải xử lý mươi vụ cưới nhau chỉ khoảng trên dưới một tuần là kéo nhau ra tòa.

Trong các vụ ấy, chị Thụy nhớ như in một trường hợp đặc biệt ở chỗ dù đăng ký kết hôn rồi mà chưa cưới, chưa động phòng đã ly hôn. Đối tượng chủ động là một cô giáo.

Thấy Đào (đã đổi tên) đến, chị Thụy thương lắm bởi dù chưa cưới nhưng đăng ký rồi ly hôn là đã mang tiếng một đời chồng. Chị hỏi: Thế em có thời gian tìm hiểu không? Cô gái bảo: Chúng em quen qua bạn bè giới thiệu gần một năm mới quyết định cưới.

Chị hỏi tiếp: Tại sao em quyết định cưới anh ấy? Cô gái bảo: Anh ấy to cao khỏe mạnh, làm công nhân ổn định, còn em sức khỏe hạn chế nên mong một chỗ dựa. Chị tiếp: Thế tại sao lại bỏ? Cô gái bảo: Lúc yêu nhau, thấy anh ấy đi hơi cà nhắc cứ tưởng là có tí tật mà thôi, đến khi ăn hỏi, người nhà em phát hiện ra anh ấy có một cái chân giả, cụt tới đùi do tai nạn lao động nên mới phản đối.

Nghe đến đây, chị Thụy càng ngạc nhiên: Quen nhau một năm mà em không phát hiện ra anh ấy chân giả? Cô gái bảo: Em cũng khá lớn tuổi rồi, nghề nghiệp lại là giáo viên nên muốn dành tất cả sự trong trắng cho đêm tân hôn chị ạ!

Cùng cảnh phụ nữ cả, chị Thụy khuyên cô: Hãy suy nghĩ lại, các em đã ăn ở với nhau đâu mà nảy sinh mâu thuẫn đến mức phải ly hôn? Nếu chỉ do gia đình phản đối mà bỏ thì không nên. Xây một cái nhà mới khó chứ phá dễ lắm!

Nhưng dù chị nói kiểu gì, dù anh chồng hết lòng thương yêu, cô giáo nọ vẫn cương quyết ly dị. Tình người bây giờ không khác gì nước nhanh đến nhanh đi là thế!

82 tuổi vẫn ly dị

Một vụ ly dị cũng độc đáo không kém là cụ ông N.V. Nam (đã đổi tên) 82 tuổi lôi cụ bà 80 tuổi ra tòa. Cả hai là nông dân đặc, con, cháu đề huề cả rồi nên bỗng thành sự lạ.

Lạ hơn nữa trong lúc nhận hồ sơ, ngày nào ông lão hom hem cũng đạp xe từ nhà mình ra tòa, rỉ tai vào cậu thẩm phán trẻ mà rằng: “Cháu cứ giải quyết nhanh cho ông đi, ông sẽ chỉ chỗ cho cháu đi chơi chỉ mất có 50.000 đông thôi”.

Một thẩm phán nữ được cử để tiếp xúc riêng với cụ bà. Sau nhiều gặng hỏi thì bà nức nở rằng: “Khổ lắm cháu ơi! Tối nào ông ấy cũng thuê băng "con heo" về mở, gọi dậy cùng xem rồi bắt tôi làm như con heo. Không đúng ý là ông ấy đánh…”.

Rốt cuộc ông lão ở vào cái tuổi gần đất xa trời cũng thỏa được ước mong bỏ vợ.

Rượu và Chí Phèo

Nếu Kinh Môn giữ kỷ lục về ly hôn so với các huyện khác trong tỉnh thì An Phụ là một xã đóng góp nhiều nhất nhì, mỗi năm trên dưới hai mươi vụ.

Lý do ly hôn muôn hình vạn trạng. Có thể do làm ăn tất bật người phụ nữ không thể chu toàn việc nhà, có thể do chuyện gái trai ngoài luồng nhưng chiếm tỉ lệ khá lớn là do rượu chè, bạo lực.

Chị N. T. Hồng (đã đổi họ tên) ở xóm 9 thôn Huề Trì đã bước vào tuổi 50 rồi mà vẫn viết đơn ra tòa. Chị Nguyễn Thị Lan, cán bộ tư pháp xã, chỉ hỏi vài ba câu mà nước mắt chị đã lăn dài trên gò má.

Chị bảo: Khổ lắm! Bao năm rồi chồng cứ rượu vào là đánh, đánh bằng gậy, đánh bằng tay, có lần còn lột truồng cô đuổi ra khỏi cổng. Những lúc ấy cô không có ý kiến gì vì sợ chuyện ly dị sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của con cái khiến chúng mất đi chỗ dựa. Nay con cái đã có vợ có chồng, có chỗ dựa riêng nên cô cũng muốn giải phóng cho mình.

Giờ thỉnh thoảng nghe đài lại có một thông báo anh A, chị B đã đi khỏi nơi cư trú từ bốn năm nay chồng, vợ ở nhà báo về giải quyết ly hôn. Sau thông báo này 4 tháng, nếu anh, chị không về tòa sẽ giải quyết theo pháp luật. Thống kê cho thấy rất ít tin nhắn tìm người thân lúc họ mới ra đi mà chỉ có tin nhắn đòi về ký đơn ly dị.

Một buổi chiều mưa sụt sùi. Những hạt mưa giăng trắng khắp triền đồi, triền bãi An Phụ, tôi đến nhà chị Hồng. Cửa đóng im ỉm, gọi mãi người hàng xóm mới ló đầu ra bảo: “Cô ấy bỏ đi phu hồ đã lâu còn chú ấy đang ở nhà con rể”.

Chẳng biết làm gì, tôi lặng ngắm cái ngõ hoang vắng. Cái ngõ là nơi mỗi trận đòn chị đều chạy ra đấy, nơi có lần trong đêm bị chồng lột truồng chị đứng run rẩy trong bóng tối. Cái ngõ dài và sâu hun hút như một tiền định.

Cùng cảnh ngộ như thế ở xóm 2 trong thôn có bà T.T. Thơm (đã đổi tên). Bà là một nông dân trồng hành rất có nghề nhưng chẳng may vớ phải anh chồng hay rượu. Cứ rượu vào là ông thượng cẳng tay, hạ cẳng chân.

Có lần vừa kéo được xe bò hành về, mồ hôi còn ướt đầm lưng áo, ra bể rửa mặt quay vào đã thấy ông chồng cầm dao băm xe hành. Bà khóc, ôm lấy chân chồng can nhưng ông thủng thẳng: “Ô hay! Tao chặt hành chứ có chặt mày đâu mà khóc?”.

Ông không chặt tôi nhưng ông chặt hành thì lấy tiền đâu mà uống rượu? Bà van nài tiếp. “Tao cứ chặt, cứ đi uống rượu đấy, làm gì được nào?”.

Không chỉ đánh, có lần ông còn lột truồng bà mà bêu, hàng xóm thương tình phải lén lấy quần áo cho mặc. Nhiều bận ông đập nát cả đồ đạc, băm nhừ quần áo khiến bà sợ hãi lẩn trốn về nhà người thân. Tỉnh rượu ông lại đi dỗ, bà lại con cón về.

Cán bộ tư pháp xã thấy cám cảnh quá mới khuyên bà rằng: “Ở khổ thế sao cô không ly dị đi?”. Bà hồn nhiên: “Sao phải ly dị hả cháu? Ông ấy chỉ đánh đập cô lúc uống rượu thôi chứ tỉnh táo lại tử tế mà”.

13-58-57_dsc_7988
Chị Trang (trái) ly dị đã trên mười năm, một mình nuôi con

Tôi đến thăm nhà chị Nguyễn Thị Trang ở trong thôn. Chị ly dị hơn mười năm nay, một mình nuôi ba con nhỏ. Rất cởi mở và không cần giấu giếm, chị bảo rằng: “Tôi chẳng may lấy phải người chồng không ra gì, đi gây gổ đánh nhau bên ngoài còn việc nhà toàn đùn cho vợ. Thế rồi chồng tôi bỏ đi biệt xứ, lúc ly dị đài báo tin cũng chẳng thấy về, bao năm rồi tôi nuôi con cũng chẳng thèm nhòm ngó. Mất hai ba năm đầu tôi suy nghĩ kinh lắm nhưng cũng dần nguôi ngoai để nuôi dạy con cái. Kiếp này mình làm tốt, gieo nhân lành để kiếp sau gặt quả lành phải không chú?”.

Ôi! Những phụ nữ nông thôn. Ngay cả trong hoàn cảnh bi đát nhất họ vẫn không ngừng nuôi hi vọng.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Gió lốc kèm mưa đá liên tiếp xảy ra tại Sơn La

Sáng 29/3, một số bản của xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) xuất hiện mưa to, gió lốc kèm theo mưa đá, gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản của người dân.

Bình luận mới nhất