| Hotline: 0983.970.780

Ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương: Không quá lo sợ cúm lợn

Thứ Sáu 17/02/2012 , 09:53 (GMT+7)

Người dân không cần quá lo bởi đây chỉ là ca bệnh đơn lẻ, thể nhẹ như cúm mùa thông thường thôi.

Ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương

Cúm gia cầm ngày càng lan rộng, cùng lúc lần đầu tiên xuất hiện bệnh nhân nhiễm virus cúm lợn đang là mối lo ngại của hàng triệu người dân VN. Sự tái tổ hợp virus cúm có thực sự nguy hiểm không? Làm thế nào phòng tránh sự lây lan của những loại virus cúm này? NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế xung quanh những vấn đề trên.

Ông Hiển cho biết, hiện nay Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có công điện gửi Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc chủ động phòng chống dịch cúm mới xâm nhập và lây lan tại Việt Nam. Động thái trên được đưa ra sau khi phát hiện thêm 10 người Mỹ mắc một chủng cúm mới. Trong 10 ca nhiễm có 7 ca thường xuyên tiếp xúc trực tiếp hoặc gần với lợn.

Chưa đầy 2 tháng mà người dân VN “đón tiếp” sự quay trở lại của virus cúm trên gia cầm và xuất hiện virus cúm lợn mới. Là chuyên gia hàng chục năm gắn bó với các loại dịch bệnh, ông cho biết vấn đề này thế nào?

Cúm A/H3N2 là virus cúm mùa thông thường có từ rất nhiều năm rồi. Tuy nhiên, mới đây Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh dịch Mỹ phát hiện bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam đã mắc một chủng cúm mới được xác định là do tái tổ hợp từ chủng cúm A (H1N1) phát dịch năm 2009 và cúm A (H3N2) có nguồn gốc từ lợn, virus mới có tên khoa học là S-OtrH3N2. Tuy nhiên, người dân cũng đừng lo quá bởi đây chỉ là ca bệnh đơn lẻ, thể nhẹ như cúm mùa thông thường thôi.

Sự tái tổ hợp thành một virus mới mức độ nguy hiểm sẽ thế nào? Làm sao phân biệt giữa cúm lợn và cúm thông thường, thưa ông?

Tôi xin nhắc lại, người mắc virus cúm lợn mới này không nguy hiểm và chỉ như cúm mùa thông thường. Virus cúm có quanh năm nhưng ở môi trường lạnh, ẩm sẽ thuận lợi hơn thôi. Cúm lợn (hay chủng cúm H1N1) có thể gây ra các triệu chứng tương tự cúm mùa, bao gồm sốt đột ngột (>37,8oC), ho và đau họng. Một số người có thể chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, mệt mỏi, đau người, đau đầu, đau khớp và cơ. Cũng có thể bị tiêu chảy và nôn, đây là những triệu chứng hiếm gặp trong cúm mùa thông thường. Các triệu chứng của cúm lợn có thể khác nhau giữa trẻ nhỏ và người già yếu. Cụ thể như trẻ nhỏ có khi chỉ thấy mệt và khó chịu, thở gấp hoặc mạch nhanh, có thể rất buồn ngủ hoặc kích thích. Người già thấy rất đau người, khát và bối rối. Ngoài ra, phần lớn người bị cúm lợn không quá mệt vì bệnh, các triệu chứng bắt đầu cải thiện trong 2-5 ngày, cho dù phải mất vài tuần mới hoàn toàn trở lại bình thường.

Còn người mắc cúm mùa cũng sốt đột ngột, đau người, đau đầu và mệt mỏi, ho hoặc đau họng. Đau người có thể là triệu chứng rất nổi bật, đặc biệt người già có thể chỉ thấy rất đau lưng. Nôn và tiêu chảy ít gặp trong cúm mùa. Cúm mùa ít lây hơn cúm lợn, nhưng khiến người bệnh cảm thấy rất mệt.

Nhiều người đang hoang mang lo sợ khi ăn thịt lợn sẽ mắc virus cúm mới này?

Xin khẳng định: bệnh này không hề liên quan đến việc ăn thịt lợn bởi virus cúm lợn không lây qua thực phẩm, không lây qua đường ăn uống mà chỉ thông qua đường hô hấp (từ người sang người). Hiện nay chúng tôi cũng đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước và thế giới để phân tích xem nó có liên quan như thế nào đến giống lợn nuôi ở VN không.

Khuyến cáo của Bộ Y tế như thế nào trước tình hình dịch chồng dịch như thế này, thưa ông?

Hiện nay, mới chỉ có các ca bệnh đơn lẻ nên chưa thành dịch được. Song người dân vẫn không được chủ quan mà ăn uống, sinh hoạt không hợp vệ sinh. Không được ăn tiết canh, thịt, gia cầm bệnh. Kết hợp là các biện pháp phồng chống cúm kinh điển như hạn chế tiếp xúc nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, thường xuyên đeo khẩu trang khi tới nơi đông người và tiếp xúc với người bệnh, không sử dụng chung khăn mặt và các vật dụng sử dụng trong ăn uống, tránh đến chỗ đông người khi có dịch cúm, nên có khăn tay hoặc khăn giấy che miệng khi ho hoặc hắt hơi…

Tiêm vacxin có làm hạn chế được việc lây nhiễm những virus cúm độc này không? Bao giờ VN có được vacxin cúm tự sản xuất, thưa ông?

Cúm là bệnh truyền nhiễm, lây lan rất nhanh qua đường hô hấp, tiếp xúc và có nguy cơ tử vong nên biện pháp phòng tốt nhất là tiêm vacxin. Sau tiêm, vacxin sẽ cần 2 tuần để giúp hệ miễn dịch chống chọi với virus, vì vậy vẫn có thể bị cúm trong giai đoạn cửa sổ này. Ngoài ra, một giả thiết khác là người tiêm cũng có thể nhiễm 1 loại virus khác, không cùng chủng loại với loại vacxin đã tiêm. Tuy nhiên, nói gì thì nói, tiêm vacxin đến nay vẫn được coi là biện pháp phòng cúm hiệu quả nhất. Vì vậy, người dân nên chọn thời điểm nào cơ thể khỏe mạnh để việc tiêm phòng mang lại hiệu quả cao. Riêng câu chuyện sản xuất vacxin cúm “made in Việt Nam”, hiện đang được thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn 3, cố gắng cuối năm nay sẽ có. Nếu được Hội đồng khoa học đánh giá kết quả tốt thì sẽ đưa vào sản xuất đại trà.

Xin cảm ơn ông!

* Cúm heo (lợn) là gì? Là một chứng bệnh hô hấp cấp truyền nhiễm xảy ra ở loài heo, do một số loại virus cúm heo thể A gây ra. Dịch cúm heo xuất hiện quanh năm, nhưng thường tăng cao vào mùa thu và mùa đông ở những vùng ôn đới. Dù các loại virus cúm heo thường là những chủng đặc trưng và chỉ ảnh hưởng đến heo, nhưng đôi khi chúng có thể gây bệnh ở người.

* Lây nhiễm sang người như thế nào? Người thường bị lây nhiễm cúm heo do tiếp xúc với heo mắc bệnh, tuy nhiên cũng có một số trường hợp xảy ra ở người không hề tiếp xúc với heo bệnh hoặc môi trường có heo bệnh. Lây nhiễm từ người sang người đã xảy ra ở một số trường hợp, nhưng chỉ giới hạn trong tiếp xúc gần gũi và những nhóm người khép kín.

* Triệu chứng là gì? Các triệu chứng cúm heo tương tự như triệu chứng cúm thông thường. Triệu chứng ban đầu thường gặp là sốt cao, sau đó là ho, đau họng, chảy nước mũi, đôi khi người bệnh cảm thấy khó thở sau vài ngày mắc bệnh.

* Có vacxin ngừa cúm heo dành cho người không? Không. Các loại virus cúm thay đổi rất nhanh và sự tương thích giữa vacxin với dòng virus đang lan truyền là yếu tố quan trọng trong việc tạo khả năng miễn dịch thích hợp để ngừa cho người. Đây là lý do vì sao Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cần lựa chọn virus để bào chế vacxin hai lần mỗi năm nhằm ngừa bệnh cúm theo mùa. Hiện nay loại vacxin ngừa cúm theo mùa theo khuyến cáo của WHO không chứa virus cúm heo.

(Trích khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới)

 

Xem thêm
Tập thể dục vào sáng và tối giảm nguy cơ ung thư ruột kết hơn 10%

Hoạt động thể chất vào các thời điểm khác nhau trong ngày có thể dẫn đến những kết quả khác nhau cho sức khỏe về lâu dài.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Người bị tiểu đường nên ăn gì thay cơm trắng?

Cơm trắng có chỉ số đường huyết cao, không tốt cho người tiểu đường. Vậy người bị tiểu đường nên thay cơm bằng thực phẩm gì?

8 lợi ích sức khỏe tuyệt vời của quả xoài

Xoài là loại cây quen thuộc với người Việt, thường được trồng làm bóng mát trong gia đình và khu dân cư. Quả xoài được yêu thích bởi hương thơm và vị ngọt đặc trưng.